ĐĂNG BỞI  - 
Bán quần áo, bán đặc sản quê hương, bán hoa quả ngoài chợ... là một trong nhiều công việc mà công nhân, viên chức đang lựa chọn sau những giờ làm việc chính vì lo lắng tiền lương không đủ chi tiêu, tiền thưởng Tết thì không mấy hy vọng.
Công nhân bán thêm hoa quả
Hai năm gần đây, cứ mỗi độ Tết về là vợ chồng anh chị Nguyên Anh lại lo sốt vó tiền chi tiêu, tiền về quê.
Vợ chồng anh chị cưới nhau đã được 7 năm, có hai con, một trai, một gái. Cô con gái lớn năm nay đang học lớp 1, còn cậu con trai mới lên 3 tuổi. Gia cảnh khó khăn, anh Nguyên và chị Anh phải để con ở lại Bắc Giang cho ông bà nội chăm sóc rồi lên Hà Nội xin vào làm công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội).
Lương của anh Nguyên được 3,5 triệu đồng/tháng, còn chị Anh được 2,8 triệu đồng chưa tăng ca. Trung bình một tháng, thêm cả tiền tăng ca, tổng thu nhập của cả gia đình anh chị rơi vào khoảng 8 - 8,5 triệu đồng.
"Nếu chỉ có hai vợ chồng thì có lẽ cũng đủ sống, nhưng ngặt nỗi còn phải gửi tiền về quê cho ông bà lo cho hai đứa nhỏ. Đứa lớn cũng đi học rồi nên chi phí cũng nhiều hơn. Cho nên cứ nghĩ đến Tết là tôi lo lắm", chị Anh cho biết.
Tết Nguyên đán năm 2013, ngoài 1 tháng lương ra, hai vợ chồng chị chỉ được thưởng mỗi người 500.000 đồng. Tăng ca liên tục, nhưng thu nhập cả tháng trước Tết của hai vợ chồng chỉ vẻn vẹn 10 triệu đồng.
"Năm nay cũng chẳng hy vọng được thưởng Tết, may ra được 200.000 - 500.000 đồng động viên thôi. Nghe mấy ông quản lý nói năm nay làm ăn chán lắm nên lấy đâu ra tiền thưởng", anh Nguyên nói.
Cả năm đi làm xa mà không lo được cho gia đình một cái Tết tử tế, không sắm được cho bố mẹ, con cái bộ quần áo mới đón xuân, khiến vợ chồng anh Nguyên không lúc nào yên. Chợt thấy mấy người bạn ở cùng xóm trọ bàn nhau hùn vốn để nhập thêm quần áo bán ngoài chợ, anh Nguyên cũng nảy ra ý định làm thêm ngoài giờ để kiếm tiền.
 Cứ đến đêm là vợ chồng anh Nguyên lại thay nhau đi chở hoa quả thuê ngoài chợ đầu
mối để kiếm tiền về quê ăn Tết. (Ảnh Duyên Duyên)
"Định bỏ ít vốn buôn cái gì đó, nhưng vợ tôi sợ thua lỗ nên không chịu. May nhờ có một người bạn cùng quê đang buôn bán hoa quả ở chợ đầu mối Bắc Thăng Long đang cần người chở hàng đi bỏ mối cho những người bán lẻ ở một số chợ gần đây nên vợ chồng tôi nhận luôn. Làm từ 3-7 giờ sáng, tiền công 200.000 đồng/ngày, xăng xe mình chịu", anh Nguyên cho biết.
Vậy là hôm nào chị Anh làm ca sáng thì rạng sáng hôm đấy anh Nguyên chở hoa quả thuê. Còn hôm nào anh Nguyên làm ca sáng thì chị Anh lại thu xếp đi làm. Cứ vậy, hai vợ chồng anh chị thay nhau vừa đi làm ở nhà máy, lại vừa làm thêm việc ngoài giờ đã được hơn 10 ngày nay.
"Hơi vất vả nhưng phải chấp nhận thôi. Từ nay đến Tết cũng tầm 20 ngày nữa là về quê rồi, tính ra vợ chồng tôi cũng kiếm thêm được khoảng 6 triệu đồng. Cộng thêm tiền lương của tháng 1, gom góp lại được hơn chục triệu, may ra có được chút tiền để mua cái tivi tử tế cho ông bà cụ và hai đứa nhỏ ở quê" - anh Nguyên vui mừng nói.
Ngoài vợ chồng anh Nguyên, một số công nhân khác làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng tranh thủ tháng giáp Tết để kiếm việc làm thêm. Người thì buôn bán nhỏ tại khu chợ công nhân, người thì nhận rửa bát thuê tại những cửa hàng cơm bụi, thanh niên to khỏe thì nhận bốc vác tại chợ đầu mối lúc nửa đêm... Ai cũng muốn tranh thủ kiếm thêm ít tiền để về quê ăn Tết.
Nhân viên chứng khoán bán quần áo
Không chỉ công nhân tại các khu công nghiệp là lo lắng kiếm tiền ăn Tết, đội ngũ nhân viên văn phòng, thậm chí cán bộ công chức nhà nước cũng chẳng sung sướng hay khá khẩm hơn là bao.
Mặc dù là nhân viên ngành ngân hàng vốn nổi tiếng là lương cao, thưởng "khủng" nhưng trước sự khó khăn của ngành kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, chị T.N (nhân viên tín dụng của ngân hàng T.P - Hà Nội) lại đang chịu áp lực từ việc phải kiếm tiền ăn Tết.
"Hồi trước, Tết nào cũng được thưởng vài tháng lương, lúc nào cũng rủng rỉnh ăn tiêu, mua sắm. Nhưng hai năm nay thì coi như chẳng được gì. Bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng cứ thấy con cái làm ăn được thì không sao, nhưng tự nhiên thấy tiền ít đi lại đâm ra lo lắng. Ông bà không đặt nặng tiền biếu đâu, nhưng người già nên hay cả nghĩ lắm, lại tưởng rằng mình bị khiển trách, bị kỷ luật nên mới bị trừ lương, giảm thưởng. Mà có giải thích ông bà cũng không hiểu. Thành ra Tết này vợ chồng cũng ráng gồng mình để lo đủ tiền chi phí cho cả gia đình", chị N. tâm sự.
Năm ngoái, lương thưởng ít, chị N. đã phải kinh doanh thêm mặt hàng cây cảnh, nhưng vốn nhiều, bán không được mấy, dù không đến mức lỗ nhưng tiền lãi thu được chẳng là bao, nên năm nay chị N. quyết tâm chuyển hướng sang kinh doanh mặt hàng khác.
"Mình quê gốc ở Quảng Ninh, nhà lại ngay sát biển nên năm nay quyết định bán thêm chút hải sản để tăng thu nhập. Ban đầu, mình lấy một ít tôm, cua, cá, mực loại ngon cho các chị em ở công ty ăn thử. Sau này mọi người đều thấy ngon nên đã đặt hàng khá nhiều. Đến giờ, các đơn hàng Tết cũng ổn ổn, tính ra nhàn nhã hơn bán cây cảnh mà lãi cũng được nhiều", chị N. vui mừng nói...
Dương T., một nhân viên giao dịch chứng khoán cũng phải kiếm việc làm thêm lo Tết.
Chị Dương T. - nhân viên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đang tất bật lo công việc ở công ty, vừa lo cho gian hàng bán quần áo trên mạng để tăng thu nhập.
Tuy nhiên không được may mắn như chị N., chị T. phải cạnh tranh với khá nhiều shop quần áo trên mạng khác. Thêm vào đó, vì chị T. vẫn phải làm việc trong giờ hành chính, nên với những đơn hàng phải giao đồ vào ban ngày thì chị T. đành "bó tay".
"Thấy nhiều người bán hàng quần áo trên mạng rất lãi, lại nhàn nên tôi cũng muốn thử. Nhưng thực sự không dễ dàng như mình nghĩ. Phải chụp ảnh đăng lên, rồi phải có thời gian kết bạn, chia sẻ, phải nghĩ đủ thứ thu hút khách. Vướng nhất là thời gian đi giao hàng, còn nếu mình thuê người thì lại chẳng được lãi là bao. Lương thưởng ít, đến công việc làm thêm cũng khó khăn nên chắc Tết năm nay lại thê thảm", chị T. buồn rầu...
Duyên Duyên - Khánh Hòa
 (Ảnh bìa minh họa - VNE)