Dân Việt - "Tết làm chi cho khổ cô ơi. Tết đến nhìn gia đình người ta vui vẻ, hạnh phúc mà phận già như tôi sao trời lại đày ải thế này" - lời buồn của một cụ bà vô gia cư tuổi 83 trú dưới gầm cầu Long Biên
Tết đến, xuân về Hà Nội ngập tràn trong sắc xuân. Nhưng bên cạnh những niềm vui, sự phấn khởi ấy, ta không khỏi chạnh lòng khi bắt gặp không ít giọt nước mắt vội lăn của những mảnh đời bất hạnh, vô gia cư giữa thủ đô rộng lớn. Đa phần họ đều là những người đáng tuổi ông, tuổi bà, tuổi cha, tuổi mẹ nhưng vẫn đang tha hương cầu thực, không nhà cửa, không con cái, sống cảnh màn trời, chiếu đất.
"Tết làm chi cho khổ cô ơi!"
"Đây là bà Thìn, chồng mất, con thần kinh, đi nhặt rác. Ngồi kia là ông Hùng (70 tuổi) ở Khoái Châu, Hưng Yên, hai vợ chồng già đi nhặt ve chai, kiếm tiền trả tiền thuê nhà và sống qua ngày không biết sống chết lúc nào...", ông Nguyễn Văn Bình - trưởng xóm Bè (chân cầu Long Biên, Hà Nội) kể tỉ mỉ về từng người trong dãy dài người vô gia cư đang ngồi chờ nhận quà tại bãi giữa sông Hồng.
Bà Trôn, bà Thìn xúc động khi được nhận quà Tết từ những tấm lòng hảo tâm.
Tấm bạt được căng vội trên bãi đất rộng ngay bãi ven sông như để thể hiện sự nhiệt tình của người dân làng chài và người vô gia cư với những nhà hảo tâm.
Bà Trần Thị Thìn (63 tuổi) quê ở Hải Hậu, Nam Định, ngồi vắt vẻo trên mỏm đất nhọn, chân vẫn chưa kịp gỡ đôi ủng nhuốm màu bùn đất. "Năm nay làm ăn khó khăn, trước kia mỗi ngày còn nhặt được nhiều ve chai, lọ nhựa, bán còn được trăm nghìn, giờ thì may ra kiếm được 40-50 nghìn đồng. Mấy tháng nay tôi và con trai phải nhận đi chở rác thuê cho một cô công nhân để mỗi buổi kiếm thêm được 50 nghìn đồng để chạy vạy lo cho cuộc sống", bà Thìn tâm sự.
Bà Thìn dù đang đi làm nhưng khi được thông báo có quà, bà đã xin phép người ta cho về 30 phút để được nhận quà. Giơ đôi bàn tay chai sạn, nụ cười tuy méo mó nhưng đôi mắt đục ngầu vẫn ánh lên niềm vui khi được thông báo về nhận quà Tết, bà Thìn không giấu vẻ hồ hởi: "Năm nay hai mẹ con tôi sẽ ăn tết to vì ngoài quà của phường, quà của nhà chùa chúng tôi còn được nhận nhiều phần quà của những nhà hảo tâm khác".
"Năm hết tết đến, chỉ mong sang năm mẹ con tôi được chính quyền và anh em hỗ trợ để về quê hương an cư lập nghiệp. Cực chẳng đã thì mới phải tha hương cầu thực. Giờ thì mệt lắm rồi"- nói rồi gương mặt bà chợt sáng bừng lên khi nhắc đến ước mơ được về quê.
Với những người vô gia cư như thế này thì hoàn toàn không có Tết.
Không có may mắn còn quê, còn con như bà Thìn, bà Nguyễn Thị Trôn (Thái Nguyên) từ lâu đã trở thành người vô gia cư, không nhà không cửa, không con cái, không anh em họ hàng.
"Tết làm chi cho khổ cô ơi. Tết đến nhìn gia đình người ta vui vẻ, hạnh phúc mà phận già như tôi sao trời lại đày ải thế này" - câu nói đứt đoạn, giọt nước mắt đã tuôn trào trên gương mặt xám xịt, làn da nhăn nheo của bà Trôn.
Nỗi tủi hờn khiến bà không thể ngẩng mặt lên, chỉ dám kéo chiếc nón lá, cúi xuống lén lau nhanh những giọt nước mắt. 83 tuổi, cơ thể suốt ngày đau ốm, chân thì yếu vừa đi vừa lết nhưng ngày nào bà Trôn cũng phải lết đi khắp gầm cầu Long biên để nhặt rác kiếm chút tiền sống qua ngày. Cô độc là vậy, nhưng chết thì không được mà sống thì khổ quá.
40 năm chưa một lần biết đến tết
12 giờ đêm, không khí lạnh ùa về trong những ngày cận tết khiến con người phải co rúm lại. Ấy vậy mà ở đâu đó hàng chục người vô gia cư tại Hà Nội vẫn chịu cảnh trời là màn, đất là chiếu, vỉa hè, nắp cống, gầm cầu làm nhà. Theo chân những nhà hảo tâm đi tặng quà cho những mảnh đời khốn khó vào lúc 1- 2 giờ sáng mới hiểu hết nỗi khổ của những con người ấy.
Một thành viên trong nhóm từ thiện cho hay, phải chọn thời điểm này vì thường 12 giờ đêm mới là thời điểm kết thúc một ngày làm việc của họ. Chỉ lúc này, những người vô gia cư mới ẩn mình ở một nơi nào đó, có thể là sau tấm bạt, bên góc cống, bụi cây.... cá biệt có những người giờ đó vẫn chưa về "địa bàn" vì vẫn đang gắng gượng nhặt thêm mảnh rác, lon bia để góp nhặt, những mong sẽ kịp bán chúng trước khi trời sáng.
"Mặc dù đã đi khảo sát khá kỹ địa bàn của người vô gia cư trước khi phát tâm từ thiện tránh việc hỗ trợ sai đối tượng, tuy nhiên lúc đi phát cũng có thể họ đã bị truy đuổi và dạt về một vùng khác. Vì vậy, kể cả muốn hỗ trợ, giúp đỡ những người như thế cũng rất khó" – thành viên nhóm thiện nguyện cho hay.
Ông Minh ngủ bên vỉa hè tại đường Hoàng Hoa Thám.
Trên một góc vỉa hè đoạn đầu đường Hoàng Hoa Thám, ông Minh (73 tuổi, quê Hải Phòng) nằm cong queo bên chiếc bàn cũ, trên người chỉ độc một chiếc áo khoác đắp hờ. Vậy quanh ông là đống bát đũa, nồi niu, bếp ga mi ni... Trong số đó, có lẽ đáng giá là chiếc chăn bông ông mới được tặng, ông đã gấp cẩn thận bọc kỹ xếp phía trên.
"Hôm nay trời ấm lên chút nên không đắp chăn, chỉ đắp áo thôi" - ông Minh lẩm bẩm, mặc cho những cơn gió thổi mạnh. Nơi vỉa hè nồng nặc mùi hôi của nước thải, mùi thối của xác chuột chết này chính là "ngôi nhà" mà ông đã gắn bó suốt 40 năm qua.
"Tôi sống ở đây hơn 40 năm rồi, chưa tết năm nào về quê cả. Cũng có 1 cô con gái, nhưng không bao giờ nó qua thăm đâu. Sống thế này quen rồi, tết nhất thì cũng thế này thôi", ông Minh giãi bầy. Nói đến đây giọng như khan đặc lại, vớ chiếc áo lau những giọt nước chảy nơi kẽ mắt rồi kéo vội lên che lấp khuôn mặt tiếp tục giấc ngủ muộn.
Cạnh đó, ngay bên công viên Bách Thảo, dù đã 2 giờ sáng nhưng một người đàn ông còn khá trẻ vẫn đang tận dụng nguồn nước ở vòi phun để giặt mấy bộ quần áo. "Phải giặt nhanh để còn phơi ra ghế đá này, mai kia còn có cái mà thay. Xong thì lại đi gom nhựa, gom giấy và sắn vụn để bán cho kịp, nếu không ngày mai, ngày mốt nghỉ tết người ta không mua thì không biết phải gửi nơi nào" – ông Chiến tâm sự.
Từng mồ côi cả cha lẫn mẹ, được chị gái nuôi lớn nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy mà ông Chiến lâm vào cảnh cờ bạc rồi mắc bệnh xã hội. Giờ thì nhận ra đã muộn, nhưng ông Chiến vẫn quyết tâm, còn sống ngày nào thì vẫn cố tâm sống cho ý nghĩa hơn.
Của ít lòng nhiều, những tấm bánh đồng quà, phong bao lì xì của những nhà hảo tâm dù chỉ là những thứ vật chất ít ỏi nhưng cũng hy vọng có thể góp phần an ủi những mảnh đời bất hạnh vào thời khắc giao thừa, đất trời sang xuân. Hy vọng, một năm mới no đủ, sức khỏe và tương lai tươi sáng hơn cho họ.
Minh Nguyệt
No comments:
Post a Comment