Tuesday, January 28, 2014

Hãy cứu lấy sông Sài GònHãy cứu lấy sông Sài Gòn



songsaigon
Bờ sông Sài Gòn nhiều đoạn còn hoang sơ gần với thiên nhiên, nhưng rác nhiều quá.

Dòng sông Sài Gòn đã là nguồn động lực thiên nhiên được con người khai thác đúng để hình thành đô thị Sài Gòn trước đây và cũng là nguồn động lực phát triển của TP.HCM hôm nay và mai sau.
Sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc tỉnh Bình Phước, chảy qua Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM rồi đổ vào sông Đồng Nai với tổng chiều dài 225km. Con sông khi hợp lưu với sông Đồng Nai, đoạn này kéo dài 12km đến mũi Nhà Bè có tên là sông Nhà Bè. Từ mũi Nhà Bè dòng sông chia thành hai nhánh, sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp, cùng đổ ra Biển Đông.
Nếu ta nhìn theo cách nối kết năm đoạn sông gồm sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp, có thể xem đó là hệ thống sông Đồng Nai. Đây là một hệ thống sông vô cùng quan trọng, là nguồn sống và phát triển cho cả vùng động lực phát triển kinh tế phía Nam. Tính quan trọng của nó không thua kém hệ thống sông Hồng, hệ thống sông Cửu Long. Do đó chúng ta nên có một góc nhìn ở tầm chiến lược vùng đối với từng nhánh sông trên các địa bàn riêng rẽ. Điều này sẽ được giải quyết ở một tổ chức cấp quốc gia như một uỷ ban bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế vùng hệ thống sông Đồng Nai chẳng hạn. Riêng trong bài này tôi chỉ xin khoanh lại ở nhánh sông Sài Gòn.
Nguồn sống đô thị
Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì: “Sông Sài Gòn trước kia gọi là sông Bến Nghé, rộng 142 tầm (mỗi tầm 3,2m), sâu 10 tầm, khi nước lên sâu (thêm) khoảng 13 thước ta (tương đương 4m). Sông vừa rộng vừa sâu, những tàu buôn và ghe thuyền sông biển trong và ngoài nước ra vào không ngớt, trông thấy đầu tàu nối liền, đuôi cột buồm chi chít, đủ biết đó là nơi đô hội…” Nhìn lại lịch sử phát triển suốt 300 năm của Sài Gòn, đương nhiên vai trò yếu tố con người, yếu tố thời đại quyết định; nhưng cùng thời đại như nhau mà đô thị Sài Gòn lại có sức phát triển hơn các đô thị khác thì đó là yếu tố ưu thế về vị trí nằm bên bờ sông Sài Gòn mà ông Trịnh Hoài Đức đã mô tả.
songsaigon2
Hình ảnh sông Sài Gòn hôm nay, chúng ta chỉ cần lên mạng (Google), ngoài một vài bài nói sông Sài Gòn đẹp, Sài Gòn vươn lên với ảnh nhà cao tầng ở quận 1, quận 7, thì hàng loạt bài viết kèm theo hình ảnh khác như: Sông Sài Gòn ô nhiễm, sạt lở; Sông Sài Gòn bị giết; Hãy cứu lấy Sông Sài Gòn v.v. kèm theo những hình ảnh rác rưởi, xác thú vật trôi lình bình, nước thải đen kịt từ các khu công nghiệp xả vào dòng sông. Cảnh tượng nhơ bẩn đó hình như đang len lỏi chảy vào hệ thống cấp nước đang nuôi bao triệu người vùng đất này! Khi xem đến đó rồi nhìn lại ly nước trên bàn đang uống hơn một nửa, tôi thấy buồn nôn. Cứu lấy sông Sài Gòn là cứu lấy chúng ta!
Theo thống kê, hiện có trên 50 khu công nghiệp nằm dọc hai bên dòng sông Sài Gòn. Nếu tính luôn sông Đồng Nai thì đã trên 120 khu. Nếu làm được theo kế hoạch dự kiến của các tỉnh thuộc vùng hệ thống sông Đồng Nai thì đến năm 2020, vùng đất này có trên 200 khu công nghiệp (theo các bài viết trên mạng của các chuyên gia thuỷ lợi). Quả là một viễn cảnh khủng khiếp cho dòng sông, cho vùng dân cư ở đây!
Trước khi người Pháp đến, sông Bến Nghé là yếu tố quyết định cho việc ông cha ta chọn vùng đất này làm nơi tập trung trao đổi hàng hoá giữa vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Khi Chúa Nguyễn phái tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào xác lập quyền cai trị, xây dựng các đơn vị hành chính, đã tạo ra một trật tự xã hội hỗ trợ kinh tế thương mại dịch vụ phát triển quy mô lớn. Đến khi Chúa Nguyễn cho xây dựng Gia Định thành và cho đào thêm các kênh (Tàu Hũ, Ruột Ngựa, An Thông Hà…) nối liền với sông Bến Nghé tạo nên sự phát triển của vùng Chợ Lớn thì vùng đất này đã thành đô thị với quy mô tương đương Đại Phố (Cù Lao Phố – Đồng Nai), Mỹ Tho, Hà Tiên. Khi thực dân Pháp đến, người Pháp nhận ra giá trị cũng như vị thế của sông Bến Nghé nên cho xây dựng thành phố Sài Gòn mới và cảng hữu ngạn, tạo nên một thành phố lớn đủ sức khống chế cả miền Nam Việt Nam và cạnh tranh thương mại với các thành phố Đông Nam Á khác. Đoạn lịch sử phát triển này, một lần nữa nói lên vai trò, tầm vóc của dòng sông Sài Gòn.
Sông Sài Gòn hay cảng Sài Gòn hôm nay không thể tiếp tục làm vai trò cửa ngõ nối kết giao thông hàng hải của một đô thị gần 10 triệu dân với thế giới. Nhà nước đã có quyết định dời cảng Sài Gòn ra khỏi sông Sài Gòn để xây cầu qua sông nhằm phát triển vùng Thủ Thiêm, Thủ Đức.
Hệ thống cảng cần dòng sông rộng và sâu hơn cho các tàu viễn dương có trọng tải hàng trăm ngàn tấn ra vào.
252a0f7d94d98677d67c8258e425e832
Đề xuất quy hoạch
Vai trò của sông Sài Gòn nay đã thay đổi theo sự phát triển của TP.HCM. Hướng thay đổi tới đây như thế nào, là việc mọi người cùng suy nghĩ và tác động. Nhưng điều tiên quyết là phải cứu lấy dòng sông thoát khỏi sự ô nhiễm đang ngày càng trầm trọng. Việc chẩn trị sự ô nhiễm của dòng sông Sài Gòn không chỉ dựa vào các quy định pháp luật về quản lý đô thi, mà về cơ bản còn phải dựa vào ý thức của toàn cư dân và trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương. Điều này nên đưa vào một chương trình hành động thường xuyên của mọi đoàn thể trong xã hội, tạo ra một phong trào vận động giáo dục xã hội về văn minh đô thị. Mặt khác UBND TP.HCM cần kết hợp với các tỉnh có liên quan cùng đề xuất lên Trung ương cho thành lập uỷ ban bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, để cùng bảo vệ và sử dụng hệ thống nước một cách hiệu quả nhất.
Đối với sông Sài Gòn, TP.HCM có thể quy hoạch sử dụng phát triển thành ba đoạn như sau:
Đoạn đầu từ mũi Đèn Đỏ (điểm cuối sông Sài Gòn chảy qua thành phố) ngược dòng lên đến cầu Sài Gòn: đây là đoạn sử dụng làm cảng Sài Gòn trước đây, khi cảng dời ra, tàu bè viễn dương không còn vào. Vùng đất cảng Sài Gòn sẽ chuyển thành công viên bờ sông, đường Nguyễn Tất Thành phải được mở rộng thêm. Trong khi đó, đô thị Thủ Thiêm phát triển lên, ta cũng có vùng công viên bờ sông đối xứng. Như vậy ta có được một vùng không gian, một quảng trường lớn giữa quận 1, quận 4, quận 7 một bên và đô thị Thủ Thiêm một bên. Đây mới là trung tâm đô thị của TP.HCM trong tương lai.
Đoạn giữa chia làm hai phần: từ Sài Gòn đến cầu Bình Triệu, dòng sông bao quanh bán đảo Thanh Đa, đoạn này dài khoảng 12km. Khi cầu Kinh xây xong, tàu bè sẽ đi tắt qua kinh Thanh Đa, lộ trình sẽ rút ngắn 11,5km. Như vậy đoạn sông này sẽ tổ chức thành dòng sông cho các chương trình thể thao dưới nước, hai bên bờ sẽ tạo ra đường đi xe đạp và đi bộ thể thao. Đây là không gian nghỉ dưỡng đẹp nhất trong nội thành TP.HCM. Từ cầu Bình Triệu đến cầu Phú Long, cố gắng giữ cây cỏ thiên nhiên hai bên bờ (trừ những nơi đã có dân cư đông đúc), để tạo nên cảnh quan sông nước, vùng du lịch sinh thái của TP.HCM. Hạn chế tối đa việc sử dụng ghe thuyền có động cơ (tăng cường giao thông đường bộ thay cho đường thuỷ), để giữ được nét êm đềm thơ mộng với những chiếc xuồng chèo Nam bộ đưa du khách đến các vùng cây ăn trái, và thưởng thức các món ăn thiên nhiên thời khẩn hoang.
boithuyen
Bơi thuyền ở Thanh Đa
Đoạn từ cầu Phú Long lên thượng nguồn: cố gắng giữ không có nguồn gây ô nhiễm và sự hoang sơ của đầu nguồn.
Đã đến lúc chúng ta trả lại sự trong lành của dòng nước, chuyển đổi và nâng cao công năng dòng sông thân yêu của chúng ta, một dòng sông như dòng máu chảy trong lòng mọi người.
THEO SGTT


No comments:

Post a Comment