Thursday, December 19, 2013

Nhật cảnh báo: Mỹ sẽ trả giá đắt nếu "dung túng" Trung Quốc lập ADIZ

Vừa qua, tờ báo điện tử "The Japan Times" của Nhật đã có bài viết mang tiêu đề: "Hành động của Mỹ khiến Trung Quốc thêm mạnh bạo" của ông Brahma Chellaney - Giáo sư chiến lược học thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ. Trong đó cảnh báo, Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả nếu "dung túng" cho Trung Quốc lập "Vùng nhận dạng phòng không".


Ngày 23-11 vừa qua Trung Quốc đã thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ - Air Defense Identification Zone) bao trùm một số khu vực đang tranh chấp với các quốc gia khác. Đây là một ví dụ mới nhất về sự mở rộng cái gọi là "thẩm quyền quản lý" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, đằng sau nó ẩn chứa một chiến lược lớn hơn rất nhiều: Gạt bỏ Mỹ - siêu cường lớn nhất thế giới ra khỏi cục diện chính trị châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, phản ứng của chính phủ Obama trước thế công của Trung Quốc chỉ là những phát biểu phê phán dè dặt, họ không hề có những hành động đáp trả mang tính răn đe nghiêm khắc, thậm chí còn không hoãn chuyến thăm Bắc Kinh của phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Và trên thực tế, trong chuyến thăm này, Bắc Kinh không hề có bất cứ nhượng bộ nào đối với Washington.

Hơn nữa, các hành động của Mỹ dường như đối lập với đồng minh thân thiết Nhật Bản. Hoa Kỳ không yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ "Vùng nhận dạng phòng không", thậm chí còn đề nghị các Hãng hàng không dân dụng nước mình "tôn trọng" ADIZ của Trung Quốc. Trong khi đó bất kể là hàng không quân sự hay dân dụng của Nhật đều phớt lờ các nguyên tắc do Trung Quốc đặt ra, không hề thông báo trước cho Trung Quốc khi bay qua khu vực này.

Nhật cảnh báo: Mỹ sẽ trả giá đắt nếu
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ tại căn cứ không quân Anderson ở Guam

Chúng ta cần phải hiểu rằng, những nguy cơ tiềm ẩn ở khu vực biển Hoa Đông không chỉ xuất phát từ vấn đề tranh chấp các đảo, mà còn là vấn đề cân bằng cán cân lực lượng khu vực; tôn trọng trật tự, quy tắc; tự do hàng hải và tự do hàng không cùng với nguồn tài nguyên hải dương, bao gồm cả các khoáng sản dưới đáy biển. Nếu như Bắc Kinh thành công với ADIZ mới thiết lập, họ có thể mở toang con đường biến Trung Quốc thành trung tâm của châu Á.

Trung Quốc đã lựa chọn thời điểm công bố "Vùng nhận dạng phòng không" rất khôn khéo, trùng với ngày đạt được thỏa thuận tạm thời về hạt nhân Iran ở Geneva, lợi dụng thời điểm sự quan tâm của Mỹ và cộng đồng quốc tế đang bị phân tán để ra tay bất ngờ. Có thể nói rằng, từ trước đến nay, việc lựa chọn thời điểm phù hợp, "bất ngờ tập kích" là một bộ phận then chốt trong học thuyết chiến lược của Trung Quốc.

Hành động mới nhất này của Trung Quốc đã nhắc nhở chính phủ của ông Obama rằng, họ cần chuyển sự tập trung thái quá từ khu vực Trung Đông vào cục diện châu Á-Thái Bình Dương - khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột. Để thực hiện được cam kết chuyển trọng tâm về châu Á, ông Obama cần phải giữ vững địa vị lãnh đạo của Mỹ để áp chế sự hung hăng của Trung Quốc, trấn an các đồng minh trong khu vực.

Nhật cảnh báo: Mỹ sẽ trả giá đắt nếu
Nếu Mỹ không có những hành động cương quyết, rất có thể Trung Quốc sẽ lập thêm ADIZ mới

Cho 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 vào "diễu võ" trong "Vùng nhận dạng phòng không" của Trung Quốc chỉ là hành động mang ý nghĩa tượng trưng, điều Mỹ cần làm là những hành động đáp trả đáng tin cậy hơn. Điều đáng buồn là dường như ông Obama lại quan tâm nhiều hơn đến việc cân bằng mối quan hệ của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương chứ không phải là ngăn chặn sự lộng hành của Trung Quốc ở khu vực này.

Chính sách châu Á của Mỹ hiện nay chủ yếu tập trung vào vấn đề giành được lợi ích từ việc xây dựng mối quan hệ ngày càng mật thiết với các quốc gia ở khu vực này, trong đó có Trung Quốc - một nhân tố vô cùng quan trọng trong hoạch định chiến lược và phát triển kinh tế của Hoa Kỳ. Vì vậy, Washington chủ trương giữ quan điểm trung lập trong tranh chấp lãnh thổ tại khu vực hiện là "điểm nóng mới" trên thế giới.

Đối với Bắc Kinh mà nói, bắt ép máy bay của nước ngoài bay qua "Vùng nhận dạng phòng không" mà nước này đơn phương công bố phải chấp nhận những quy tắc họ mới thiết lập là điều không hề dễ dàng vì năng lực radar cảnh báo sớm và khả năng tiếp dầu trên không cho máy bay còn hạn chế, hơn nữa, các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản đã thẳng thừng phản đối.

Nhật cảnh báo: Mỹ sẽ trả giá đắt nếu
Hiện máy bay chiến đấu Trung Quốc thường xuyên tuần tra "Vùng nhận dạng phòng không" trên biển Hoa Đông

Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận trong chiến lược "tằm ăn rỗi" mà Bắc Kinh đang tiến hành, họ cũng không hề ảo tưởng là sẽ áp đặt được ngay những quy định mới này. Nhưng nếu Trung Quốc vẫn kiên trì giữ vững lập trường, đồng thời phớt lờ những phản ứng theo kiểu "chỉ trích, phê phán" của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh hoàn toàn có thể thiết lập một "Vùng nhận dạng phòng không" tương tự khác.

Hoa Kỳ hiện nay có vai trò rất quan trọng trong chiến lược mở rộng phân định lãnh thổ của Trung Quốc. Nếu Washington không có những hành động thiết thực, e rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục lấn tới trong thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông và biển Đông, áp đảo hoàn toàn các đồng minh, đồng thời hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến lúc đó, cái giá mà Mỹ phải trả sẽ rất đắt.

Nguyễn Ngọc

Theo The Japan Times

No comments:

Post a Comment