ĐĂNG BỞI  - 
Tâm lý ham rẻ của người dùng đã tạo cơ hội cho những sản phẩm khăn giấy ướt, khẩu trang kém chất lượng tung hoành. Những điểm bán này ngày càng nở rộ nhưng vẫn chưa được xử lý nhằm tránh gây nguy hại cho người dùng.
Khăn ướt lề đường: tiện nhưng độc
Không khó để bắt gặp những điểm phân phối khăn giấy ướt kém chất lượng bày bán nhan nhản trên lề đường. Chủ yếu tập trung ở khu vực trường học, chợ hay gần khu công nghiệp.
Thực tế đã phản ánh nhiều trường hợp sử dụng khăn giấy kém chất lượng bày bán tại lề đường phải chịu cảnh tiền mất tật mang vì ham rẻ. Trong số đó, không ít các em nhỏ phải là chịu hậu quả nghiêm trọng nhất.
Chị Trần Nguyên Thủy, ngụ quận 6 cho biết, lúc đón xe buýt ở đường Tên Lửa, Q. Bình Tân, chị có mua một bịch khăn giấy ướt loại bỏ túi có tên trên bao bì là Happy với giá 5.000 đồng, vì cần phải sử dụng cho bé nên chị cũng mua đại. Chỉ vài giờ đồng hồ sau, về nhà tháo tã em bé ra, chị Thủy phát hiện vùng mông của bé đầy mụn đỏ. Sau đó chị cũng sử dụng để lau tay thì vẫn bị triệu chứng tương tự. Lúc này, chị mới phát hoảng bởi thủ phạm chính là khăn giấy ướt mới vừa mua.
Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - chuyên khoa Da liễu, Đại học Y dược TP.HCM, khăn ướt thường được dùng hóa chất để giúp tăng thời gian sử dụng, việc sản xuất, bảo quản cần đúng quy trình kỹ thuật. Nếu bày bán ở lề đường chắc chắn sẽ bị ánh nắng trực tiếp tác động làm thay đổi, biến chất thành phần hóa học, giảm tuổi thọ của khăn, chất lượng không đảm bảo. Dùng những loại khăn này rất dễ gây dị ứng da, với trẻ em thì càng nguy hại.
TS Phạm Thành Quân, Trưởng khoa hóa Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết Việt Nam chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm này. Chủ yếu chấp nhận công bố về chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất khăn giấy ướt. Trong đó, có những tập đoàn đa quốc gia đã đăng ký và được cấp chứng nhận theo hệ thống tiêu chuẩn chung trên toàn thế giới, Việt Nam chỉ chấp nhận công bố đó và cho phép đưa sản phẩm vào sử dụng.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất tại Việt Nam có bảo đảm đúng như công bố, có được giám sát kỹ về điều kiện vệ sinh hay nhà sản xuất có điều chỉnh gì về thành phần, công thức... hay không thì không kiểm soát được.

Khẩu trang y tế cũng xuống đường
Gần đây TP.HCM xuất hiện những bảng hiệu quảng cáo khẩu trang y tế dọc vỉa hè khắp Sài gòn. Trước đây nếu mua khẩu trang y tế tại các nhà thuốc giá từ 2.000 đồng/cái. Hiện tại, khẩu trang y tế ở lề đường bán giá sốc 25.000 đồng/hộp/50 cái. Tính ra thì mỗi cái khẩu trang chỉ có giá 500 đồng chưa kể đến người bán đã có phần lời trong đó.
Quan sát, trên vỏ hộp của sản phẩm ghi toàn tiếng Anh theo kiểu chung chung Face Mask, Malaysia, nhưng bên góc hộp lại ghi “made in Vietnam”. Hai loại khẩu trang giá 40.000 -50.000 đồng/hộp có nhãn hiệu Medical và Medivid ghi thông tin “khẩu trang ba lớp lọc hiệu quả 99% vi khuẩn, ngăn bụi bẩn, không khí độc hại…” nhưng không có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng như khẩu trang được bán trong nhà thuốc.
Bên cạnh đó, một số điểm bán lề đường còn giới thiệu loại khẩu trang có thêm lớp than hoạt tính, giá 50.000 đồng/hộp. Nhiều người đã không ngần ngại mua vì nghĩ rằng than hoạt tính có khả năng lọc bụi, vi khuẩn hiệu quả.
Theo Dược sĩ Nguyễn Thanh Phương - chủ nhà thuốc tư nhân tại Q.8, các loại khẩu trang y tế được bày bán trên các vỉa hè TP.HCM hiện nay được may từ chất liệu không rõ nguồn gốc, chưa được xử lý vô trùng, chưa kết đến người sản xuất sử dụng hóa chất gây hại cho người sử dụng.
ThS. BS Lê Huỳnh Mai cho biết: “Khẩu trang than hoạt tính có mùi hôi là do cơ sở sản xuất sử dụng keo để phun cố định các hạt than hoạt tính. Chính những hạt keo khi bao quanh các hạt than sẽ làm lớp than mất tác dụng”. Còn khẩu trang diệt khuẩn có nhiều kích cỡ khác nhau, ôm gọn được vùng mũi miệng, ngăn được các tác nhân gây bệnh có kích cỡ 1-10µm. Loại này được nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân sử dụng; chỉ dùng một lần và tiêu hủy theo chế độ rác thải y tế độc hại”.
Khẩu trang y tế là sản phẩm sản xuất theo đúng quy định của Nhà nước, ngành y tế quản lý nhóm ngành này. Thực trạng, những khẩu trang y tế được bán ở nhiều nơi nhưng không ai kiểm soát đã dẫn đến sự nhập nhằng và trở thành cơ hội cho những sản phẩm kém chất lượng gây nguy hại cho người dùng.
Bài, ảnh: Phan Long