Theo Bí thư huyện Từ Liêm Lê Văn Thư, đề án điều chỉnh địa giới hành chính từ năm 2006 đã 5 lần thay đổi, nên có sai lệch là "đương nhiên, bình thường".
Sáng 19/12, trao đổi với cử tri về những sai sót trong đề án
điều chỉnh địa giới hành chính, Bí thư huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho biết, quá
trình xây dựng đề án này bắt đầu từ năm 2006 đã qua 5 lần chỉnh sửa, thay đổi.
Do vậy, có thông tin sai lệch trong các tài liệu là "đương nhiên, bình thường",
lãnh đạo huyện không có gì băn khoăn.
Ví dụ, huyện Từ Liêm có hơn 100 nhà văn hóa song người soạn thảo
đưa vào đề án chỉ 16 nhà văn hóa nên lại phải sửa. Theo ông Thư, đề án trình
Chính phủ mới là bản chính thức và đã được thành phố thông qua.
Bí thư Từ Liêm Lê Văn Thư. Ảnh:
tuliem.gov
|
Trước ý kiến của đại biểu HĐND huyện Nguyễn Hữu Kiên về việc
thành lập 2 quận mới sẽ tăng thêm chi phí khoảng 563 tỷ đồng mỗi năm, chưa kể
các chi phí xây mới trụ sở, mua sắm trang thiết bị, xe cộ, ông Lê Văn Thư thừa
nhận con số rất lớn. Tuy nhiên, đó là toàn bộ chi phí thường xuyên của huyện Từ
Liêm cả năm. Trong đó, 300 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục, trả lương cho hơn 5.000
giáo viên, 100 tỷ đồng cho chính sách xã hội, người có công, 100 tỷ đồng cho hỗ
trợ các chính sách nông nghiệp, giao thông nông thôn, ngập lụt, rác thải...
"563 tỷ là không tốn kém, nếu có thêm số đó phục vụ nhân dân thì
càng khuyến khích. Ngoài ra, chúng tôi đã dự toán chi đầu tư hạ tầng sẽ ít nhất
là gấp đôi", Bí thư Từ Liêm Lê Văn Thư nói.
Giải thích việc tăng số lượng công chức khi lập quận mới, ông
Thư cho hay, quy định bình quân cả nước là 29 công chức/1.000 người dân, huyện
Từ Liêm hiện nay là 40-50 công chức/1.000 dân, khi tách đôi sẽ thiếu. Như UBND
huyện hiện có 151 cán bộ, ít hơn số cán bộ huyện Thanh Trì song đảm nhiệm số dân
đông hơn. Số lượng công chức ở cấp xã cũng ít nên từ Bí thư đến cán bộ đều phải
kiêm nhiệm nhiều việc. Do đó, việc tăng cán bộ là đương nhiên để phục vụ tốt hơn
cho người dân.
Lãnh đạo huyện Từ Liêm cũng cam kết với cử tri rằng các đơn vị hành chính của
quận mới sẽ cố gắng phục vụ tốt để nhân dân yên tâm; các chính sách liên quan
đến quyền lợi của người dân sau khi thành lập quận sẽ được đảm bảo như giao đất,
cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đất dịch vụ hay các chính sách người có
công..."Việc học tập của học sinh, văn hóa, tín ngưỡng sẽ được đảm bảo, bà con sẽ không phải lo con học trái tuyến", ông Lê Văn Thư khẳng định.
Bí thư Từ Liêm cũng cho biết, toàn bộ hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm đã hoàn thành và được 100% thành viên hội đồng thẩm định của Chính phủ bỏ phiếu tán thành, Chính phủ sẽ xem xét để có quyết định cuối cùng.
Mới đây, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Kiên đã kiến nghị tới Chính phủ việc UBND huyện Từ Liêm làm sai số liệu trong đề án điều chỉnh địa giới để thành lập 2 quận mới. Theo ông Kiên, nếu tách làm 2 quận thì các số liệu, dân cư, công trình hạ tầng của từng đơn vị quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm không đáp ứng. Ngoài ra, quyết toán năm 2012 cho chi phí thường xuyên của huyện Từ Liêm là hơn 563 tỷ đồng. Nếu có thêm 1 quận thì hàng năm ngân sách sẽ phải bỏ ra chí ít là 563 tỷ nữa, chưa kể các chi phí xây mới trụ sở, mua sắm trang thiết bị, xe cộ và các chi phí đổi giấy tờ khác. |
Đoàn Loan
No comments:
Post a Comment