Tuesday, May 7, 2024

Nhân sự do Đảng CSVN chọn có vì lợi ích quốc gia?

RFA

 Nhân sự do Đảng CSVN chọn có vì lợi ích quốc gia?

Cuộc họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng.- Courtesy chinhphu.vn

Tại cuộc họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhấn mạnh về việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Ông Trọng còn cho biết đây là nguyên tắc cốt lõi trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 6/5/2024 nhận định với RFA:

“Ông Trọng nói thì bao giờ cũng rất là hay, nhưng trên thực tế ông làm bao giờ cũng rất là dở. Bởi vì nó đã chứng minh qua thực tế hơn hai nhiệm kỳ của ông Trọng, trong công tác nhân sự, tất cả những Ủy viên Bộ chính trị ông ấy lựa chọn thì phần lớn đã bị ngã ngựa. Còn mười mấy Ủy viên Trung ương thì đã bị bắt bị điều tra, một số đã bị xét xử. Có thể nói trong hơn 10 năm qua, công tác nhân sự của ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn thất bại.”

Ông Trọng nói thì bao giờ cũng rất là hay, nhưng trên thực tế ông làm bao giờ cũng rất là dở. Bởi vì nó đã chứng minh qua thực tế hơn 2 nhiệm kỳ của ông Trọng, trong công tác nhân sự, tất cả những Ủy viên Bộ chính trị ông ấy lựa chọn thì phần lớn đã bị ngã ngựa.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn làm công tác nhân sự vì đất nước, vì nhân dân… thì điều đầu tiên ông Trọng có thể làm là phải tiến hành dân chủ hóa trong Đảng. Ông Đài giải thích thêm:

“Tức là phải cho tất cả hơn năm triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ hội để họ được tự do ứng cử và bầu cử trong Đảng… rồi sau đó tiến hành cải cách chính trị để mở rộng ra dân chủ toàn xã hội, đây là cách làm tốt nhất. Chứ nếu như mà vẫn lựa chọn qua tiểu ban nhân sự, rồi thông qua Ban Tổ chức Trung ương như cách làm truyền thống từ xưa đến nay thì ông Trọng sẽ tiếp tục thất bại mà thôi.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, ông Trọng từ xưa đến nay luôn luôn đề cao lợi ích của Đảng, của chế độ lên trên hết:

“Chưa bao giờ ông Trọng đặt lợi ích của tổ quốc và dân tộc lên trên cả, cho nên mới dẫn đến thất bại trong công tác nhân sự. Bởi nếu đặt tổ quốc và dân tộc lên trên, thì vấn đề nhân sự của đảng cầm quyền hay lãnh đạo của một quốc gia ban đầu là do tất cả đảng viên lựa chọn, sau đó đến toàn thể người dân lựa chọn, đó mới là vì lợi ích dân tộc. Còn toàn bộ nhân sự cấp cao của Đảng và đất nước đều do một bộ phận rất nhỏ trong Đảng cầm quyền lựa chọn, thì đó vẫn là vì lợi ích của Đảng, của chế độ thôi… chứ không bao giờ là lợi ích của đất nước, của dân tộc cả.”

Thời gian qua, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất chức vì để cấp dưới có những sai phạm và phải chịu trách nhiệm người đứng đầu… Mới nhất phải kể đến là trường hợp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trước ông Huệ, vào ngày 20/3/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XIII ra thông báo đồng ý việc để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch nước… Lý do được nêu là ông Võ Văn Thưởng ‘đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và chịu trách nhiệm người đứng đầu.

Trước vụ ông Thưởng là vụ Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Những người này cũng đã lần lượt từ chức vì “phải chịu trách nhiệm người đứng đầu”. Cùng lúc các Bí thư Tỉnh ủy -cấp dưới trực tiếp của ông Trọng thời gian qua cũng bị khởi tố, bắt tạm giam, bị truy tố rất nhiều.

364ccdb7-6bf0-47a9-b3fa-7dd0a92ec5e3.jpeg
Tổng Bí thư đảng CSVN - Nguyễn Phú Trọng. AFP PHOTO.

Trở lại với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây, từ Hà Nội hôm 6/5/2024, nhà báo Lê Anh Hùng cho RFA biết ý kiến:

“Các lãnh đạo cộng sản lúc nào họ chẳng phát biểu như vậy. Nhưng giữa lời nói với việc làm của họ bao giờ cũng có một khoảng cách, thậm chí là rất xa. Người ta còn có một câu thành ngữ khi nói về lời nói và việc làm của những người lãnh đạo cộng sản, rằng họ thường nói một đằng, làm một nẻo, thậm chí làm trái ngược lại với những gì mình đã nói. Trong trường hợp này của ông Nguyễn Phú Trọng, thì việc tổ chức cán bộ lựa chọn cán bộ cũng vậy thôi.”

Theo nhà báo Lê Anh Hùng, đương nhiên không cần phải nói ra, bao giờ các lãnh đạo cũng đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích trên lợi ích của quốc gia, dân tộc… Ông Hùng nói tiếp:

“Chúng ta cũng thấy, chẳng hạn như lá cờ của Đảng bao giờ cũng đặt trước lá cờ tổ quốc, lúc nào cũng nói ‘Đảng và Nhà nước’… và không nói ‘nhà nước và đảng. Theo một lẽ tự nhiên, lúc nào họ cũng dành cho đảng sự ưu tiên hơn so với tổ quốc. Chẳng hạn ông Nguyễn Phú Trọng cũng nói Hiến pháp là văn bản quan trọng thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau Cương lĩnh của Đảng… Đủ thấy bao giờ họ cũng đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của quốc gia, dân tộc.”

Các lãnh đạo cộng sản lúc nào họ chẳng phát biểu như vậy. Nhưng giữa lời nói với việc làm của họ bao giờ cũng có một khoảng cách, thậm chí là rất xa.
-Nhà báo Lê Anh Hùng

Các vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam lâu nay thường nói đến việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trên hết. Vậy phải hiểu các đảng viên coi ‘lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân’ là gì? Liệu họ có coi trọng hơn ‘lợi ích của Đảng’?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, nhận định:

“Tôi nghĩ đó là một cách nói của họ, họ luôn luôn nói như thế, nhưng mà phải hiểu rằng họ đánh đồng quốc gia, dân tộc với Đảng của họ. Cho nên phải hiểu rằng Đảng của họ là trên hết, bởi vì họ nghĩ họ là quốc gia, họ là dân tộc. Cái sự đánh đồng đấy là một cái mẹo mà không chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà hầu như các chính trị gia kiểu nào họ cũng đánh đồng như vậy cả. Thật sự là tôi không quan tâm lắm đến họ nói gì, tôi quan tâm xem họ làm thế nào?”

Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề tối hệ trọng của mỗi quốc gia trong chính sách phát triển và bảo vệ đất nước. Còn nhân dân có thể hiểu là tập hợp đông đảo những người dân thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, tôn giáo... đang sống trong một khu vực địa lý nhất định, chẳng hạn như ‘nhân dân Việt Nam’.

No comments:

Post a Comment