Tuesday, May 7, 2024

Nhân sự khóa Đảng nào cũng thế thôi

 Phạm Trần

Có 6 loại cán bộ, đảng viên sẽ bị loại khỏi thành phần Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIV, nhưng tiêu chuẩn người được chọn "vẫn cũ như trái đất".

canbo1

Ban lãnh đạo chủ chốt tham gia Đảng ủy Công an Trung ương ngày 4/6/2021

Trưởng Tiểu ban nhân sự khóa đảng XIV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liệt kê, theo thứ tự phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Vietnam, VOV) ngày 14/03/2024 :

6 loại cán bộ sẽ bị loại khỏi Trung ương

Thứ nhất, là bản lĩnh chính trị không vững vàng ; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng ; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm ; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

"Bản lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm của Đảng" là phải "tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời "xây dựng đất nước trên nền tảng" này.

Thứ hai, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán ; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình.

Thứ ba là người để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Hai điều trong loại thứ ba này lấy "trách nhiệm của người đứng đầu" làm thước do lường cho khả năng lãnh đạo.

Thứ tư là cán bộ không chịu nghiên cứu học hỏi ; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm ; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút.

Loại cán bộ này từng bị lên án" lười học tập và nghiên cứu Nghị quyết Đảng", hoặc có thái độ phản biện đi ngược lại đường lối Đảng.

Thứ năm là kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc ; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Đây mới chính là loại cán bộ tham nhũng, nhưng ai cũng biết tham nhũng là nền tảng gắn kết sự trung thành của đảng viên với Đảng (còn Đảng còn mình), chính vì thế tham nhũng cũng là căn bệnh kinh niên không chữa trị được của Đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy tham nhũng đã trở thành "điều kiện để tồn tại" trong xã hội. Do đó việc lấy lại tài sản tham nhũng chỉ đạt 32,5%.

Thứ sáu là người vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Loại cán bộ này từng bị kết án đã công khai phê bình, chỉ trích chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cai trị độc tài của đảng. Họ còn bị lên án "ngoảnh măt làm ngơ" trước những chỉ trích đảng.

Vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi Ban tổ chức đảng chọn cán bộ theo các tiêu chuẩn như sau : "phải thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".

Ngoài ra, bản thân đảng viên cũng cần phải chứng minh "tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo ; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật ; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân ; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới".

Những tiêu chuẩn vừa kể xem ra "rất lý tưởng" và "nghe xuôi tai", nhưng không phải là những điều mới lạ.

Chuyện khóa 13

Ngược lại, tại kỳ Đại hội đảng khóa 13 năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 cũng đã đặt ra tiêu chuẫn chọn người cho khóa 13 như sau : "Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc…".

Họ cũng cần phải : "Có ý chí chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ; gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả".

Đặc biệt thời đó, khi tình trạng "chia rẽ" trong nội bộ Đảng đã công khai, Ban lãnh đạo đảng Đức phải ra chỉ thị : "Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo ; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật…".

Ngoài ra, Đảng còn khuyên cán bộ nguồn phải : "Gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân ; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới… Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm… Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng ; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi…".

Trong thực tế có bao nhiêu đảng viên nguồn và cơ sở tuân thủ những lời khuyên này ? Gần như tất cả đều làm ngược lại.

Thời Nguyễn Phú Trọng

Nên biết ông Nguyễn Phú Trọng đã nắm chức Tổng bí thư đảng từ khóa 11 năm 2011. Đến năm 2013, ông phát động chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng và thanh trừng nội bộ đảng. Thành công lớn nhất của ông Trọng là đã loại được đối thủ chính trị hàng đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ khóa đảng 12.

Ông Trọng củng cố thêm quyền hành sau khi loại được hai Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ba ông này đều có khả năng thay ông Trọng trong chức vụ Tổng bí thư.

Tuy nhiên, sự thành công của ông Trọng cũng gây khó khăn cho chính cá nhân ông vì muốn tồn tại, ông phải tìm sự ủng hộ của các lực lượng võ trang gồm Quân đội, Công an và Dân quân tự vệ. Do đó vai trò chính trị của Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang ngày càng lớn mạnh.

Ngoài ba lực lượng này, ông Trọng cũng cần có sau lưng lực lượng thanh niên, nhưng đội ngũ này cũng phân tán, và nhiều người đã tỏ ra "ngại Đảng, xa Đoàn", không tích cực với sinh hoạt đảng đoàn.

Thêm vào đó, tính "máu thịt giữa đảng và dân" cũng phai dần, lạnh nhạt. Đảng tiếp tục mất đoàn kết và công tác chống tham nhũng vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi chủ trương được gọi là "đổi mới" tư duy và hành động theo phương châm "nói và làm" trong nội bộ đảng từ khóa đảng 12 đến nay vẫn tiếp tục bị làm ngơ khiến Ban lãnh đạo đảng lúng túng và đang quơ gào, hối thúc đoàn kết giữa những phe phái không còn gì để chia sẻ với nhau. Tại sao ?

Lý do rất đơn giản, nhân sự "đảng viên nguồn" không còn là "then chốt" của then chốt nữa mà là một gánh nặng cho nhân dân và một đe dọa cho bản thân những người lãnh đạo đảng.

Phạm Trần

(05/05/2024)

No comments:

Post a Comment