Tuesday, May 7, 2024

Quốc hội được bầu theo tiêu chuẩn của Đảng, không phải của dân

 Đảng “chia quả thực” đầu năm chưa hẳn là lần cuối

"Tứ trụ" của Đảng Cộng sản Việt Nam tại cuộc họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 15/1/2024 (từ trái qua): Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng-AFP

Ngày 3/5, RFA Tiếng Việt bình luận “Qua vụ ông Huệ, cần đánh giá lại “cách tấn phong chức danh” của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo RFA, các nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam và cả luật sư, đều cho rằng, quy trình, tiêu chuẩn bầu chọn Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam cũng chỉ là hình thức, bầu theo cơ chế “Đảng cử, dân bầu”, chứ không phải được bầu bằng một cuộc bầu cử tự do.

RFA dẫn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, cho rằng:

“Quốc hội về nguyên tắc là cơ quan đại diện cho nguyện vọng và quyền lực của nhân dân. Nó có chức năng giám sát và làm luật, và như vậy, nó là một cơ quan quan trọng trong việc định hình nên chính sách của quốc gia. Người lãnh đạo một cơ quan như vậy, về nguyên tắc, phải là một người có thực tài và có tâm, cái tâm muốn cống hiến vì sự phát triển của quốc gia.”

Muốn chọn được những người giỏi làm lãnh đạo một cơ quan như Quốc hội, theo ông Vũ, trước hết cần có bầu cử, ứng cử tự do, để chọn ra những đại biểu Quốc hội xuất sắc. Từ những người đại biểu xuất sắc này, sau đó, họ sẽ bầu ra một người lãnh đạo xuất sắc nhất, có tâm và uy tín nhất, cho vị trí Chủ tịch Quốc hội.

Tuy nhiên ông Vũ nói tiếp:

“Đó là về mặt lý thuyết. Còn trong trường hợp của Việt Nam, những đại biểu Quốc hội không phải là những người do dân bầu, mà họ được chính những cơ quan của Đảng Cộng sản cơ cấu. Việc bỏ phiếu của người dân chỉ là hình thức. Vì vậy, Quốc hội gồm toàn những đại biểu do Đảng Cộng sản cơ cấu và thường là những cán bộ Cộng sản kiêm nhiệm. Một Quốc hội yếu kém như vậy thì cho dù bầu theo kiểu nào, cũng dẫn đến việc chọn ra những lãnh đạo kém cỏi.”

RFA cũng dẫn quan điểm của ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, cho rằng, thật ra, việc bầu đại biểu Quốc hội Việt Nam chỉ là một vở kịch, biểu diễn, để người dân nghĩ là Việt Nam có bầu cử. 

Ông Quân nói thêm:

“Trên thực tế các chức vụ đều đã được mua bán và sắp xếp sẵn từ trước khi bầu cử rồi. Còn ghế Chủ tịch Quốc hội thì cũng là do Bộ chính trị sắp xếp, chỉ định, chứ không có chuyện đại biểu Quốc hội được bầu ra. Vì muốn có bầu cử thì phải có tranh cử. Trong khi đó đâu có ai tranh cử ở vị trí này, nếu có tranh thì chỉ là tranh giành, đấu đá chứ không phải tranh cử.”

Về vụ bê bối của nguyên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Quân cho rằng, “đây là chuyện đấu đá giành ghế, qua chiêu bài chống tham nhũng”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh thì nói với RFA rằng:

“Tôi tin rằng, mọi sự đánh giá đối với quy trình bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội, theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014, đều chưa có cơ sở. Vì lẽ, trong hoàn cảnh chính trị Việt Nam hiện nay, chúng đều không được áp dụng một cách đúng thẩm quyền và độc lập, như là những văn bản của cơ quan lập pháp. Thực tế, chúng đều là những văn bản được vận dụng bởi sự lãnh đạo theo cách “cầm tay chỉ việc” của Bộ Chính Trị thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy rằng Quốc hội được Hiến pháp quy định là cơ quan nắm giữ quyền lực cao nhất, thể theo đó, chức vụ Chủ tịch Quốc hội hoặc các chức danh đại biểu Quốc hội cũng phải có thẩm quyền tương xứng. Thế nhưng… hầu hết họ đều là đảng viên được bầu theo cơ chế “Đảng cử, dân bầu”, chứ không được bầu bằng một cuộc bầu cử tự do.”

Do đó, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, Quốc hội được bầu theo tiêu chuẩn của Đảng Cộng sản, chứ không phải theo tiêu chuẩn của nhân dân.

Đa số lãnh đạo đều được đánh giá là “được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở”. Điều đó cho thấy “họ chính là sản phẩm thuần chất của chế độ, kể cả về tài, đức và bản chất tội phạm”. Công tác nhân sự của Đảng đã thất bại, và “đất nước phải trả giá cho sự thất bại đó”.

 

Thu Phương – thoibao.de

No comments:

Post a Comment