Thới Bình
(VNTB) – Cán bộ nguồn như Võ Văn Thưởng cũng đã sai phạm từ khi còn ở địa phương
Một cựu Tổng biên tập đưa ra ý kiến là cần bỏ việc quy hoạch đi, bởi khi cán bộ được đưa vào quy hoạch là lúc “sân sau” tương ứng bắt đầu. Cấp càng cao thì “sân sau” càng lớn, qua nhiều lần quy hoạch thì mỗi ông, bà đã có vài cái “sân sau” rồi. Lên đến thượng tầng nếu hồi tố lại thì khó ai thoát.
“Liệu có cần cán bộ cấp chiến lược phải đưa đi “tráng men” khắp nơi không? Vì trên thực tế cán bộ đưa đi địa phương, sau thời gian ở địa phương thì tỉnh đó nghèo vẫn hoàn nghèo, có khi lại nghèo hơn. Cán bộ đó sau thời gian “đi nhẹ, nói khẽ, cười tươi” sẽ về trung ương để bổ nhiệm cấp cao hơn. Điều này làm địa phương đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sao không chọn những cán bộ xuất sắc ở các địa phương để bổ nhiệm?”. Vị cựu Tổng biên tập này đặt câu hỏi.
Theo Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, ngày 05-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 24-KL/TW ngày 05-6-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI), do Trưởng Ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa ký ban hành, thì:
“Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch: Người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ; Tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ sở nơi cán bộ công tác đánh giá (sau khi đã tham khảo ý kiến của chi ủy nơi cán bộ cư trú về bản thân và gia đình cán bộ); Cấp có thẩm quyền quy hoạch cán bộ (ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị) xem xét đánh giá, kết luận.
Kết luận về đánh giá cán bộ được thể hiện bằng văn bản, công khai trong tập thể ban thường vụ; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị (đối với các đơn vị sự nghiệp) hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Cấp có thẩm quyền quy hoạch cán bộ quyết định hình thức công khai đánh giá đối với cán bộ.
Kết quả đánh giá cán bộ hằng năm (không quá 6 tháng tới thời điểm xem xét) được sử dụng cho việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch; trường hợp cán bộ có vấn đề mới phát sinh thì đánh giá, kết luận bổ sung” – trích phần I.3.2, Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW.
Như vậy việc “đánh giá cán bộ” là đặc quyền của các đảng viên lãnh đạo đương nhiệm, và cán bộ cũng chỉ gói gọn trong số những ai là đảng viên cộng sản, như ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Đến ngày 27-12-2021, Bộ Chính trị lại ban hành quy định về công tác quy hoạch cán bộ. Văn bản đánh số 50-QĐ/TW này do Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành.
Kết quả từ hai văn bản được gọi là căn cứ cho quản trị nhân sự kể trên, người ta chứng kiến loạt quan chức cấp cao được cho là đã nhúng chàm ngay từ khi “tráng men” theo quy trình ở các địa phương. Và ngay cả khi ấy thì cũng không truy cứu đến nơi, đến chốn để có những bài học kinh nghiệm về việc “quy hoạch cán bộ nguồn” của những lãnh đạo đảng viên tương ứng từ cơ sở cho đến… ‘triều đình’ chóp bu.
Đặc biệt là trớ trêu thay khi cả người ký ban hành Quy định về công tác quy hoạch cán bộ như Võ Văn Thưởng, về sau cũng được cho là đã sai phạm ở giai đoạn “tráng men” tại địa phương. Tất yếu của việc sai phạm này sẽ đưa đến loạt sai phạm kéo theo cho quy hoạch cán bộ tiếp nối, kế thừa. Đổ vỡ cả chế độ, hay là củng cố thêm cho độc quyền chính trị, xem ra đều là cảnh báo cần đặc biệt quan tâm hiện nay.
No comments:
Post a Comment