Sau sự việc phó chánh án bị đâm, phòng làm việc của người này khá ngổn ngang và có nhiều vết máu - Ảnh: H.T.
“Chạy án” là một tình trạng đã trở thành phổ biến ở Việt Nam, và được coi là một lỗ hổng lớn trong ngành tư pháp. Đó là một trong các lý do khiến tình trạng công lý luôn bị quan tòa bẻ cong.
Báo Tuổi Trẻ ngày 3/5 đưa tin “Phó Chánh án tòa huyện bị đâm trọng thương tại phòng làm việc”. Bản tin cho biết, một nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online tại Công an huyện Cam Lộ (Quảng Trị) xác nhận, cơ quan này đang điều tra vụ ông Nguyễn Văn Quý – phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Cam Lộ, bị đâm trọng thương khi đang ở phòng làm việc.
Vụ việc xảy ra vào chiều 2/5, Công an huyện Cam Lộ nhận được tin báo, có người tấn công cán bộ Tòa án huyện, nên đã cử một tổ công tác đến khám nghiệm hiện trường và điều tra vụ việc.
Theo đó, khi đang ở phòng làm việc của mình, Phó Chánh án Tòa án huyện Cam Lộ – ông Nguyễn Văn Quý đã bị một người đàn ông xông vào đâm trọng thương. Nhân chứng tại hiện trường xác nhận, ông Quý bị đâm khi đang ở trong phòng làm việc.
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, ông Quý đang được điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, với nhiều vết thương, có cả các vết thương sâu, tuy nhiên, tình trạng ổn định.
Trên mạng xã hội và các diễn đàn như: Quảng Trị 24h, Người Quảng trị, hay Tin Nóng Quảng trị… đa số các ý kiến cho rằng, khả năng cao, ông Quý do lỡ “nhận quà” từ gia đình của bị án nào đó, nhưng không thực hiện được cam kết, nên bị tính sổ.
Đồng thời, nhiều ý kiến không đồng tình với hành vi sử dụng bạo lực, nhưng cũng cho rằng, phải xem xét nguyên nhân của hành vi trên. Việc hung thủ vào được tận phòng làm việc của ông Quý không phải là chuyện dễ dàng, vì các trụ sở toà án đều có bảo vệ, nếu không được xác nhận có quan hệ quen biết, hay đã từng đến nhiều lần, thì khó có thể vào được cơ quan này.
Facebooker Lê Công Tuấn Anh tỏ ra biết rõ vụ việc, đã tiết lộ: “Không có cái gì là tự nhiên cả, do xử án không công bằng đó. Cứ mấy thằng cậy quyền cậy chức ép dân, thì người ta không chịu được, phải dẫn đến vậy thôi!”.
Công luận cho rằng, việc người nhà bị án dùng tiền để hối lộ cho các cán bộ trong ngành tư pháp và bảo vệ pháp luật, để chạy án, là điều hết sức phổ biến. Nhiều đại biểu Quốc hội từng đặt câu hỏi, chất vấn về tình trạng tiêu cực trong ngành toà án, trong đó, nhiều cán bộ tòa án tham gia chạy án.
Ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từng thừa nhận: “có một số không ít cán bộ công chức tòa án bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì tiêu cực, nhận tiền của đương sự để giảm nhẹ tội”. Và đó cũng là lý do, vì sao “số vụ án đưa ra xét xử thì ít, nhưng số bị cáo được hưởng án treo, phạt tù nhẹ chiếm rất cao, có nơi đến 45%?”.
Thậm chí, giới thạo tin cho rằng, việc chạy án hiện nay đã trở thành một hệ thống có tổ chức, với sự cấu kết giữa các cơ quan tư pháp, sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi và phức tạp. Toàn bộ quá trình chạy án có sự thống nhất chung giữa công an, viện kiểm sát, tòa án. Bất kỳ bị án nào có tiền, nhờ vả đường dây này, là họ lo cho hết từ A đến Z.
Đó chính là nguyên nhân dẫn đến một thực trạng ở Việt Nam hiện nay, đó là, bất cứ án gì, ở mức độ nào, nếu có tiền là lo được hết, kể cả án tử hình cũng có thể. Đối với các vụ án lớn, nghiêm trọng, nếu có một thế lực lớn đứng ra bảo kê, thì “không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều”. Đó cũng là lý do khiến trùm xã hội đen Năm Cam đã từng tuyên bố: “Cái gì không mua được bằng tiền, thì có thể mua bằng rất nhiều tiền”.
Một người dân ở Hà Nội, nói với thoibao.de:
“Nói thật, án gì cũng chạy được, án khó đến đâu, miễn có nhiều tiền, nhờ chạy là xong. Từ án tử hình xuống chung thân còn chạy được, có khó gì đâu, chưa kể đến việc mua để thay người [bị tử hình]. Ở Việt Nam, có những chuyện mà chúng ta không thể hiểu nổi đâu.”
Ở Việt Nam hiện nay, không chỉ có tình trạng “cứ bắt là có tội, cứ ra Tòa là có án”, mà còn là “có tiền để chạy án là sẽ thoát tội”. Khi ấy, tội nặng sẽ thành tội nhẹ, tội nhẹ trở thành vô tội, là chuyện ai cũng biết. Bây giờ, chuyện chạy án đã là phổ biến, được người ta nhờ vả công khai.
Ở Việt Nam không có công lý, do không có một tư pháp độc lập và tam quyền phân lập. Một khi người dân đã không còn tin vào pháp luật, thì việc bỏ tiền chạy án chính là cứu cánh cho họ, nên chạy án vẫn còn tồn tại và phát triển./.
Trà My – Thoibao.de
No comments:
Post a Comment