Giá vàng miếng tại Việt Nam hôm 3/5 tăng lên mức kỷ lục sau khi Ngân hàng Nhà nước hủy phiên đấu giá lần thứ 3, dự kiến diễn ra vào sáng cùng ngày, vì lý do chỉ có một doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Đây là lần hủy đấu giá thứ 3 trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu, bắt đầu từ ngày 22/4, với mục tiêu tăng nguồn cung cho thị trường giữa bối cảnh giá vàng tăng kỷ lục.
Giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh trong ngày sau khi thông tin hủy đấu thầu vàng miếng được đưa ra, từ mức 85,3 triệu đồng/lượng tăng vọt lên 85,8 triệu đồng/lượng, là mức giá kỷ lục từ trước đến nay, theo Tuổi Trẻ và VnExpress.
Trước đó, NHNN cho biết phiên đấu giá ngày 3/5 dự kiến sẽ đưa ra đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào lúc 9 giờ ngày 3/5. Người mua có thể đấu giá để mua từ 1.400 đến 2.000 lượng, với giá khởi điểm là 82,9 triệu đồng (hơn 3.263 USD)/lượng.
Biện pháp can thiệp thị trường bằng cách đấu thầu vàng miếng được NHNN đưa ra sau 11 năm, kể từ phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào năm 2013, giữa bối cảnh giá vàng tại Việt Nam liên tục tăng lên mức kỷ lục và chênh lệch quá cao so với thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trong 4 phiên đấu thầu được tổ chức kể từ ngày 22/4, có đến 3 phiên bị hủy vì chỉ có một đơn vị duy nhất bỏ phiếu dự thầu. Lần duy nhất đấu thầu thành công là vào ngày 23/4, với 7 ngân hàng thương mại và 4 doanh nghiệp dự thầu, nhưng cũng chỉ bán được 3.400 lượng vàng trên tổng khối lượng chào thầu là 16.800 lượng vàng, tương đương với 20% số lượng vàng chào thầu, cho hai đơn vị là Công ty SJC và ACB.
Nguyên nhân thất bại của việc đấu thầu được cho là do quy định đấu thầu còn nhiều điều kiện chưa hợp lý, chưa đảm bảo được việc hạn chế rủi ro cho các tổ chức tham gia, VTC News dẫn nhận định của ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cho biết.
Một số chuyên gia được báo Lao Động dẫn lời cho rằng việc đấu thầu với quy định mua tối thiểu 1.400 lượng vàng SJC và chỉ được đấu giá bằng hoặc cao hơn là một rào cản đối với doanh nghiệp, đồng thời cho biết thêm rằng ngay cả hai đơn vị đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng SJC cũng lỗ so với mức họ mua vào.
Ông Huỳnh Trùng Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh khối lượng đấu thầu tối thiểu khoảng 400 - 500 lượng để thu hút nhiều người tham gia đấu thầu, TTXVN cho biết thêm.
Theo ghi nhận từ truyền thông Việt Nam, sau khi NHNN đưa ra biện pháp can thiệp bằng cách đấu giá, giá vàng miếng trong nước trong những ngày gần đây rơi vào tình trạng “diễn biến ngược chiều” so với thế giới. Trong lúc giá vàng trên thế giới đang có xu hướng đi xuống, giá vàng miếng trong nước lại liên tục xác lập kỷ lục mới, khiến khoảng cách so với thế giới càng nới rộng.
VnExpress ghi nhận vào lúc 11 giờ 30 phút, theo giờ Hà Nội, giá vàng thế giới ở mức 2.305 USD/ounce, tương đương 70,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước đã tăng lên 85,8 triệu/lượng, cao hơn 15 triệu đồng so với quốc tế. Trong khi đó, vàng nhẫn trong nước có mức chênh lệch 4-5 triệu đồng/lượng so với thế giới.
No comments:
Post a Comment