Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời các ý kiến của nhà đầu tư quốc tế.
Tôi gần như đã định tự đi giám định sức khỏe tâm thần vì không thể nào tin được phát biểu sau đây là của một ông Bộ trưởng:
“Giải pháp mua [điện mặt trời trên mái nhà] với giá 0 đồng là phù hợp, đảm bảo việc ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách” [Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, phát biểu ngày 24-4-2024 với các nhà đầu tư quốc tế, Tiền Phong online].
Bộ Công thương là cơ quan ban hành các chính sách và vận hành nền kinh tế thị trường của nước nhà. Nhưng, đây là cách tư duy chính sách rất cửa quyền và nó chỉ có thể là sản phẩm của độc quyền.
Truyền tải và bán lẻ điện đang do EVN “nắm”, chính vì thế, chính sách quan trọng nhất để chống EVN và Bộ Công thương trục lợi chính sách là phải kiểm soát quyền lực của hai cơ quan này.
Và, quy định đúng đắn và ngắn gọn nhất chỉ cần là:
EVN không có quyền từ chối mua điện từ bất cứ nguồn nào. Căn cứ nhu cầu tiêu thụ điện và khả năng cho phép của hệ thống truyền tải điện, EVN chỉ được căn cứ vào giá bán điện và an toàn lưới điện quốc gia [cân bằng giữa phụ tải nền và phụ tải đỉnh] để đưa ra quyết định mua điện của nhà cung cấp nào.
Những vấn đề mà Bộ Công thương đặt ra như “chống phát ngược” là hoàn toàn có thể xử lý được bằng các giải pháp kỹ thuật và “phát triển hài hòa” thì phải xử lý bằng thị trường, bằng giá chứ không phải là… không giá.
Thực ra, nếu EVN và Bộ Công thương tư duy một cách có trách nhiệm, dựa trên lợi ích quốc gia, thì hoàn toàn có thể có những tính toán kỹ thuật để cân bằng lưới điện, thậm chí trong ngày và theo mùa.
Ví dụ: Năm nay, các chuyên gia thời tiết đã dự báo các hồ chứa sẽ thiếu nước vào mùa Hè thì ở ngay trong những mùa nắng gió phải hạn chế khai thác thủy điện, tăng các nguồn năng lượng tái tạo. Thậm chí, nếu hệ thống truyền tải cho phép, có thể điều chỉnh trong ngày nguồn năng lượng chủ động để sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo.
______
PS: Trong quá trình tìm hiểu chính sách “giá 0 đồng” của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, lại thêm một ngạc nhiên khi “Google” được những thông tin này trên báo Tuổi Trẻ:
Một đường dây và trạm biến áp 500kV, do Trung Nam, một tập đoàn tư nhân xây dựng – “Đi vào vận hành đã tháo gỡ nút thắt quan trọng trong tắc nghẽn truyền tải tại Ninh Thuận từ năm 2020. Đã truyền tải hơn 12,3 tỉ kWh điện, giải tỏa công suất cho gần 40 nhà máy năng lượng, trong đó có cả nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1”. Cho dù nhà nước độc quyền truyền tải điện, Trung Nam yêu cầu bàn giao trạm biến áp và đường dây 500kV này cho EVN với giá ‘0 đồng’ mà EVN vẫn không thèm nhận.
Trung Nam cũng đã đưa lên lưới điện quốc gia gần 700 triệu kWh điện mặt trời [tính giá chuyển tiếp tương đương hơn 800 tỉ đồng] cho tới nay vẫn không được thanh toán tiền mua điện.
Nguyên nhân chỉ vì: Dự án nằm trên ba xã là Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh của huyện Thuận Nam. Nhưng giấy phép hoạt động điện lực cấp cho nhà máy này thể hiện chỉ có một xã Phước Minh nên EVN chỉ thanh toán doanh thu có được từ một xã [Dù quyết định chủ trương đầu tư và báo cáo thẩm định thiết kế cơ sở do Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã nêu chính xác ba xã; link bài].
Cái sai trong quản lý của EVN và Bộ Công thương trong những năm qua là phát triển đã không dựa trên dự báo về nhu cầu quốc gia mà dựa trên quy hoạch [Quy hoạch điện 7 đã rất lỗi thời và Quy hoạch điện 8 thì cứng nhắc]. Giờ đây, khi mua điện lại không dựa trên sản lượng điện mình đã mua mà dựa trên câu chữ trong một tờ giấy mà “các bên đều có sai sót”.
Cho dù những quy định trong Luật Quy hoạch mang nặng tư duy của thời “kế hoạch hóa tập trung” mới là nguyên nhân chính dẫn đến những sai lầm ở tầm quản trị quốc gia. Nhưng, trách nhiệm trực tiếp trong ngành vẫn là của Bộ Công thương và EVN.
Độc quyền – tạo ra những quyết định cửa quyền này – là mảnh đất màu mỡ nhất của tham nhũng. Cố thủ trong những chính sách ấy là cách tốt nhất để duy trì cơ hội trục lợi chính sách chứ không phải để chống trục lợi chính sách như phát biểu của ông bộ trưởng.
No comments:
Post a Comment