Ngư dân trên sông Mê Kông vào sáng ngày 24 Tháng Năm năm 2010 tại Thakhek, Lào. Mực nước sông Mekong ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên, khiến ngư dân và nông dân sống dọc sông ngày càng gặp khó khăn. (Hình: Jonathan Saruk/Getty Images)
Năm 1979, nhà văn Nguyên Ngọc được bè bạn ở Cambodia mời xuống thuyền đi dạo chơi và thưởng thức một bữa cháo cá no cành hông. Ra về, ông nói chắc như bắp: “Cá Biển Hồ, cứ vục tay xuống nước, túm lên ngay được một con, to tướng, béo ngậy.”
Bộ thiệt vậy sao?
Vâng, quả là có đúng như thế thật!
Chả thế mà cái hồ nước ngọt mênh mông này đã từng nuôi sống mấy triệu ngư dân, và là nguồn cung cấp chất đạm chính cho hai phần ba người dân ở Cambodia. Sở dĩ được vậy là nhờ vào dòng Mê Kông, chứ không phải là gì khác.
Bắt đầu từ Tây Tạng nó chảy qua Trung Hoa, Miến, Lào, Thái rồi khi vào đến Xứ Chùa Tháp thì “đụng” Tonlé Sap. Vào mùa nước lớn, áp lực của Mê Kông khiến cho con sông nhỏ bé hơn phải chảy ngược dòng làm tăng thể tích lẫn diện tích Biển Hồ. Tonlé Sap Lake biến thành nơi sinh sống lý tưởng của rất nhiều loài cá nên “cứ vục tay xuống nước, túm lên ngay được một con, to tướng, béo ngậy,” không phải là chuyện nói khi vui miệng.
Hai mươi năm trước, một ngư dân ở Bắc Thái còn bắt được một con catfish nặng tới 292 ký ở sông Mê Kông. Tuy thế, dường như, cũng chả mấy ai coi đây là chuyện lạ lùng hay đáng để ngạc nhiên. Có ngạc nhiên chăng là tất cả những điều vừa kể, nay đều đã trở thành huyền thoại.
Bây giờ thì mấy con giant catfish, và đủ loại cá “khủng” khác nữa, chỉ còn thấy ở… trên bờ. Chúng được người dân địa phương đúc hình bằng xi măng, rồi đặt dọc theo bờ sông để coi chơi, làm kỷ niệm – những kỷ niệm buồn!
Bữa nay mà Nguyên Ngọc thò tay xuống Biển Hồ thì chỉ còn… bốc được nước thôi, vì hằng trăm cái đập lớn, nhỏ xây trên dòng Mê Kong đã chận đường sinh sản của vô số chủng loại di ngư, và khiến chúng đang dần tuyệt chủng.
Năm 2014, lần đầu tiên vào Biển Hồ, tôi đã thấy đồng bào mình nuôi cá thay vì đi lưới. Cùng lúc, những khi rảnh rỗi, họ cũng bắt ốc, mỗi ký bán được 4,000 riels – cỡ một Mỹ Kim, để kiếm thêm thu nhập. Tết vừa rồi, tôi trở lại nhưng không thấy ai chống ghe loanh quanh giữa những bè lục bình để tìm ốc nữa. Hỏi thăm thì nhận được câu trả lời ráo hoảnh: “Còn đâu nữa mà bắt!”
Khi còn ở Thái Lan, có bữa, đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc lá vặt trên ban công của một cái khách sạn ở Nông Khai, tôi chợt thấy một con cò trắng giữa sông. Nó đang đứng trên dề lục bình chăng? Không, có thấy bình hay bát gì đâu. Hóa ra đoạn sông trước mặt có chỗ cạn gần trơ đáy nên chú cò mới đứng được tỉnh queo trên cát như vậy đó.
Bên Lào cũng không khác. Trụ sở Ủy Ban Sông Mê Kông (Mekong River Commission – MRC) của nước này nằm sát cạnh bờ. Mấy năm trước, mỗi khi đi ngang qua tòa nhà này, vào mùa nước lớn, tôi vẫn nghĩ vui rằng: Nếu đứng từ đây mà quăng cần câu máy, dám bắt được cá lắm nha, gẩn xịt thôi mà. Bữa nay thì đất bồi đã xa ra cả cây số rồi, chiều ngang con sông, cũng là ranh giới thiên nhiên của Thái và Lào, thu hẹp lại chỉ còn khoảng còn đôi ba trăm mét là cùng. Giữa trưa, đứng bên bờ này nghe rõ tiếng gà gáy xao xác bên kia nước láng giềng mà không khỏi có thoáng chút cảm hoài.
No comments:
Post a Comment