Hồng Dân
Tổng bí thư có chịu trách nhiệm về ‘người đứng đầu’?
Ủy viên Bộ Chính trị là những nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng chưa hết khóa, đã có 5 người được “cho thôi” gồm các chức danh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Trong bối cảnh chính trường biến động dữ dội như vừa qua, lẽ ra người chỉ huy phải là người chịu trách nhiệm chính vì đây còn là quy định của chính Đảng này.
Ngày 2-1-2020, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 214-QĐ/TW về “khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.
Theo đó, ở phần I.2.3 về “Tổng bí thư” có quy định như sau:
“Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và Nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước… Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc. Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.
Như vậy chỉ với mỗi chuyện từ 18 ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2021-2026 ban đầu, bây giờ bị kỷ luật chỉ còn 13, cho thấy Tổng bí thư không còn giữ được vị trí “trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị” nữa.
Con số “chỉ còn 13” ở hiện tại là minh chứng cho “năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt” của cá nhân đảng viên Nguyễn Phú Trọng đã thật sự có vấn đề về khả năng tầm hoạch định chiến lược quản trị quốc gia.
Liệu khi Tổng bí thư đương nhiệm không đạt tiêu chuẩn như quy định nói trên, Đảng có đưa ra quyết định ‘bãi nhiệm’; hay cá nhân đảng viên Nguyễn Phú Trọng đủ bản lĩnh để nhìn nhận yếu kém của mình mà có đơn từ nhiệm?
Cho đến nay người ta vẫn chưa thấy bất kỳ một động thái nào “tự phê” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như không thấy ông chủ động nhận trách nhiệm chính trị của ‘người đứng đầu’ trước Đảng và quốc dân về công tác gọi là “năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở tuổi 80. Có lẽ ông đã quá già nua, đưa đến tư duy không còn là “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng” nữa, nên cần thực sự được nghỉ ngơi, an hưởng phần thời gian còn lại của một đời đã quyền cao, chức trọng…
No comments:
Post a Comment