Có tới 487 người phải nhập viện sau khi ăn bánh mì tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tính đến trưa 3/5, khiến chính phủ phải ra công điện, Sở Y tế tỉnh phát công văn hỏa tốc yêu cầu các bệnh viện tăng cường nhân lực để điều trị cho các bệnh nhân, trong khi công an tiến hành lấy mẫu thức ăn để giám định và điều tra nguyên nhân.
Vụ ngộ độc bắt đầu xảy ra khi một số người nhập viện vào chiều 30/4 với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn… sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng. Đến sáng 1/5, khoảng 30-40 người khác nhập viện và số lượng này tăng lên hơn 70 ca vào chiều cùng ngày, Tuổi Trẻ dẫn lời Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bà Võ Thị Ngọc Lắm, cho biết.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến trưa 3/5, đã có tổng cộng 487 ca nhập viện sau khi ăn bánh mì thịt của tiệm này.
Tiệm bánh mì Băng đã được yêu cầu ngưng hoạt động vào lúc 11 giờ ngày 1/5.
Theo UBND TP. Long Khánh, tiệm bánh mì Băng có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày (vào 2 buổi: sáng, chiều). Tiệm này thuộc diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến, theo báo Thanh Niên.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, cho đến nay, chưa có trường hợp tử vong, nhưng trong số 12 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có 2 ca tiên lượng rất nặng, phải thở máy kết hợp lọc máu. Ngoài ra, có 2 ca khác tiên lượng nặng, các ca còn lại đang được theo dõi sát. Hơn 300 ca đang điều trị tại các bệnh viện thì trong tình trạng tạm ổn, chưa có tình huống trở nặng xảy ra, Tuổi Trẻ đưa tin.
Vụ ngộ độc trên quy mô lớn đã khiến Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phải ra công văn hỏa tốc vào chiều 2/5, yêu cầu các bệnh viện tăng cường nhân lực để điều trị kịp thời cho các nạn nhân.
Đồng thời, Sở Y tế cũng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang hôm 3/5 cũng ký công điện yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm sau khi vụ ngộ độc quy mô lớn xảy ra ở Đồng Nai.
Lãnh đạo Việt Nam yêu cầu Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm.
Theo thống kê, số vụ ngộ độc trên toàn quốc được ghi nhận trong năm 2023 là 125 vụ, làm trên 2.100 người bị ngộ độc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment