Monday, November 20, 2023

Việt Nam nói đã nhận lại ấn vàng Hoàng đế Chi bảo suýt bị đấu giá ở Pháp


Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh Nguyễn Thế Hồng (phải) đứng cạnh ấn vàng Hoàng đế chi bảo tại lễ chuyển giao cổ vật này tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, hôm 16/11. Ông Hồng mua chiến ấn triện vàng đúc từ thời vua Minh Mạng với giá 6,1 triệu euro.

Ấn vàng Hoàng đế Chi bảo, một cổ vật quốc gia của Việt Nam từng suýt bị mang ra giá bán đấu giá ở Pháp, đã được chuyển giao về quốc gia gia Đông Nam Á và hiện có mặt tại bảo tàng tư nhân của một nhà sưu tập ở Bắc Ninh.

Truyền thông trong nước nói rằng ấn vàng của vua Minh Mạng đã được trao lại cho Việt Nam trong một lễ bàn giao tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp hôm 16/11 sau nhiều tháng đàm phán, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng đại diện Bộ Công an Việt Nam, Bộ Ngoại giao Pháp và UNESCO.

Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái tuyên bố đã đàm phán thành công với nhà đấu giá Millon của Pháp để ấn vàng Hoàng đế Chi bảo, con dấu truyền đời của các vua Nguyễn thế kỷ 19, được chuyển giao cho Việt Nam. Trước đó Millon đã có kế hoạch bán đấu giá chiếc ấn này tại Paris vào ngày 31/10/2022.

Kế hoạch đấu giá ấn vàng, được các chuyên gia xác định là hiện vật nguyên gốc được đúc bằng vàng ròng vào năm Minh Mạng thứ tư (1823), sau đó bị hủy bỏ khi có sự phản đối từ Việt Nam.

Cục Di sản Văn hóa Việt Nam khi đó cho biết hãng Millon đã đồng ý tạm hoãn đấu giá ấn vàng, nằm trong số các tài sản mà vua Bảo Đại viết di chúc để lại cho người vợ sau cùng của ông sau khi ông qua đời năm 1997 tại Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021 và các tài sản, trong đó có ấn vàng, thuộc về những người thừa kế và được ủy quyền cho hãng Millon đưa ra bán đấu giá.

Đại diện dòng dõi nhà Nguyễn ở Việt Nam trong thời gian này cũng gửi thư kháng nghị đến hãng Millon để yêu cầu hủy phiên đấu giá chiếc ấn vàng sau hàng chục năm thất lạc, gây xôn xao dư luận.

Sau đó vào tháng 2 năm nay, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, ông Nguyễn Thế Hồng, đã mua lại chiếc ấn triện rồng, được xem là một biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực dưới triều đại nhà Nguyễn, với giá 6,1 triệu euro. Giá khởi điểm mà nhà đấu giá Pháp từng ấn định cho ấn vàng, còn được gọi là “Kim bảo tỷ”, là từ 2-3 triệu euro.

Đưa tin về việc chuyển giao ấn vàng hôm 18/11, Tuổi Trẻ nói rằng Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng ở Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp. Vẫn theo Tuổi Trẻ, bảo vật quốc gia này được đưa vào bộ sưu tập cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng do ông Hồng, một doanh nhân nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản ở Bắc Ninh, thành lập.

Ông Hồng được trang Vietnam Plus thuộc Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại lời đã phát biểu tại buổi lễ chuyển giao ở Paris rằng ông “tự hào về các Di sản Văn hóa của dân tộc mình và có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản”.

Theo Tuổi Trẻ, Cục Di sản Văn hóa Việt Nam, một trong các bên tham gia đàm phán mua ấn vàng, hồi tháng 11 năm ngoái đã ký một thỏa thuận với Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, trong đó nói rằng ông Hồng “cam kết và bảo đảm ấn vàng Hoàng đế Chi bảo sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” khi ông “không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày” tại bảo tàng cá nhân.

No comments:

Post a Comment