Monday, November 20, 2023

Nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng sẽ miễn tử hình

Nguyễn Nam  



 (VNTB) –  Nếu người phạm tội nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ, tham ô thì có thể thoát án tử.   

Khoản c, Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 về hình phạt tử hình quy định: người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ; khi đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tối cao chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân. 

Để cụ thể quy định này, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP. Trong đó, Khoản 1 của Điều 2 nghị quyết nêu, kể từ ngày 9-12-2015, người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án tử hình mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, gồm: Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn”.

 Nay với loạt vụ án như “Chuyến bay giải cứu”, “Việt Á” và mới đây nhất là “Vạn Thịnh Phát”, có ý kiến nên tu chỉnh Bộ luật hình sự 2015. 

Trước đây khi cơ quan phân công nghiên cứu góp ý dự thảo cho Bộ luật hình sự 2015, tôi có ý kiến rằng không nên quy định về việc cán bộ tham nhũng nếu nộp lại 3/4 số tiền tham nhũng sẽ miễn hình phạt tử hình” – ông Võ Văn Tài, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát hình sự của trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM, nói. 

Lập luận của ông Võ Văn Tài rất đơn giản bởi vì tiền mà cán bộ chiếm đoạt là tiền của ngân sách, tiền của nhân dân, theo nguyên tắc chung của luật hình sự thì tiền đã chiếm đoạt phải hoàn trả đầy đủ (có thể tính luôn cả tiền lãi); hoặc tiền thu lợi bất chính (như nhận hối lộ) thì luật quy chung là phải thu hồi tịch thu sung quỹ toàn bộ.

“Tội phạm xâm phạm sở hữu, kinh tế hay ma túy… đều xử lý theo nguyên tắc như vậy. Khi người phạm tội khắc phục toàn bộ hậu quả hoặc tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính thì mới xem xét cho hưởng tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật hình sự. Do đó, quy định buộc kẻ tham nhũng chỉ cần nộp lại 3/4 số tiền tham nhũng thì cho miễn tử hình là không bình đẳng đối với tất cả những người phạm tội nói chung.

 Và một điều nữa, tôi cho rằng khi một kẻ đã tham nhũng số tiền trên 500 triệu hoặc một tỷ đồng, tùy theo từng tội về tham nhũng, hành vi bị xem là phạm vào khung hình phạt nặng nhất của tội tham nhũng, hắn dư biết nếu sau này bị phát hiện thì hắn sẽ gánh chịu hình phạt ở khung nặng nề như vậy, do đó dễ sinh ra tâm lý là sao không tham nhũng thêm nữa, tham nhũng nhiều hơn nữa, dù gì cũng đâu bị tử hình?!

 Khi bị phát hiện thì mình đã no tiền rồi, chỉ nộp lại 3/4 thôi, còn 1/4 của số tiền khủng ấy thì con cháu mình ăn ba đời cũng không hết. Điển hình như cựu cục trưởng, tham nhũng 5.2 triệu USD, chỉ nộp lại 3.9 triệu, còn thừa lại 1.3 triệu USD, con cháu của vị đó sẽ vẫn sống trong nhung lụa, ăn bao giờ mới hết? 

Từ những suy luận đơn giản như trên, tôi thấy Quốc hội cần bàn để chỉnh sửa quy định này của Bộ luật hình sự, để sao cho điều luật luôn tác động mạnh đến tư tưởng của kẻ định và đang tham nhũng, và tạo sự công bằng giữa tất cả các loại phạm trong Bộ luật hình sự. 

Đồng ý rằng quy định chừa đường dưỡng già cho kẻ tham nhũng đúng là “nhân văn” thật. Con cháu họ không phải vất vả phải chăm sóc lúc già yếu, hầu lo cơm nước cho họ. Chỗ ở, cơm nước, quần áo, chăn mền… và cả tiền điện nước hàng tháng có nhà nước lo; nhức đầu, sổ mũi có trạm y tế của trại giam kiểm tra miễn phí; nhức mỏi, đau yếu có mấy anh tù nghèo giúp…, chỉ cần “biết điều” chút là mọi thứ như mong đợi. Khi cần đồ bổ, thuốc men hay thứ gì đó đắt tiền chỉ cần alo con cháu mang vào. 

Ôi, những ngày cuối đời có cơ cực gì mà bận tâm nhỉ!” – ông Võ Văn Tài… trào lộng như vậy. 

Cũng xin nói thêm, ông Võ Văn Tài từng là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tây Ninh. Với tư cách của “người từng trong cuộc” nên nhận xét của ông Võ Văn Tài nhiều khi… cũng phần nào tạo ‘khó chịu’ đối với cơ quan quản lý.


 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-nop-lai-3-4-tai-san-tham-nhung-se-mien-tu-hinh/ .

No comments:

Post a Comment