11/18/2023 - 08:09 — VietTuSaiGon
Mấy ngày nay, trước thềm ngày Hiến chương nhà giáo tại Việt Nam, mạng xã hội lan truyền lá thư của một thầy Hiệu trưởng, kêu gọi không tặng bánh, hoa vào 20 tháng 11, thay vào đó, mong các bậc phụ huynh, cơ quan chuyển thành tiền đóng bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn. Thầy tên Đinh Phú Cường, là lãnh đạo ở một ngôi trường không lớn, và đương nhiên, nếu xét về mức thu nhập, “chấm mút” thường gặp ở lãnh đạo giáo dục, có lẽ chỗ ông đang lãnh đạo không có gì béo bở. Và với tâm lý thường thấy thì hầu hết các lãnh đạo giáo dục nói riêng và lãnh đạo mọi cơ quan nói chung đều rất giỏi chấm mút, xơ múi bất kể trường hợp nào, từ bữa ăn trưa của học sinh nội trú cho đến hộp sữa của trẻ em mầm non... Và đâu dừng ở đó, người ta còn chấm mút trên cả thân xác của đồng nghiệp, thuộc cấp, nói như một bà lãnh đạo cao cấp đó là “ăn không chừa một thứ gì”.
Giữa lúc nền giáo dục, mà nói đúng hơn là cơ chế giáo dục thối nát, rệu rã từ cấu trúc hạ tầng cho đến kiến trúc thượng tầng như vậy, bất kì một chỉ dấu thiên lương nào cũng như tia sáng, như một luồng hơi ấm sưởi vào bầu không khí vốn dĩ lạnh và nhớp nháp này.
Lời kêu gọi của thầy Hiệu trưởng Đinh Phú Cường đang xoáy vào tâm điểm xã hội hiện nay, đó là nạn thất nghiệp của đại bộ phận dân chúng. Trong lúc các quan trên du hí, tính chuyện tiền triệu đô và có thể ngồi ăn bò dát vàng, ăn các sơn hào hải vị, rượu ngon rót như nước lã, các món ngon không màng chọc đũa, chó nhà giàu cũng chê món ngon... Thì cũng ngay lúc ấy, cũng tại Việt Nam, cũng có thể cùng chung một tỉnh, một huyện, thậm chí một xã, phường, có những đứa bé, người già trệu trạo nhai cơm nguội và muối vừng, nhưng cũng chưa chắc đã có muối vừng mà nhai, đôi khi một chèn cơm nguội với vài hạt muối hay một chén mắm cặn thừa từ đâu đó...
Với đời sống công nhân thì sao? Họ phải nhịn ăn nhịn uống để dành tiền mua sách vở, áo quần trang phục đến lớp và học phí, bảo hiểm y tế, các khoản phí đoàn, đội... Nhưng đâu chỉ dừng ở đây, thầy giáo, cô giáo tổ chức dạy thêm thì cho dù có bận bịu, có đói cũng phải ráng mà vác xác đến để học thêm, nếu không học thêm thì chuyện gì sẽ xảy ra, chắc không cần nói thêm. Nên nhớ, đại bộ phận cha mẹ học sinh cho con học thêm vì sợ con mình bị ép, cho con học thêm để đảm bảo con mình được đối xử công bằng, cho con học thêm để khỏi lo lắng con mình bị vùi dập... Chứ nếu cho họ cơ hội chọn lựa, họ sẽ chẳng bao giờ cho con học thêm. Bởi việc mỗi ngày cho con đến trường với khối lượng bài vở quá nặng nề như vậy cũng quá đủ đối với một đứa trẻ hay cả với người lớn, chẳng có cha mẹ nào nỡ gây sức ép, sức đè tâm lý với con mình cả, chỉ có nền giáo dục, chỉ có những người dạy học đang làm như thế bởi động cơ tiền bạc của họ mà thôi!
Nhưng rồi, hãy nhìn vào ngày 20 tháng 11, nào hoa, nào lời chúc tụng có cánh, nào phong bì, nào lãnh đạo tặng lẵng hoa, nào sân khấu, nào văn nghệ, nào tiệc tùng... Các khoản chi phí này có thể gây tốn kém thấp nhất cũng vài chục triệu đồng, cao thì vài trăm triệu đồng. Nếu thực sự có lòng trắc ẩn, có thiên lương nhà giáo, các thầy, cô có thể ngồi lại mà ăn uống vui vẻ khi họ biết rằng trong những đồng tiền họ vui vẻ, có những giọt nước mắt, có tiếng thở dài của bao kiếp người, của biết bao cha mẹ học sinh nghèo khổ đang ki cóp từng đồng, chắt chiu mà đóng vào các loại quĩ.
Nhìn ở góc độ này, cái ngày gọi là Hiến Chương Nhà Giáo trong lúc này chỉ có ý nghĩa khi người ta nhìn lại, phản tĩnh và truy hỏi về thiên lương nhà giáo của mình. Ngược lại, người ta xem đó là dịp để tung hê, ăn chơi, phè phỡn và thậm chí chim nhau thì có lẽ, chúng ta đang trải vào thời đại của giáo dục lạc thú và trí tuệ của bao thế hệ sau này sẽ trả giá cho nền giáo dục lạc thú hôm nay.
Một nền giáo dục mà ở đó, học sinh trở thành vật thí nghiệm của những dự án tài chính do các lãnh đạo nghĩ ra, câu hỏi của nhà lãnh đạo giáo dục đặt ra khi duyệt đề án hay tạo dự án không phải là chất lượng học sinh trong tương lai ra sao mà là mối thu về được bao nhiêu. Một nền giáo dục mà người dạy học nhìn các học trò của mình như những con cáo đang nhìn bầy gà, chỉ thấy được sự hơ hớ, thơm ngon của bữa ăn chứ không nhìn thấy được gì xa hơn, thì bù lại, một lúc nào đó, học trò sẽ nhìn lại thầy cô của mình như những con cáo thơm ngon trong dĩa mồi nhậu của họ, trong cái thú vui thịt rừng của họ, đó là quay luật, hay nói sâu xa hơn một chút là luật nhân quả của giáo dục.
Một nền giáo dục mà thầy gặp trò phải khúm núm hai tay bắt, trò ung dung ưỡn ngực chìa một tay ra bắt tay thầy, một nền giáo dục mà quan chức giáo dục ngồi uống bia, chìa một tay ra bắt tay thầy trong lúc thầy đứng khúm núm chìa hai tay ra bắt tay trò. Điều đó chỉ cho thấy cả thầy và trò chẳng ra gì!
Nhưng cái sự “chẳng ra gì” này từ đâu đến? Hãy nhìn vào cơ chế lãnh đạo thì sẽ nhận ra ngay vấn đề. Cấp trung ương, lãnh đạo giáo dục phụ thuộc vào chỉ đạo của trung ương, cấp địa phương, lãnh đạo giáo dục đương nhiên phụ thuộc vào chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, ở cấp thấp nhất là xã phường, tình trạng nhà trường mang một cổ hai tròng còn nặng nề hơn, tức họ vừa chịu quản lý ngang, lại vừa chịu quản lý dọc.
Về quản lý dọc, trường chịu quản lý từ phòng, sở, sở chịu quản lý từ bộ giáo dục. Nhưng, Bộ giáo dục chịu quản lý từ Chính phủ. Nghĩa là vừa dọc vừa ngang.
Sự vừa dọc vừa ngang này xuống đến cấp địa phương thì kinh khủng hơn nhiều, Hiệu trưởng trường cấp xã, tức trường tiểu học và trung học cơ sở chịu quản lý của Phòng giáo dục đào tạo. Ngoài sự quản lý dọc này còn chịu quản lý và giám sát của ủy ban xã, phường. Bất kì động tịnh gì cũng phải thông qua cơ quan chính quyền địa phương.
Chính một cái cổ mang đến hai cái tròng, vừa dọc vừa ngang này, nên Hiệu trưởng các trường ở địa phương trở thành con bù nhìn của quyền lực. Họ vừa phải bưng bê với cấp phòng, vừa phải xuê xoa với cấp xã, phường, đó là chưa nói đến cấp huyện.
Và, trong thang giá trị lãnh đạo (nếu có) này có một sự bất cập hết sức lớn, đó là những trí thức thật (xét về bằng cấp, học vị) phải chịu sự quản lý của những trí thức dỏm, xài toàn bằng giả, tức cán bộ địa phương. Mà không có gì ghê gớm hơn thằng dốt nói chữ và chỉ đạo trí thức, hắn sẽ tung hỏa mù, làm cho mọi thứ rối tung lên, thậm chí hiếp dâm tri thức để đạt được mục đích toàn trị của hắn. Chính vì kiểu cơ chế quái đản này mới có chuyện Hiệu trưởng trường cấp ba trở thành tay môi giới mại dâm, biến nữ sinh của mình thành gái điếm mua vui cho các quan chức như Sầm Đức Xương. Rồi Hiệu trưởng điều phối các giáo viên nữ đi phục vụ bia, rót bia, mua vui cho quan chức... Mà xã hội này không phải chỉ có vài Sầm Đức Xương đâu, đầy rẫy ra đấy.
Nhưng, vì sao các trí thức (bằng thật, từng có ước mơ, lý tưởng) lại bán mình cho những trò rẻ tiền, mất tính người của một bọn dốt hơn họ, đầu óc đặc sệt nhưng đầy thủ đoạn và bẩn thỉu như các quan chức địa phương?
Vì, Hiệu trưởng, lãnh đạo nhà trường phải là đảng viên Cộng sản, họ có thể không nhiều năng lực nhưng họ phải là hạt giống đỏ. Và các hạt giống đỏ có một luật chơi rất riêng, đó là lãnh đạo luôn luôn đúng, một khi lãnh đạo ra lệnh, lãnh đạo yêu cầu thì không được bất tuân, mà không bao giờ có cơ hội bất tuân hay phản kháng nếu muốn tồn tại, nếu muốn nồi cơm không bị lật, đó là sự thật. Có gì đáng sợ hơn đối với một đảng viên khi bị khai trừ khỏi đảng. Mà trong cơ chế tất cả chúng ta đều dính chàm này, bất kì đảng viên nào cũng có thể bị phanh phui, đưa ra ánh sáng “pháp luật” và bị khai trừ đảng. Một khi bị khai trừ đảng thì coi như còn tệ hơn cả xuống hố. Chính vì vậy mà các lãnh đạo nhà trường nhanh chóng trở thành tay sai của lãnh đạo địa phương và họ không còn lý tưởng nào khác ngoài lý tưởng đảng.
Cái lý tưởng đảng trong thời đại các đảng viên thành một đám sâu bọ thì đương nhiên cái lý tưởng ấy phải sâu bọ tương thích. Và khi thứ lý tưởng sâu bọ ấy được phổ cập trong giáo dục diện rộng thì chẳng mấy chốc, giáo dục trở thành những xóm nước đen, những ổ tội phạm, những nhà thổ và lãnh đạo giáo dục dù muốn hay không muốn cũng tự biến mình thành má mì, tú ông, tú bà, còn giáo viên may mắn không có nhan sắc thì giữ được tiết hạnh và tủi thân vì sự nghiệp dạy học cứ giẫm chân tại chỗ của mình, những giáo viên “xui xẻo” có chút nhan sắc sẽ nhanh chóng trở thành gái điếm của cơ chế.
Không có điều gì đáng sợ hơn thiên lương nhà giáo bị đánh tráo bằng lý tưởng chính trị và không có gì thối nát hơn việc kính trên nhường dưới bị bóp méo thành hoạt động mua vui và chiều chuộng bề trên, môi trường giáo dục bị biến thành chỗ mua bán các sản phẩm bằng cấp, chức vụ, quyền lực và trao đổi tình dục.
Hãy nghĩ về tương lai, nền giáo dục này sẽ về đâu với thực tại đầy rối rắm và u ám này?!
No comments:
Post a Comment