Monday, November 20, 2023

‘Tẩu tán’ tài sản tham nhũng… ‘hợp pháp’

 Hoài Nguyễn   



(VNTB) – Sở dĩ gọi là ‘Tẩu tán’ tài sản tham nhũng ‘hợp pháp’, vì đó… theo luật mà làm (!?)   

Với tội phạm tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội… do đó, sẽ tìm mọi cách ‘tẩu tán’ ngay từ khi có được tài sản ‘phi pháp’. Việc ‘tẩu tán’ này, trong nhiều trường hợp là không vi phạm  vào điều luật cấm đoán nào, tức khó thể cáo buộc về chuyện ‘phạm pháp’. 

Đơn cử, cán bộ chỉ phải kê khai tài sản của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên – Điều 33 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018. Theo quy định này phạm vi kê khai tài sản là quá hẹp và vô hình trung đã bỏ qua trường hợp con đã thành niên, và hai đối tượng thân thích khác là bố và mẹ, anh chị em ruột… 

Trên thực tế, rất nhiều vụ án tham nhũng xảy ra và khi điều tra ra mới rõ tài sản mà người phạm tội có được đã đứng tên của chính bố, mẹ đẻ hoặc con đã thành niên, thậm chí có những trường hợp nhờ cả bạn bè, anh chị em đứng tên.

 Mặc dù Luật phòng chống tham nhũng đã có quy định về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực – Điều 51, Luật phòng chống tham nhũng 2018, nhưng lại chưa có điều khoản nào quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. 

Pháp luật về tài chính, ngân hàng, đầu tư kinh doanh… có quy định về báo cáo đối với các giao dịch có giá trị lớn, nhưng chưa có quy định các giao dịch giá trị lớn như mua nhà đất, xe cộ bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Trong khi các giao dịch này chính là kênh mà tội phạm có thể tận dụng để rửa tiền một cách nhanh nhất. 

Trong các quy định về đầu tư ra nước ngoài, quy định rõ các trường hợp cá nhân không được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài gồm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước… – Điều 68 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, pháp luật không có cơ chế để kiểm soát người thân của các trường hợp này đầu tư ra nước ngoài. 

Việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng nếu đối tượng bị khởi tố bị can hoặc đưa ra xét xử. Còn trong các giai đoạn trước đó, dù bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng không áp dụng. Đây là lỗ hổng để đối tượng vi phạm có thời gian tẩu tán tài sản. 

Cụ thể, Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định, kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại;… chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại… và Điều 45 Bộ luật hình sự 2015 quy định tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định. 

Các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự cũng chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mà được áp dụng như đối với các vụ việc dân sự thông thường. 

Ngoài ra sự phát triển của tài sản số thời gian gần đây, nhất là những tài sản dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain)… và sự mở rộng của các hoạt động kinh tế liên quan đến loại tài sản mới này đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách. Đặc biệt cần tiến hành đồng thời việc xây dựng khung pháp lý đối với tài sản số và sửa đổi một số đạo luật liên quan đặt trong bối cảnh của vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam.

https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-tau-tan-tai-san-tham-nhung-hop-phap/ .

No comments:

Post a Comment