HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 7 Tháng Bảy, chính quyền thành phố Hà Nội công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Theo đó, đòi hỏi của dân chúng xã này là vô lý, bởi vì “không có đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như kiến nghị của người dân Đồng Tâm,” theo báo điện tử VietNamNet.
Qua vụ Đồng Tâm, thêm một lần nữa, hệ thống công quyền Việt Nam minh định, khuyến cáo của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” là hoàn toàn chính xác.
Từ ép dân nổi loạn
Lý do chính khiến dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn hồi trung tuần Tháng Tư: Bắt giữ 38 con tin gồm cảnh sát cơ động, công an và viên chức chính quyền địa phương. Rào làng tử thủ suốt một tuần là vì hệ thống công quyền bất minh trong việc thu hồi và sử dụng đất. Thay vì giải quyết các khiếu nại, tố cáo một cách rạch ròi thì lại dùng vũ lực để trấn áp họ.
Ông Lê Đình Kình, người được xem như thủ lĩnh vụ phản kháng của dân chúng xã Đồng Tâm từng kể, dân chúng xã này chịu rất nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường.
Theo báo Người Lao Động, thập niên 1960, chính quyền Việt Nam thu hồi 300 hécta đất ở xã Đồng Tâm để xây dựng trường bắn Miếu Môn. Đến thập niên 1980, chính quyền Việt Nam quyết định thu hồi thêm 54 hécta đất nữa để xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng phi trường quân sự bị bỏ dở. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ Đoàn 28 thuộc Quân Chủng Phòng Không-Không Quân (phía được giao quản lý 54 hécta đất bị thu hồi) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ Đoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó cho đến năm 2007.
Theo đề nghị của chính quyền địa phương, năm 2007, Lữ Đoàn 28 đã hoàn tất thủ tục giao lại 6.78 hécta trong số 54 hécta từng bị trưng dụng làm phi trường quân sự Miếu Môn cho chính quyền huyện Mỹ Đức. Lữ đoàn này chỉ giữ lại 47.3 hécta đất. Mảnh đất diện tích 6.78 hécta này đã bị chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho hàng loạt người được dân chúng xã Đồng Tâm hài tên một cách rành rọt. Nhiều người trong số này vốn chỉ bị trưng dụng một vài trăm mét vuông đã được hoàn trả tới… vài chục ngàn mét vuông. Mảnh đất diện tích 6.78 hécta đã được phân lô bán cho nhiều người. Người mua có đầy đủ giấy tờ chứng minh họ đã thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí…
Năm 2016, sau khi thanh tra theo “khiếu nại, tố cáo” của dân chúng xã Đồng Tâm, chính quyền thành phố Hà Nội thông báo “thu hồi” 6.78 hécta với lý do đó là “đất quốc phòng” để giao cho Viettel, một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc Phòng, để thực hiện “công trình quốc phòng.”
Những thắc mắc: Tại sao lại xác định 6.78 hécta đã hoàn trả là “đất quốc phòng?” Nếu 6.78 hécta đất này là “đất quốc phòng” thì tại sao Bộ Quốc Phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế, thu hồi?” Sau khi “cưỡng chế, thu hồi” xong thì trách nhiệm của những viên chức từ xã, huyện đến thành phố đã tham gia phân chia mảnh đất này một cách bất minh sẽ được thực hiện ra sao?… Tất cả đều không được trả lời.
Thay vào đó, chính quyền thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức “cưỡng chế, thu hồi” 6.78 hécta “đất quốc phòng.” Hồi trung tuần Tháng Mười năm ngoái, 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội, không hoàn thành nhiệm vụ vì dân chúng xã Đồng Tâm phản ứng quyết liệt.
Đến trung tuần Tháng Tư, chính quyền thành phố Hà Nội mời ông Lê Đình Kình và bốn người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất nông nghiệp” và “đất quốc phòng” rồi bắt cả năm. Đó là giọt nước làm tràn ly phẫn nộ, dân Đồng Tâm nổi loạn…
Đến “gần dân, lắng nghe dân”
Không thể dìm cả xã trong máu, chủ tịch thành phố Hà Nội và một số đại biểu của Quốc Hội đã đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết với dân chúng xã này: (1) Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật,” xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp,” đâu là “đất quốc phòng.” (2) Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. (3) Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho ông Lê Đình Kình (gãy cổ xương đùi), xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Hệ thống tư pháp thành phố Hà Nội đã phóng thích và tuyên bố hủy các quyết định khởi tố ông Kình và bốn người khác vì “gây rối trật tự công cộng.”
Vụ thương lượng và cam kết này được xem là chưa từng có. Vào thời điểm đó, nhiều viên chức lãnh đạo đảng, Quốc Hội, chính phủ tuyên bố vụ Đồng Tâm là một “bài học đáng giá” cho bộ máy công quyền, rằng hệ thống công quyền phải gần dân, lắng nghe “tâm tư, nguyện vọng” của dân kỹ lưỡng hơn…
Rồi “phản dân”
Ngày 13 Tháng Sáu, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần Tháng Tư.
Quyết định khởi tố hai vụ án khiến dân chúng Việt Nam chưng hửng. Một số viên chức hữu trách bắt đầu giải thích, chủ tịch thành phố Hà Nội (đại diện cho hành pháp), không có quyền giải trừ trách nhiệm hình sự cho những cá nhân vi phạm pháp luật vốn thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp. Về lý, điều này không sai nhưng với bối cảnh và đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, không ai tin rằng chủ tịch thành phố Hà Nội tự tiện tìm tới thương lượng và đưa ra ba cam kết như đã kể với dân chúng xã Đồng Tâm.
Cho đến nay, công an thành phố Hà Nội chưa xác định hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần Tháng Tư có bao nhiêu bị can nhưng nếu công an thành phố Hà Nội thực hiện đúng tuyên bố “sẽ điều tra, xử lý nghiêm, đúng pháp luật” số dân Đồng Tâm vướng vào vòng lao lý sẽ lên tới hàng trăm chứ không chỉ là năm!
Để hạ nhiệt, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố sẽ đưa 14 viên chức địa phương (bốn viên chức huyện Mỹ Đức và 10 viên chức xã Đồng Tâm) ra xử vào giữa Tháng Bảy này vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (cấp đất, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa việc lấn chiếm đất cho một số cá nhân, gia đình tại xã Đồng Tâm).
Mới đây, chính quyền thành phố Hà Nội công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Tuy đây chỉ là “dự thảo” nhưng kết luận này sẽ trở thành chính thức nếu… không có thêm diễn biến nào mới.
Theo báo điện tử VietNamNet, dự thảo này cho biết diện tích thực tế của phi trường quân sự Miếu Môn là 236.9 hécta, trong đó có 64.11 hécta thuộc xã Đồng Tâm được xem là “đất quốc phòng.” Nếu so với quyết định đã được phê duyệt năm 1980 thì hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc Phòng khoảng 30 hécta. Chuyện Bộ Quốc Phòng nhận lố 30 hécta và lờ đi, không báo cáo chỉ được xem là thiếu sót.
Cũng theo dự thảo, các đơn vị quân đội “chưa di dời một số gia đình ăn ở trên đất quốc phòng từ năm 1980, để các gia đình này dân lấn chiếm, tặng cho, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép” là “buông lỏng quản lý đất quốc phòng.” Việc một số người dân ở xã Đồng Tâm tự ý tổ chức đo đạc, phân lô trên phần đất mà Viettel đang thực hiện dự án quốc phòng bên trong phi trường Miếu Môn là hành vi chiếm “đất quốc phòng,” coi thường luật pháp.
Dự thảo không hề đả động gì đến trách nhiệm của Bộ Quốc Phòng: Lập dự án xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn, chiếm dụng hơn 200 hécta đất rồi bỏ hoang suốt từ năm 1980 đến nay và giờ giao một phần tài sản đó cho Viettel kinh doanh.
Tuy việc sử dụng đất đai ở xã Đồng Tâm đã được “thanh tra” nhưng không ai biết “công trình quốc phòng” mà Viettel xây dựng là gì. Liệu tính chất “công trình quốc phòng” đó có giống các sân golf ở phi trường quân sự Gia Lâm và phi trường Tân Sơn Nhất hay không?
Chuyện Bộ Quốc Phòng nhận lố 30 hécta và lờ đi, dẫn tới bạo loạn chẳng lẽ không phải là coi thường luật pháp, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?” Rồi tại sao nhận lố mà không hoàn trả để cấp lại cho dân? (G.Đ)
No comments:
Post a Comment