SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y Tế Sài Gòn, nếu tính quy mô toàn thành phố Sài Gòn thì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm trên 50%. Do đó, vẫn còn khoảng hơn một nửa thực phẩm đang tiêu thụ trên địa bàn thành phố là chưa an toàn.
Tại phiên họp chiều 5 Tháng Bảy của kỳ họp thứ 5 Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn khóa IX, các đại biểu đánh giá vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập từ khâu sản xuất đến vận chuyển, chế biến và tiêu dùng.
Theo phúc trình của Sở Y Tế, hiện nay ở Sài Gòn có 240 chợ truyền thống, siêu thị và hơn 19,000 cửa hàng ăn uống đường phố. Kết quả kiểm tra các chợ, cơ sở kinh doanh ăn uống, tỉ lệ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, mặc dù chính quyền có nhiều chương trình “nâng cao quản lý an toàn thực phẩm,” nhưng các giải pháp chưa đủ để người dân sử dụng được thực phẩm an toàn.
Cụ thể, trong quá trình xuất thực phẩm nguyên liệu hiện tại vẫn còn dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi khâu chế biến thì việc sử dụng chất phụ gia, hương liệu vẫn tồn tại. Chưa hết, đến khâu vận chuyển lưu thông, việc sử dụng các chất bảo quản, chất cấm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Báo điện tử Một Thế Giới dẫn lời Giám Đốc Sở Y Tế Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm hiện vẫn còn khó khăn, việc xử phạt vẫn còn khiêm tốn và vẫn chưa kiểm soát được nhiều cửa hàng ăn uống, thức ăn đường phố nhỏ lẻ…
Ông cho hay, trong hai năm 2015 và 2016, đoàn thanh tra liên ngành ba sở gồm Y Tế, Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, Công Thương đã tiến hành kiểm tra 98,000 cơ sở thực phẩm, phát hiện 15,000 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 11,000 cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí nói rằng kết quả khảo sát này khiến ông cùng người dân cực kỳ hoang mang. Bởi lẽ, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, khâu nào người dân cũng không thấy yên tâm 100%. Đặc biệt, trong khi chờ kiểm nghiệm thì thực phẩm đã được tiêu thụ hết cũng là vấn đề khiến các đại biểu lo ngại. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment