HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều ngân hàng ngoại quốc đang rút ra khỏi các liên doanh ngân hàng bằng cách chuyển nhượng cổ phần cho những đối tác là ngân hàng phía Việt Nam.
Báo điện tử BizLive vừa công bố thống kê liên quan đến cuộc rút lui tuy lặng lẽ nhưng rất đáng chú ý này.
Theo đó, cuộc rút lui khởi đầu hồi Tháng Ba với Standard Chartered – một tập đoàn ngân hàng đa quốc gia. Vào thời điểm đó, Standard Chartered đột nhiên rút hai đại diện của họ khỏi Hội Đồng Quản Trị của Ngân Hàng Á Châu (ACB).
Tuy Standard Chartered không giải thích tại sao nhưng các chuyên gia tin rằng, động tác vừa kể là sự chuẩn bị cho chuyện rút vốn khỏi ACB – theo luật pháp Việt Nam, đại diện ngân hàng ngoại quốc trong các liên doanh ngân hàng ở Việt Nam phải rời khỏi Hội Đồng Quản Trị của liên doanh trước khi rút vốn 18 tháng. Gần đây, Standard Chartered đã chính thức xác nhận đang thảo luận với ACB về kế hoạch rút vốn ra khỏi ACB.
Đến tháng, ANZ – một ngân hàng của Úc và New Zealand, loan báo toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam (tám chi nhánh và phòng giao dịch) cho chi nhánh Việt Nam của Shinhan – một ngân hàng Nam Hàn. Các chuyên gia dự đoán, vụ chuyển nhượng này sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Tới giữa Tháng Sáu, trên trang web chính thức, ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) gửi thông báo xin ý kiến cổ đông để mua lại khoảng 20% cổ phần mà HSBC – một trong những tổ chức tài chính, ngân hàng lớn nhất thế giới đang nắm giữ. Nói cách khác, HSBC đã quyết định rời Việt Nam sau 12 năm hoạt động tại đó.
Mới đây, tới lượt Commonwealth Bank of Australia (CBA) thông báo sẽ hoàn tất việc chuyển giao mọi thứ có liên quan tới mình tại Việt Nam cho ngân hàng Quốc Tế (VIB) trong quý ba này. CBA mở chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam hồi năm 2008 và đến 2010 thì góp khoảng 20% vào VIB. CBA là cổ đông lớn nhất của VIB.
Nói với phóng viên báo điện tử BizLive, ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế, nhận định đó là những dấu hiệu đáng ngại. Chuyện hàng loạt tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc lần lượt rút khỏi Việt Nam cho thấy thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận như thiên hạ mong đợi.
Ông nói rằng điều đó khác hoàn toàn với thời điểm cách nay 20 năm. Lúc ấy, các tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc thi nhau mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam.
Cũng theo lời ông, chuyện các tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc rút khỏi Việt Nam đã manh nha trong năm năm vừa qua thông qua việc nhượng lại cổ phần cho một số tổ chức tài chính, ngân hàng Châu Á như Nhật, Nam Hàn, Singapore và các ngân hàng thương mại của Việt Nam.
Ông phỏng đoán, hiện tượng các tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc thi nhau rút khỏi Việt Nam chắc chắn có liên quan đến cung cách quản trị ngân hàng tại Việt Nam có quá nhiều khác biệt với chuẩn mực chung, tỉ lệ nợ xấu (nợ có khả năng mất cả vốn lẫn lãi) quá lớn.
Trước đây, chính phủ liên tục trấn an cả Quốc Hội lẫn dân chúng rằng họ đã kiểm soát được nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng cho vay đã giảm đáng kể.
Các báo cáo chính thức về nợ xấu, tổng hợp từ báo cáo của những tổ chức tín dụng tại Việt Nam, xác định, đến hết năm 2015, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã giải quyết được 493,000 tỷ đồng nợ xấu. Tới hết năm 2016, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2.46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Đến Tháng Tư vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam mới thú thật là tỉ lệ nợ xấu có thể gấp ba lần báo cáo chính thức. Nếu xét cả nợ xấu mà công ty Quản Lý Tài Sản Các Tổ Chức Tín Dụng Việt Nam (VAMC) đang xử lý và những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu xấp xỉ 8.86% tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Tháng trước, lúc đề nghị Quốc Hội thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi), chính phủ mới tiết lộ tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17.21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600,000 tỷ đồng!
Ai cũng biết, nợ xấu càng cao thì khả năng gặp rủi ro, thậm chí sụp đổ của hệ thống ngân hàng càng lớn. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment