Hải Nguyễn 03-03-2017
(VNTB) Bất cứ ai sinh sống ở Sài Gòn hay bất cứ nơi nào trên đất nước này cũng đều mong muốn nơi mình đang sống phải có đầy đủ những tiện nghi từ căn bản nhất và cho đến cao cấp nhất nếu có thể.
Một trong những điều quan trọng hàng đầu của an sinh xã hội mà ai cũng biết đó là cơ sở hạ tầng phải được xây dựng theo qui chuẩn cần phải có để phát triển đô thị.
Tất nhiên chính quyền là cơ quan chuyên quyền sẽ ban hành những qui chuẩn cần thiết xuống cơ quan các cấp để thực thi cho việc xây dựng sao cho đúng với những nghị định, thông tư, văn bản pháp luật kèm theo, mà chính quyền soạn thảo lập ra.
Quận 1 dọn dẹp vỉa hè. Ảnh: Zing |
Câu chuyện vỉa hè hôm nay, nguồn dư luận trong cộng đồng đã trở nên sôi nổi hơn, sinh động hơn, và đặc biệt có không ít những nhận định một cách gây gắt về cách làm của Q.1 mấy ngày vừa qua, và có lẽ sẽ còn trong những ngày sắp tới nữa.
Có những thắc mắc cần phải được giải đáp từ chính quyền để mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn trong những ngày tháng tới.
- Nguyên nhân vì sao vỉa hè bị lấn chiếm và chiếm dụng?
- Tình trạng lấn chiếm chiếm dụng xảy ra bao lâu rồi?
- Ai cấp phép cho xây dựng lấn chiếm hành lang vỉa hè?
- Phòng quản lý đô thị của phường, quận tại sao không phát hiện lúc người ta vi phạm?.
- Công an, Dân phòng, có chức năng hỗ trợ giám sát vỉa hè hay không?.
- Để xảy ra sự việc nhếch nhác này lỗi trước tiên thuộc về chính quyền hay người dân.?.
Những thắc mắc vừa nêu, chắc chắn ông Đoàn Ngọc Hải đã nắm được sự việc và hiểu rõ. Qua câu nói của ông Hải xác nhận với Vnexpress rằng : " không ai được đứng trên pháp luật ", thì hẳn ông cũng biết việc mình làm sẽ đụng chạm đến rất nhiều người, nhưng ông vẫn kiên quyết làm cho bằng được nếu không ông sẽ "cởi áo từ quan".
Ông Hải có ý tốt, ý đẹp, có ý để cho Sài gòn có được bộ mặt đô thị văn minh hiện đại hơn, điều đó ai cũng thích cả, nhưng liệu cách làm của ông hiện tại có văn minh hay không cũng khá là quan trọng.
- Không biết ông đã xử lý trước những người để xảy ra tình trạng xây lấn chiếm vỉa hè hay chưa?. Cụ thể phòng quản lý đô thị là đơn vị có chức năng kiểm soát việc xây dựng?.
Một điều mà ai cũng biết, chỉ cần hộ dân nào đó đỗ một đống cát nhỏ hay xà bần trước nhà thậm chí trong hẻm ngoằn ngoèo đi nữa thì quản lý đô thị sẽ có mặt ngay để kiểm tra.
- Có xử lý những người thu tiền chổ, có khi gọi tiền "hoa chi" của những người bán hàng rong hay không?.
- Có thông báo và cho thời gian để những hộ vi phạm tự tháo dỡ và di dời hay không?.
Thiết nghĩ, đó là những việc cần xử lý và ứng xử đúng mực trước khi trút sự bực tức lên người dân thì mới không gây ra sự phản cảm của việc mình làm.
Việc lấy lại công dụng cho vỉa hè được thông thoáng và an toàn cho người dân đi bộ, sẽ góp phần nâng lên bề mặt văn minh của đô thị thì hơn 90 triệu người đều mong muốn điều đó, nhưng cách làm thì cũng cần phải văn minh hơn.
Điều quan trọng là nhà cầm quyền đã có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi việc sinh nhai của những người nghèo hành nghề bán rong hay không?.
Có bao giờ nhà cầm quyền tận tâm suy nghĩ trong những người bán hàng rong, rong ruổi trên những vỉa hè đông đúc hôm nay có cả những ngư dân ở những vùng biển mà Formosa đã thải độc, đã bị cướp đi chén cơm manh áo của họ hay không ?.
Nếu, sự vô tình trong số những người bán hàng rong từ vài chục người hoặc hơn nữa đến từ những vùng biển nhiễm độc đang mưu sinh thì có phải nhà cầm quyền đã vô tình truy cùng đuổi tận hay không?.
Một thành phố tráng lệ lộng lẫy sẽ có những con đường với những vỉa hè an toàn thoáng đãng là điều ai cũng mong muốn kể cả người bán hàng rong, nhưng có nên không cũng cần phải nhìn lại phần đông những người nghèo buôn gánh bán bưng sau này kế mưu sinh của họ là gì hay họ sống sau kệ họ?
Liệu, việc mở chiến dịch giành lại công dụng của vỉa hè ở thời điểm hiện tại có hợp lý hay không?.
Có hay không, sự vô tình hay hữu ý lại trùng với thời gian đưa ra kỷ luật những quan chức ở Hà-Tĩnh gồm những người cộm cán như: ông Võ Kim Cự, Nguyễn Thái Lai,.v.v.v..., nhằm hướng dư luận sao lãng đến những cuộc biểu tình đang một ngày rộng lớn để chống lại sự độc ác của Formosa?.
Thiết nghĩ, phàm là quan chức chính quyền phải biết việc nào là hệ trọng hàng đầu, việc nào đang thật sự ảnh hưởng đến nòi giống con người, việc nào đang ảnh hưởng đến lãnh thổ quốc gia, thì đó mới là những nhà lãnh đạo có tầm và có tâm với đất nước.
Ngay cả việc, khi đưa những quan chức ra để kiểm điểm, kỷ luật mà phải dùng đến những từ cố ý nhấn mạnh như: " đến mức phải đưa ra xem xét kỷ luật " , hay " phê phán trước toàn dân " nghe sao kiểu luận tội đau lòng đến vậy.
Trong khi đó vụ hai thiếu niên chỉ vì: " hai ổ bánh mì với chút ít tiền.." thì lại nghe một quan chức lớn tiếng: " ...bây giờ là hai ổ bánh mì..nếu không nghiêm trị thì sao này tới mức nào nữa..".
Sự nhận thức không chuẩn mực, sự phán xét không công tâm, không thành thực, sẽ còn gây ra bao nhiêu nỗi đau nữa cho quốc dân đồng bào đây?.
Một góp ý chân thành gởi đến những quan chức hay có những tuyên bố hết sức hùng hồn về việc mình sẽ làm, rằng nếu không thành công, nếu xảy ra việc gì thì sẽ cởi áo về nhà, sẽ từ chức bộ trưởng, sẽ chịu trách nhiệm, v.v.v.
Những lời tuyên bố như vậy, chẳng qua chỉ làm hài lòng tạm thời một số người nào đó, và cũng chỉ chứng tỏ cái tôi của bản thân mình. Vậy, tại sao không thể là: tôi sẽ cố gắng làm hết mình với cái tâm và nhiệt huyết để mọi việc trở nên tốt đẹp hơn và chu toàn hơn trong khả năng có được.
Bởi nếu xảy ra sự cố, liệu những cái chức vụ kia có gánh nỗi những thiệt hại mà không thể đong đo đong đếm được hay không ?. Ví dụ: Thảm họa Formosa còn chình ình ra đó. Một dự án ban đầu cũng hùng hổ hứa hẹn sẽ đem đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp nhưng giờ thì đã ra sao!?.
No comments:
Post a Comment