Thursday, March 2, 2017

Hải quân Việt Nam được trang bị hiện đại để làm gì?

Hương Khê (Danlambao) - Mấy hôm nay, báo chí nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ thượng cờ hai tàu ngầm 186 mang tên Đà Nẵng và 187 mang tên Bà Rịa - Vũng Tàu. “Đây là hai chiếc tàu ngầm Kilo lớp 636 cuối cùng nằm trong hợp đồng Việt Nam ký kết với Nga năm 2009 gồm 6 chiếc trị giá gần 2 tỷ USD, nhằm xây dựng lực lượng hải quân chính quy hiện đại, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc” (báo đưa tin).

Tuy báo chỉ "nổ" rầm trời, nào là Việt Nam là một trong số ít nước ở châu Á có số lượng tàu ngầm lên đến 6 chiếc, được trang bị những phương tiện hiện đại nhất. nhằm nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Nào là "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó" v.v... Nhưng đồng thời cũng không quên vuốt ve và xoa dịu ông bạn vàng 4 tốt phía Bắc rằng việc Việt Nam xây dựng và phát triển lực lượng hải quân là việc làm bình thường của các quốc gia có biển. Và “chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Luật Biển Việt Nam năm 1982 và hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới.”(1)

Theo báo chí nhà nước, ngoài việc mua của Nga 6 chiếc tàu ngầm này, năm 2014 Việt Nam còn đóng mới hai tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniva là HQ 377 và HQ 378. Đến năm 2017 này, hải quân Việt Nam sẽ có 17 tàu tên lửa hiện đại.

Khi một đất nước có bờ biển dài như Việt Nam, lại sống gần anh bạn láng giềng bất hảo là Trung Quốc luôn luôn ngoài miệng thì hô hào Mười sáu chữ vàng và Bốn tốt, nhưng trong bụng thì chỉ chực chờ láng giềng lơ là hở ra cái gì là nhảy vào “đớp” ngay cái đó, thì việc lực lượng hải quân được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại, tối tân là điều đáng mừng.

Thế nhưng, được trang bị các phương tiện tối tân và hiện đại mà không phát huy sức mạnh của các trang thiết bị đó để bảo vệ đất nước, bảo vệ biển đảo, bảo vệ nhân dân, thì chỉ là ‘hại điện”, chỉ hao tốn tiền thuế của dân.

Kể từ khi ĐCSVN lãnh đạo đất nước đến nay, họ đã làm được những gì để bảo vệ biển đảo, bảo vệ tổ quốc?

Theo Hiệp ước Pháp-Thanh được ký kết giữa chính phủ Pháp và triều đình Nhà Thanh năm 1887, thì toàn bộ biên giới trên bộ được xác định bởi 333 cột mốc cố định. Nhưng trong khoảng thời gian từ 1960-1975, phía miền Bắc Việt Nam đang lo dốc toàn lực để xâm chiếm miền Nam được ngụy trang bằng danh từ mỹ miều là Giải phóng, thì phía Trung Quốc tha hồ tự tung tự tác. Họ đã tự động dịch chuyển hàng trăm cột mốc ấy về phía Nam. Đến nỗi có những làng bản ngày hôm nay còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng chỉ qua một đêm ngủ dậy, thì hôm sau cả làng bản ấy đã thuộc về Trung Quốc. Họ gian manh xảo quyệt đến mức, đào cả mồ mả cha ông của họ đang đêm đem sang chôn lẻn lút trên đất Việt Nam, để rồi sau đó họ nói rằng vùng đất này của họ vì cha ông của họ đã chôn ở đây. Có những đoạn biên giới được phân chia bởi một dòng sông nhỏ, thì họ dùng đá làm thành những bờ kè phía bên đất họ. Thế là nước chảy làm xói mòn khoét sâu về phía đất Việt Nam. Phía Trung Quốc thì ngày càng bồi đắp rộng thêm. Khi bị phía Việt Nam phản ứng, thì Trung Quốc nói với Việt Nam rằng biên giới không phải là vấn đề lớn, hai bên có thể để về sau giải quyết.(2)

Tháng 1 năm 1974, khi quần đảo Hoàng Sa đang nằm dưới sự quản lý của VNCH, bị quân Trung Quốc xâm chiếm trái phép. Tướng Ngô Du, đại diện VNCH tại Ủy Ban Quân Sự 4 bên đóng tại Sài Gòn, đã gửi văn bản cho Tướng Lê Quang Hòa, đại diện VNDCCH, đề nghị chính phủ VNDCCH cùng với chính phủ VNCH ra thông cáo lên án hành động Trung Quốc xâm lược lãnh thổ-lãnh hải của Việt Nam, và phía VNDCCH giảm áp lực quân sự tại miền Trung để quân lực VNCH tập trung tái chiếm Hoàng Sa. Tướng Lê Quang Hòa điện về xin ý kiến Trung ương, liền bị Lê Đức Thọ gạt phăng và nói: “Họ có giải phóng giúp ta, thì sau này họ cũng trả lại cho ta thôi.(3)

Từ sau cuộc chiến trên toàn bộ 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979, tiếp theo là cuộc chiến tại mặt trận Vị Xuyên- Hà Giang từ 1984 đến 1988, lãnh thổ đất liền Việt Nam đã không giữ dìn được toàn vẹn mà bị kẻ địch lấn chiếm rất nhiều, như dãy núi trùng điệp thuộc đỉnh Lão Sơn, huyên Vỵ Xuyên- Hà Giang đến nay vẫn đang bị giặc chiếm. Đến 1988, họ lại tự nguyện dâng 7 đảo tại Trường Sa cho giặc khi kẻ cầm đầu quân đội ra lệnh cho lực lượng quân đội đang đồn trú tại đó không được nổ súng. Đó là hành động đầu hàng vô điều kiện một cách hèn hạ.

Từ khi ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 30/12/1999 đến nay, nhà nước CSVN không bao giờ dám công khai các điểm mốc tọa độ mới của đường biên giới sau khi ký kết. Do đó nhân dân không thể biết sau khi ký Hiệp định này, lãnh thổ vùng biên giới phía Bắc đã bị ‘hao hụt” bao nhiêu? Người ta chỉ thấy thực tế trên đất liền, một số nơi như Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Bãi Tục Lãm v.v... là lãnh thổ ngàn đời nay của Việt Nam, nay đã bị mất. Người ta ước tính diện tích mà Việt Nam bị mất vào tay Trung Quốc qua Hiệp ước Biên giới trên đất liền này bằng diện tích tỉnh Thái Bình, tức khoảng hơn 1.500km2.

Khi nhìn về Ải Nam Quan hàng ngàn năm nay là ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nay bỗng dưng rơi vào tay giặc, nhà thơ Bùi Chí Vinh đã thốt lên một cách chua xót:

“Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam, xưa rồi Diễm…
Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Nguyễn Phi Khanh rơi ở tận… nước Tàu
Chào một ngày hình chữ S tong teo
Thác Bản Giốc rời Cao Bằng như có cánh…”.

Không chỉ trên đất liền bị thu hẹp, mà vùng hải phận cũng bị teo lại.

Công ước Pháp Thanh năm 1887 ký kết giữa nước Pháp và chính phủ Nhà Thanh phân định vinh Bắc Bộ, hai phần ba là của Việt Nam, một phần ba là của Trung Quốc. Nay theo Hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ ký ngày 25/12/2000 giữa nhà nước Việt Nam và chính phủ Trung Hoa, thì Vịnh Bắc Bộ được chia Việt Nam được 53.23% và Trung Quốc được 46.77% diện tích Vịnh., Nhưng lại quy định vùng khai thác chung nằm tại đường ranh giới. Trong vùng gọi là khai thác chung ấy, phía Việt Nam không bao giờ dám bén mảng tới, mà chỉ có Trung Quốc làm chủ. Như vậy phía Việt Nam thiệt đơn thiệt kép. (4)

Theo một số nguồn tin thì diện tích trên biển mà Việt Nam bị mất vào tay Trung Quốc khoảng 3200 hải lý vuông, khoảng 11.000 km2 lãnh hải. Lúc này Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư ĐCSVN. Chính vì thái độ nhu nhược hèn yếu và nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều như vậy, nên Lê Khả Phiêu đã bị dư luận chỉ trích dữ dội, và đã bị thất sủng trong kỳ Đại hội ĐCSVN tháng 4 năm 2001.(5)

Đến nay khi nhà nước Việt Nam không ngừng tăng cường sức mạnh cho Hải quân, làm cho nhiều người nghĩ rằng, một khi được trang bị các vũ khí hiện đại như vậy, thì Hải quân Việt Nam sẽ là lực lượng trụ cột trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải nước ta. Nhưng đến khi quân giặc xâm phạm lãnh hải, thì không thấy lực lượng Hải quân đâu.

Tháng Tư năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ta, thì Hải quân Việt Nam …trốn biệt tăm. Báo Petro Times ngày 01/8/2014 viết: “Họ đã chọn phương pháp ngoại giao, hòa giải, và không tung lực lượng hải quân ra nơi xảy ra căng thẳng, Không một tàu chiến nào của Lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam giương súng”.

Nói tóm lại là không dám ló mặt ra.

Nhưng họ lại “xúi” ngư dân ra biển làm “lá chắn sống”; “cột mốc sống”. Tàu ngư dân ra Hoàng Sa đánh cá thì được trợ cấp tiền xăng dầu. Tàu ai đi về an toàn thì được cấp “giấy khen”. Tàu ai bị Trung Quốc bắt thì tự lo mà kiếm tiền chuộc. Ai bị đâm chìm, hoặc bị đánh đập, tịch thu ngư cụ và hải sản thì... ráng chịu v.v….

Các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư, thì đứng xa hàng chục hải lý phát loa “Tuyên truyền, vận động" tàu Trung Quốc rút đi. Và khi thấy các tàu Trung Quốc đến gần, thì liền “Dũng cảm, mưu trí, linh hoạt... luồn lách và... bỏ chạy"

Đúng là “Nhà vô địch lại sợ địch vô nhà” (lời của TS Hà Sỹ Phu).

Trước những hành động trắng trợn và ngang ngược của kẻ xâm lược như vậy, mà Quốc hội Việt Nam họp giữa lúc giàn khoan Trung Quốc đang tác oai tác quái, sau đó là cuộc họp của BCH ĐCSVN, cả hai cơ quan quyền lực cao nhất này không hề ra một bản thông báo hay tuyên bố để phản đối Trung Quốc. Họ câm như hến.

Mặc dù các tàu chiến Trung Quốc đã gây ra biết bao tội ác với nhân dân ta, chúng đâm chìm tàu cá ngư dân, cướp hải sản và ngư cụ, nhưng nhà nước Việt Nam không dám gọi đích danh là tàu trung Quốc, mà chỉ gọi né tránh đi là… tàu lạ. Vì thế nhân dân ta có câu: “Tàu thì lạ nhưng sự hèn hạ thì quen”.

Đến nay, phía Trung Quốc không ngừng bồi đắp các đảo chiếm được của ta và xây dựng thành các căn cứ quân sự, sân bay chiến đấu v.v... Nhưng phản ứng của nhà nước CSVN chỉ là một luận điệu quen thuộc cũ rích do Người Phát nôn Bộ Ngoại giao trăm lần như một cùng một bài ca ấy.

Đau đớn nhất là thứ cát mà Trung Quốc dùng san lấp những hòn đảo ấy, lại được lấy từ các vùng biển của Việt Nam. Khi bị dư luận phản ứng gay gắt thì họ lấp liếm nói rằng cát đó ta bán cho... Singapore. Nhưng làm sao qua mặt được nhân dân.

Khoe khoang lực lượng hải quân hung mạnh như thế, nhưng biển đảo bị xâm lấn, ngư dân bị đe dọa cướp bóc, không thể làm ăn được trên ngư trường truyền thống cha ông để lại, mà phải đi xâm phạm vào vùng biển nước khác để hành nghề và bị bắt, tù tội… Tàu cá Trung Quốc thì kéo vào rần rần và lộng hành áp sát bờ biển nước ta mà không dám hé môi phản đối.

Kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất đối vơi Việt Nam hiện nay là Trung Quốc.

Khi mà cái vong kim cô “mười sáu chữ vàng” và “bốn tốt” con găm trên đầu các nhà lãnh đao Việt Nam, thì việc trở thành vùng tự tri của Trung Quốc là không còn xa.

Vậy thì nhà nước Việt Nam trang bị các phương tiện hiện đại cho Hải quân để làm gì?



______________________________________

Chú thích:

No comments:

Post a Comment