Thanh Trúc, phóng viên RFA 2017-03-02
Nhà thiết kễ Sĩ Hoàng (thứ hai bên trái) và những người tổ chức Lễ Hội Áo Dài. Hình do Nhà thiết kễ Sĩ Hoàng cung cấp |
Lễ Hội Áo Dài lần thứ tư ở Sài Gòn, bắt đầu từ ngày 3 cho đến ngày 17 tháng Ba này, là một chương trình thời trang và nghệ thuật đề cao nét đẹp truyền thống của chiếc áo dài Việt Nam thông qua mọi thời đại.
Cách tân đến mức phá cách
Chương trình do Sở Du Lịch và Hội Liên Hiệp Phụ Nữ thành phố Sài Gòn phối hợp tổ chức với thông báo đáng chú ý là nói không với “áo dài cách tân”. Đây là những bộ áo dài váy đụp hoặc áo dài quần loe với màu sắc rực rỡ, bày bán trong một số cửa tiệm may mặc hàng loạt ở Hà Nội hay Sài Gòn dịp Tết Đinh Dậu mà đã gây khá nhiều tranh cãi trong dư luận cũng như trên mạng thời gian qua.
Hướng Dương, một cư dân Sài Gòn, nói là cô không hề thích loại áo dài cách tân này:
Tết vừa rồi em đi những hội hoa xuân, đi những đường hoa, thấy các bạn trẻ lứa tuổi teen mặc áo dài kiểu ngắn thiệt ngắn lên tới đầu gối, mặc với cái váy màu đen xòa ra, tạm gọi là váy đụp mà ngày xưa phụ nữ nông thôn miền Bắc hay mặc, quả thực là em không chịu nỗi vì nó phá vỡ hoàn toàn hình ảnh truyền thống của áo dài Việt Nam. Áo dài đẹp ở chỗ thướt tha, kín đáo, e ấp, thùy mị của người phụ nữ, còn bây giờ cách tân đến mức củn cởn lòe xòe, nhìn nó thô thiển và không còn nét gì gọi là truyền thống Việt Nam hết. Cách tân đến mức phá cách như bây giờ thì em không chấp nhận được.
Bây giờ cách tân đến mức củn cởn lòe xòe, nhìn nó thô thiển và không còn nét gì gọi là truyền thống Việt Nam hết. Cách tân đến mức phá cách như bây giờ thì em không chấp nhận được.
-Hướng Dương
Huyền là một bạn trẻ đang trông coi một cửa hàng áo dài may mặc ở Sài Gòn, cho biết áo dài cách tân dùng vật liệu vải thô rẻ hơn tơ lụa, đường kim mũi chỉ không tinh xảo nhưng được cáí lạ mắt và giá rẻ nên thu hút khách hàng trẻ tuổi:
Áo cách tân dễ bận, dễ sử dụng hơn những áo dài kia, nhưng tùy theo người thích hay không. Ở ngoài thị trường là chất vải loại hai loại ba không với lại đường may không đều.Như em thì em không thích bận áo dài cách tân.
Bạn Nguyễn Đức Thịnh, biệt danh Thịnh Chocolate, được biết đến như một người thích sử dụng các loại khăn rằn Nam Bộ để ráp thành những chiếc áo dài giản dị và dễ mặc, bênh vực quan điểm và y` thích của những bạn trẻ thích mặc áo dài váy đụp:
Áo dài cách tân là xu hướng, mà xu hướng phản ánh đời sống, văn hóa, chính trị và nhiều thứ trong đó nữa. Người ta cần một bộ trang phục, cũng mang tính truyền thống, nhưng có gì đó dễ ứng dụng, dễ phối. Ví dụ tại sao người ta phối với váy lưng lửng vì thấy nó đẹp, nó lạ hơn và nó phá cách, nó hay là người ta ứng dụng thôi. Em nghĩ cho dù đúng hay sai thì đó là xu hướng mình phải tôn trọng, người ta xài vì người ta có nhu cầu,thấy hợp lý thì người ta xài thôi. Tùy mỗi người, nếu cảm thấy áo dài truyền thống nó dài hoặc khó mặc thì mặc áo dài cách tân, làm sao khi mặc lên cảm thấy đẹp, thích và cảm thấy bạn là bạn nhất thì bạn chọn thôi.
Nhiều người phản ánh việc bạn trẻ mặc áo dài cách tạn với váy hoặc quần “culottes”. Em thấy họ phản ánh đúng nhưng cần nhìn lại một điều là bản thân những người trẻ họ cần như vậy, họ cần phóng khoáng, cần phá cách. Bây giờ quần “culottes” đang họt, cái váy đang họt, mix vô nó đẹp thì người ta xài thôi, em nghĩ như vậy.
Cứ mỗi lần bắt gặp những chiếc áo váy kiểu cách tân như vậy, thậm chí mặc với quần short ngắn ngủn bên trong, tự nhiên thấy nhớ và thương chi lạ đôi tà mềm mại buông rủ của chiếc áo dài đúng nghĩa, là cảm tưởng của Ngọc Hân:
Mặc quần short với hai cái tà áo dài bay phất phới thì cái đó không thể gôi là áo dài được. Mình hiểu rất rõ áo dài là trang phục thì chắc chắn phải có biến cãi theo thời gian, nhưng có những cách tân chấp nhận được có những cách tân không thể chấp nhận. Cho nên mình ủng hộ ý kiến là tổ chức lẽ hội áo dài trong đó có những nhà chuyên môn, những nhà thẩm mỹ, những nhà thời trang thì trình độ thẩm mỵ của người ta chắc chắn góp phần định hướng cho tuổi trẻ nói chung. Không ai muốn mặc vào bộ đồ kỳ cục có thể không nên gọi là áo dài. Các bạn mặc vì các bạn không nhận ra là nó không phù hợp, không đẹp.
Có thể những điều vừa nghe là lý do mà hàng chữ “áo dài cách tân” được ban tổ chức ghi vào ngoặc kép để mọi người không nhầm lẫn với những mẫu áo dài cũng được thiết kế theo kiểu cách tân nhưng không gây phản cảm hay tranh cãi như những bộ cánh tân thời kia.
Về chuyện nhất quyết loại bỏ “áo dài cách tân” khỏi Lễ Hội Áo Dài 2017, một thành viên ban tổ chức là họa sĩ kiêm nhà thiết kế Sĩ Hoàng ở Sài Gòn, trình bày:
Là một người hoạt động trong lãnh vực thiết kế gần 30 năm nay, tôi xin đính chính là tôi không phản đối vấn đề cách tân áo dài mà còn khuyến khích. Bởi lẽ trong lịch sử phát triển từ xưa đến nay thì đã có nhiều lần chiếc áo dài được cách tân. Qua từng thời kỳ áo dài tứ thân, áo dài năm thân, rồi áo dài Le Mur trong thập niên 1930 do công của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Sau đó tiếp tục có những lần cải tiến khoảng thập niên 50, áo dài hở cổ do đạo diễn Thái Thúc Nha vẽ kiểu và đã được một nhân vật quyền lực thời bấy giờ là đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân lăng xê.
Tiếp đó, cuối thập niên 50 thì được nhà may Dung Đa Kao cải tiến cho áo dài có tay raglan, làm thân trên của áo thẳng và không bị nhăn ở phần nách. Đến thập niên 60, 70 thì phong trào hippie từ Mỹ lan tràn khắp thế giới và Việt Nam lại có áo dài Ốp A máu sắc tươi trẻ, rực rỡ. Lúc ấy có hai tên là áo dài Mini ngắn trên đầu gối, tay cũng hơi ngắn mặc với quần tây. Kiểu thứ hai là áo dài Midi thì xẻ ở giữa như áo tứ thân. Hai kiểu này đang quay trở lại trong năm 2015 cho đến bây giờ. Sau đó thì phong trào áo dài vẽ và áo dài thổ cẩm. Như vậy rõ ràng bản thân áo dài đã có những sự cải tiến phú hợp với từng thời đại. Là người nghiên cứu về áo dài thì tôi rất khâm phục những lần cách tân trong quá khứ, vì vậy trong Lễ Hội Áo Dài lần này chúng tôi vẫn khuyến khích những kiểu cách tân mới cho phú hợp giai đoạn của thế kỷ XXI nhưng chúng tôi cương quyết không chấp nhận những kiểu áo mà nhiều người Tết vừa rồi, do không biết do thiếu thông tin, đã mặc và gọi đó là áo dài váy đụp.
Áo dài váy đụp là thời trang Trung Quốc
Chúng tôi đã tìm ra đó là kiểu áo thời trang mùa hè năm 2016 tại Trung Quốc. Do sự nhập hàng của những người buôn bán quần áo, họ đã dựng lên câu chuyện tên là “áo dài cách tân”.
-Nhà thiết kế Sĩ Hoàng
Tưởng cần biết khi đưa tin Lễ Hội Áo Dài 2017 không chấp nhận “áo dài cách tân” , báo chí trong nước cho hay ban tổ chức đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu và khẳng định rằng trang phục áo dài váy đụp là thời trang xuất phát từ Trung Quốc. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng:
Chúng tôi đã tìm ra đó là kiểu áo thời trang mùa hè năm 2016 tại Trung Quốc. Do sự nhập hàng của những người buôn bán quần áo, họ đã dựng lên câu chuyện tên là “áo dài cách tân”. Trong kinh doanh có câu nói: Người bán không nhầm chỉ có người mua nhầm”. Nhiều người trong dịp Tết mong muốn có cái áo dài vừa tiện lợi vừa cách tân vừa dễ mặc mà giá cả lại rẻ, thậm chí chưa đến 200.000 tiền Việt Nam, nên là người ta đã đón nhận một cách nhanh chóng như vậy.
Cốt lõi của chuyện áo dài váy đụp, ông Sĩ Hoàng phân tích tiếp, thực ra là sự mạo nhận:
Nhìn sâu xa hơn chúng tôi lo ngại ở khía cạnh văn hóa, đây là sự đồng hóa mà họ dùng người Việt để đồng hóa người Việt. Trong trách nhiệm của người được chọn làm cố vấn nghệ thuật cho Lễ Hội Áo Dài lần này, thứ hai nữa tôi cũng là giảng viên ngành thời trang tại đại học, thứ ba là một họa sĩ chuyên tâm vào việc thiết kế áo dài, hơn thế nữa tôi còn là chánh chủ khảo cuộc thi Duyên Dáng Á Dài dành cho người trẻ, chúng tôi cương quyết loại bỏ kiểu áo mạo danh áo dài Việt Nam là vì thế.
Với câu hỏi áo dài thiết kế theo kiểu mới, tức là cách tân, thì đến mức độ nào mới có thể được chấp nhận, ông Sĩ Hoàng trả lời:
Vẫn chấp nhận những trường phái cách tân nhưng chỉ được phép trong phạm vi tối đa là 30% và vẫn phải giữ được cái tinh thần, cái hồn của áo dài, đó là duyên dáng, lịch sự, thanh nhã. Trong đêm khai mạc hoặc những phần trình diễn sau đó, dù có mời các nhà thiết kế tham gia nhưng chúng tôi đều phải đề nghị họ gởi mẫu để chúng tôi xem có phù hợp hay không. Tất cả những mẫu thiết kế đã được duyệt qua và chuẩn bị trình diễn trong đêm khai mạc. Lễ Hội Áo Dài không rời xa giá trị truyền thống, tại vì đây là một lễ hội văn hóa mà trong đó áo dài Việt Nam là biểu tượng.
Trả lời Thanh Trúc qua điện thư, hai bạn sinh viên năm hai Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Phương Thảo và Trang Vân, cho rằng áo dài váy đụp hay áo dài quần cụt chỉ là kiểu thời trang bạo phát bạo tàn vì thực tế không đẹp mắt mà lại còn bị chỉ trích chê bai một cách gay gắt. Riêng bạn Trang Vân thì xác nhận bị mẹ cấm mặc vì cho là giống y phục của những người nô tì thời phong kiến bên Trung Hoa.
Trở lại với Lễ Hội Áo Dài 2017, sẽ được tổ chức ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ của Sài Gòn, ngoài những bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng trong nước, còn có những tiết mục văn học nghệ thuật như dân ca, hòa tấu nhạc cụ dân tộc vân vân. Những điểm khác biệt nữa của năm nay được nghê nhân áo dài Sĩ Hoàng cho biết:
Đêm khai mâc là lúc 18 giờ ngày 3 tháng Ba, ngày 5 là chung kết cuộc thi Duyên Dáng Áo Dài, dự thi là sinh viên học sinh, là những người đi làm những công việc bình thường trong xã hội chứ không phải cuộc thi dành cho những người đẹp hoặc người mẫu. Chọn những người mặc áo dài đúng và đẹp trong công chúng để cho mọi người thấy rằng trong lịch sử áo dài Việt Nam đã có những lần cách tân áo dài rất thành công. Đó là định hướng để cho thế hệ trẻ Việt Nam và những nhà thiết kế trẻ Việt Nam theo đó để có những sáng tạo mới của mình cho nó đúng đắn.
Đêm bế mạc ngày 17 tháng Ba tại Game Center thì có các phu nhân của các đại sứ quán và lãnh sự quán ngoại quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có phần trình bày áo dài của các vị phu nhân đó.
Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi, nói không với áo dài cách tân và nỗ lực bảo tồn nét đẹp truyền thống của áo dài cách điệu bằng Lễ Hội Áo Dài nghiêm túc xin được chấm dứt ở đây. Thanh Trúc kính chào và hẹn trở lại thứ Năm tuần tới.
No comments:
Post a Comment