Hơn 1,500 công nhân công ty Đại Nghĩa vẫn tiếp tục đình công trong ngày 2 tháng 3. Ảnh: Dân Việt
1,500 công nhân công ty may xuất cảng Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã liên tục đình công từ 3 ngày qua. Tuy nhiên, cho đến nay họ vẫn chưa nhận được những lời giải thích thỏa đáng liên quan đến những nghi án gian lận trong việc thu tiền thiện nguyện lập quỹ một cách mờ ám.
Cuộc đình công kéo dài từ ngày 28/2 cho đến ngày 2/3, nhưng công nhân vẫn chưa nhận được trả lời từ ông Đỗ Văn Chiến-Chủ tịch Công đoàn Công ty May Đại Nghĩa- cùng những lãnh đạo khác.
Theo những yêu sách của các công nhân, họ đòi chủ tịch công đoàn và lãnh đạo công ty phải công khai các khoản thu, từ tiền thu công đoàn, tiền thu từ tiền lương cho đến các khoản thu để làm quỹ tấm lòng vàng. Các khoản tiền này đã được công ty thành lập từ năm 2014, trong đó có khoản tiền 10,000 đồng (0,4 Mỹ kim) của hơn 1,500 công nhân để lập quỹ tấm lòng vàng. Mặc dù hàng tháng đều thu từ tiền lương của công nhân, nhưng công đoàn công ty không chịu công khai sổ sách thu chi và ai đang nắm giữ số tiền này.
Một công nhân của công ty cho biết, ngay cả đến tiền phạt mỗi khi họ phạm lỗi cũng không biết tiền đó đi đâu. Với số tiền 10,000 đồng hàng tháng của 1,500 người trong vòng 3 năm liên tục sẽ rất lớn. Đó đều là tiền từ mồ hôi, cực nhọc của các công nhân. Các công nhân đề nghị, nếu nó không được dùng đúng mục đích, phải trả lại cho họ.
Ngay trong ngày đầu tiên đình công (28/2), Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã lập đoàn thanh tra, để cùng lãnh đạo công ty đối thoại với các công nhân. Chẳng hiểu sao công nhân vẫn chưa nhận được cậu trả lời từ phía công đoàn và lãnh đạo.
Về phía chính quyền huyện Mỹ Đức cho hay, 1,500 công nhân đình công trong khuôn viên của công ty, lại không hề gây ra kẹt xe hay hỗn loạn, nên họ chỉ có thể huy động lực lượng công an đến bảo đảm trật tự.
Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Đức nói rằng, họ có lập phái đoàn đến làm việc với các công nhân. Nhưng vụ đình công không phải do lương thấp hay điều kiện lao động không được bảo đảm, đây chỉ là vấn đề nội bộ của công ty, nên Liên đoàn không được đụng đến sổ sách, hồ sơ.
Ở Việt Nam, công đoàn nhà nước xưa nay không đồng hành cùng công nhân, mà đồng hành cùng doanh nghiệp. Cho dù chính công nhân hàng tháng đều phải đóng tiền phía công đoàn. Chưa có bất kỳ cuộc đình công đòi quyền lợi nào của công nhân tại Việt Nam được khởi xướng bởi công đoàn. Những vị chủ tịch công đoàn lợi dụng chức vụ, kết hợp với lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên chèn ép, bắt chẹt công nhân để trục lợi.
Cho đến nay, mọi hình thức công đoàn độc lập đều bị nhà nước CSVN trù dập, cấm đoán.
Ngọc Quân/SBTN
No comments:
Post a Comment