Monday, February 6, 2017

Việt Nam không phản đối dự án thủy điện Pak Beng

Đoạn sông Mekong ở Lào, nơi thủy điện Pak Beng được xây. (Hình: VOISHMEL/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổ chức Sông Ngòi Quốc Tế (International Rivers-IR) xem việc Ủy Hội Sông Mekong (MRC) khởi động Quy Trình Thông Báo – Tham Vấn Trước và Thỏa Thuận (PNPCA) với đập Pak Beng là vô trách nhiệm.
MRC là một tổ chức liên chính phủ bao gồm đại diện của Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan, được thành lập nhằm phối hợp quản trị và thúc đẩy phát triển các tài nguyên của sông Mekong một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia có liên quan.
Văn kiện nền tảng cho hoạt động của MRC là Hiệp Định Mekong được ký kết năm 1995. Theo hiệp định này thì bất cứ hoạt đông nào tác động đến Mekong cũng phải thực hiện PNPCA.
Tháng Mười Một năm ngoái, Lào gửi dự án xây dựng thủy điện Pak Beng cho MRC. Sau đó, MRC bắt đầu vận hành PNPCA trong vòng sáu tháng.
Pak Beng là dự án thủy điện thứ ba trong tổng số 11 dự án thủy điện của Lào trên sông Mekong.
Theo tính toán của giới khoa học, những dự án thủy điện mà Trung Quốc rồi sau đó đến Lào thi nhau xây dựng trên sông Mekong trong hai thập niên vừa qua sẽ hủy diệt dòng sông này và tác động đến sinh hoạt, sinh kế của khoảng 60 triệu người cư trú ở khu vực hạ lưu Mekong. Trong đó, thiệt hại của Việt Nam là trầm trọng nhất.
Hiện nay, tác động của các đập thủy điện trên sông Mekong đến Việt Nam đã rất rõ ràng: Đồng bằng sông Mekong thiếu lũ, thiếu phù sa, độ màu mỡ giảm, nước ngọt khan hiếm, nước mặn xâm lấn càng ngày càng sâu, chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng, nông dân phải dùng thêm phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật nên xuất cảng nông sản khó khăn hơn.
Trước thông tin Lào gửi dự án xây dựng thủy điện Pak Beng cho MRC, ông Nguyễn Hữu Thiện, cựu trưởng nhóm tư vấn và đánh giá tác động môi trường hệ thống đập trên sông Mekong, cho biết, khi khô hạn, đập chắn nước của thủy điện Pak Beng sẽ cùng với đập chắn nước của các thủy điện khác làm nước về đồng bằng sông Mekong chậm thêm vài tháng, hạn hán và nước mặn xâm nhập vào đồng bằng sẽ trầm trọng hơn. Pak Beng cũng sẽ làm lượng phù sa, các chất hữu cơ, tôm cá giảm nhiều hơn. Đặc biệt, nếu thiếu phù sa sẽ không thể có giải pháp nào hữu hiệu để ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng.
Ông Lê Anh Tuấn, viện phó Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của Đại Học Cần Thơ, nhận xét, Pak Beng là bằng chứng cho thấy Hiệp Định Mekong thiếu hiệu quả, MRC thì bất lực. Cùng với các đập chắn nước của các dự án thủy điện khác, Pak Beng sẽ cắt đứt tính liên tục của dòng chảy sông Mekong, đẩy các quốc gia ở hạ nguồn tới sự thiếu hụt nguồn nước, nguồn phù sa, nguồn cá và các nguồn sống của nhiều hệ sinh thái khác.
Đến giờ, PNPCA chỉ là một công đoạn có tính thủ tục. Chưa chuyển cho MRC thực hiện PNPCA, nghĩa là chưa nghe tham vấn, chưa bàn bạc để tìm sự đồng thuận, chính phủ Lào đã cấp giấy phép cho công ty Datang của Trung Quốc đầu tư thực hiện Pak Beng.
Lào đã từng gạt bỏ mọi khuyến cáo của các chuyên gia môi trường, yêu cầu của MRC để thực hiện hai dự án thủy điện Xayaburi và Don Sahong. Cũng vì vậy, các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế cùng cho rằng, MRC phải xem lại toàn bộ cách thức phối hợp quản trị và thúc đẩy phát triển các tài nguyên của sông Mekong một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia có liên quan.
Đó cũng là lý do IR hết sức thất vọng khi MRC chưa đặt định một giải pháp mới, hữu hiệu hơn PNPCA đã khởi động PNPCA do Lào chuyển tới.
Đáng ngạc nhiên là chính quyền Việt Nam, một thành viên của MRC, không có bất kỳ ý kiến nào trước vấn đề mang tính sống còn đối với chính quốc gia của mình. Tương lai của sông Mekong vẫn là chuyện của các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế! (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment