ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Người dân xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, phản ứng một doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng đang xúi dân phá lúa để lấy đất cho thuê làm dự án trồng sen “có nhiều biểu hiện rất bất thường…”
Báo Tuổi Trẻ ngày 4 Tháng Hai dẫn lời người dân xã Tân Hội Trung cho biết, cách đây vài tháng công ty sen Hoàng Giang, do ông Trần Văn Hòa làm giám đốc, đại diện “một công ty ở Hà Nội” “xúi” người dân phá bỏ lúa dù gần đến ngày thu hoạch, đưa người Trung Quốc đến làm việc, đặc biệt là đưa sinh vật ngoại lai, nguy hại vào nuôi trồng.
Tin cho biết, khoảng Tháng Tư, 2016, những cánh đồng lúa đang sắp vào ngày thu hoạch thì một số gia đình đột nhiên phá bỏ ruộng lúa lập tức theo yêu cầu của doanh nghiệp trên đã chấp nhận thuê đất giá cao và bồi thường thiệt hại cho việc phá lúa.
“Doanh nghiệp chịu bồi thường 10 tấn/ha, với giá bán thị trường thời điểm này là 6,000 đồng/kg. Doanh nghiệp nói cần gấp để lấy đất trồng sen, thời hạn ba năm, giá khoảng 3.5 triệu đồng/công/năm,” một người dân cho biết.
Theo ông Võ Trung Kiên, phó Phòng Nông Nghiệp huyện Cao Lãnh, cho biết, doanh nghiệp Hà Nội này đến huyện thuê khoảng 20ha để trồng sen lấy ngó xuất khẩu. “Bên phòng có đề nghị chờ thu hoạch lúa rồi hãy thuê đất, nhưng họ nói cần đất sớm, nếu không có đất thì họ đi nơi khác. Chúng tôi đang khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên để họ tự thỏa thuận với nông dân,” ông Kiên nói với báo Tuổi Trẻ.
Ngoài chuyện yêu cầu nông dân phá lúa để thuê đất, Tháng Mười Một, 2016, người dân phát hiện trong ruộng của doanh nghiệp nói trên thả nuôi tôm hùm đỏ (Procambarus clarkii), gốc Nam Mỹ, có thể nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
“Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng có thể chịu đựng khô hạn đến bốn tháng và vòng đời có thể kéo dài đến sáu năm, đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người,” ông Phạm Minh Chí, phó Phòng Thanh Tra Chi Cục Thủy Sản tỉnh Đồng Tháp giải thích.
“Do tôm đã phát tán ra môi trường nên chi cục kiến nghị địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn không cho tôm ra ngoài môi trường,” ông Chí cho biết thêm.
Thế nhưng, nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Hòa, cho rằng: “Tôi không biết con tôm này không được phép nuôi. Có người bạn ở ngoài Bắc họ cho tôi 4kg nói là nuôi ở miền Nam sẽ mập và ăn ngon hơn, nên tôi đem về nuôi thử.”
Khi đặt vấn đề con tôm ăn gì thì ông Hòa lại trả lời là không biết chúng ăn gì. Còn việc tôm của ông Hòa phát tán ra môi trường xung quanh thì ông đổ cho người dân vào bắt trộm.
“Do tôm đã phát tán ra môi trường nên chi cục kiến nghị địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn không cho tôm ra ngoài môi trường,” ông Chí cho biết thêm.
Nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hùm, phó chủ tịch xã Tân Hội Trung, cho biết, ngoài nuôi giống tôm hùm đỏ, giống sen do doanh nghiệp của ông Hòa trồng tại địa phương cũng không rõ nguồn gốc, không giống với sen bản địa.
“Cái khó là sen của ông Hòa trồng đều… chết hết. Họ đầu tư thuê đất và xây nhà xưởng với số tiền khoảng 10 tỷ đồng nhưng sau một năm vẫn chưa thu được đồng nào từ việc trồng sen,” ông Hùm nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng công an huyện Cao Lãnh, trước đó có một số người Trung Quốc đến làm việc tại cơ sở của ông Hòa nhưng sử dụng visa du lịch. “Sau bổ sung các loại giấy tờ và hoàn thành thủ tục cần thiết, đến thời điểm này họ vẫn làm việc, chưa thấy có gì bất thường,” ông Hải cho biết thêm.
Ngày 5 Tháng Hai, Sở Nông Nghiệp tỉnh Đồng Tháp cùng các ngành chức năng tỉnh đến công ty sen Hoàng Giang “kiểm tra quá trình hoạt động” của công ty này. Tuy nhiên, không có bất cứ đại diện nào của doanh nghiệp này có mặt ở đây để tiếp đoàn. Theo người dân sống gần đó, ông Hòa và các lao động Trung Quốc đã rời khỏi địa phương từ trước Tết, rất có thể họ về quê ăn Tết. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment