Blogger-nhà hoạt động Trần Minh Nhật vừa bị chính quyền Việt Nam ra lệnh truy nã khi đang chịu án quản chế sau 4 năm tù giam về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhưng blogger này nói ông phản đối điều này vì ông đã được bỏ án quản chế trong phiên tòa phúc thẩm.
Trần Minh Nhật là một trong số 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị Việt Nam tuyên án vào năm 2011 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79. Ông Nhật bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Ông được phóng thích khỏi nhà tù vào ngày 27/8/2015.
Không cung cấp văn bản tuyên án
Ngày 3/10/2017, nhà hoạt động Trần Minh Nhật nói với VOA rằng ông chỉ mới biết tin mình bị truy nã qua các phương tiện truyền thông báo chí, trong khi lệnh này đã được ban hành từ ngày 4/8.
“Tôi cũng bất ngờ. Họ nói tôi vi phạm án quản chế vì tôi còn 3 năm quản chế. Theo án, tôi bị 4 năm tù và 3 năm quản chế. Tòa sơ thẩm nói như vậy. Nhưng qua phúc thẩm, họ đã bỏ án cho tôi rồi. Tôi đã yêu cầu trích lục phiên tòa và các giấy tờ liên quan để chứng minh tôi không bị án quản chế, nhưng họ không chấp nhận”.
Trần Minh Nhật cho biết trong suốt thời gian thụ án, ông đã nhiều lần yêu cầu được nhận văn bản bản án phúc thẩm của mình, nhưng yêu cầu này đã không được đáp ứng.
“Họ không cấp cho tôi biên bản phiên tòa. Phiên tòa sơ thẩm thì có, nhưng phúc thẩm thì họ không cho. Đó là một việc trái pháp luật. Sau này họ vẫn cứ quyết định tôi bị 3 năm quản chế. Điều này thì tôi phản đối”.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Trần Minh Nhật trước đây xác nhận việc cung cấp biên bản án phúc thẩm là một trong những quyền lợi của bị cáo. Ông nói thêm rằng theo quy định, luật sư không được cung cấp văn bản của bản án phúc thẩm nên ông không thể xác nhận việc Trần Minh Nhật có bị án quản chế hay không.
“Bản án phúc thẩm người ta không gửi cho tôi nên tôi không xác nhận được. Có nhiều trường hợp người ta tuyên án tại tòa một đằng, nhưng khi ra bản án lại khác đi với lúc tuyên án. Trường hợp đó có xảy ra nên phải căn cứ vào bản án viết trên văn bản thôi”.
Liên tục bị sách nhiễu
Mặc dù không chấp nhận án quản chế, nhưng Trần Minh Nhật nói sau khi ra tù, ông luôn chấp hành quy định của chính quyền đối với người bị án quản chế. Mỗi khi có việc phải ra khỏi địa phương như đi chữa bệnh, nhận bằng tốt nghiệp…, ông đều thông báo cho cơ quan quản lý.
Nhưng trong thời gian 2 năm qua, ông Nhật liên tục bị sách nhiễu, đánh đập gây thương tích nặng nề. Việc trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông ở Lâm Đồng bị ném đá, phá hoại gây thiệt hại nghiêm trọng. Thậm chí nhà của ông còn bị phóng hỏa vào cuối năm ngoái. Vì lý do này, Trần Minh Nhật đã quyết định rời khỏi nơi cư trú.
“Nhà cầm quyền cố gắng tối đa để hạn chế khả năng hoạt động của tôi. Hơn hết, đó là việc tước đoạt quyền sống một cách bình thường, bình yên trong xã hội. Đã rất nhiều lần nhà cầm quyền Cộng sản tấn công, sách nhiễu, đánh đập, phá hủy kinh tế gần như cạn kiệt của gia đình tôi. Tất cả các biện pháp đó nhằm mục đích là bẻ gãy ý chí của tôi. Tôi phản đối tất cả những hình thức này, bởi vì về mặt pháp lý, tự nó cũng đã là sai, và còn có yếu tố phi nhân”.
Trước Trần Minh Nhật, 2 trong số nhóm thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị án tù là Nguyễn Văn Oai và Thái Văn Dung cũng bị chính quyền Việt Nam phát lệnh truy nã theo Điều 304.
Nhà hoạt động Trần Minh Nhật nói việc Việt Nam phát lệnh truy nã các cựu tù nhân chính trị đã tạo ra một tiền lệ xấu và cho thấy nỗi sợ hãi của chính quyền:
“Một nỗi e sợ thực sự, đặc biệt trong vụ án của tôi. Họ không còn cách nào khác vì chúng tôi không dễ gì để bị bắt vì những tội khác, nên họ tìm những lý do rất mơ hồ để quy chụp cho mình một cái án. Với lệnh truy nã này, nó gần như một thòng lọng dành cho bất kỳ ai. Bởi vì chỉ cần đi ra khỏi nơi ở của mình là đã có thể vi phạm tội này. Đây là một cách thức mới mà nhà cầm quyền Cộng sản muốn dùng để triệt hạ và làm gương cho các nhà hoạt động khác”.
Phúc trình của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hồi tháng 6 vừa qua nói các nhà hoạt động vì nhân quyền, các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam “không chốn dung thân”. Trần Minh Nhật là một trong số những trường hợp được nêu ra trong phúc trình. HWR cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt việc trấn áp các nhà hoạt động và nghiêm trị những kẻ tấn công, gây thương tích cho các nhà hoạt động.
No comments:
Post a Comment