Viết Từ Sài Gòn
Theo RFA-2017-09-30
Đi tặng quà tết đêm ở Hà Nội cho người nghèo Courtesy of Tuấn (Quỹ Thiện Nguyện)
Bởi mặt đất thì bao la, lồi lõm và chênh vênh, bởi địa cầu cũng là một sinh thể bay lơ lững trong vũ trụ như một hạt bụi, nên con người đứng trên mặt địa cầu cũng chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi và cô đơn, nên người ta cảm được cái đau của mình và của người, mà san sẻ, chìa tay ra giúp đỡ nhau. Nhưng cũng bởi thân phận con người quá nhỏ nhoi, dễ tổn thương và dễ quị ngã, nên cũng mau chóng sa chân lún sâu vào chính nỗi đau hay thân phận của mình.
Sự chia sẻ giữa con người và con người dưới cái tên nghe rất ư đẹp và lành tính là Từ Thiện luôn cần tồn tại nhưng đồng thời cũng có mặt trái của nó, khiến cho con người vốn nhỏ bé càng trở nên nhỏ bé hơn. Vì sao?
Vì nếu như việc từ thiện chỉ đến rồi đi như một tiếng nấc của tâm hồn, khi bạn thấy ai đó đau khổ, thiếu trước hụt sau, tâm hồn bạn nấc lên một tiếng đau và bạn không ngần ngại, không suy nghĩ gì nhiều, bạn cảm thấy mình phải chia sẻ. Và bằng sự ân cần, tôn trọng, thậm chí kính cẩn trước nỗi đau, nỗi ngặt nghèo của người khác, bạn chia sẻ với người đó, hoàn cảnh đó. Thậm chí, bạn kêu gọi bằng hữu, thân quyến giúp đỡ người đó và khi mọi việc tạm ổn, câu chuyện từ thiện của bạn cũng chấm dứt.
Bởi bạn tôn trọng người đã nhận giúp, bạn xem họ là một người đồng đẳng, bạn không thể tiếp tục giúp và tự xem mình là một ân nhân cũng như để người khác tôn kính mình như một ân nhân hay một “vị cứu thế”, một “bồ tát”. Bởi một khi người nhận từ thiện cúi xuống, tự xem họ là người chịu ơn và bạn là một ân nhân, một bề trên, mọi việc đã bắt đầu đi ngược chiều.
Tôi là người tương tác việc từ thiện không ít, có những lúc tôi cũng rớt nước mắt mặc dù tôi là đàn ông, và có những lúc tôi thở dài bởi vô hình trung, việc từ thiện của tôi và ai đó đã giết chết một vài số phận. Mà đáng sợ nhất là tôi nhận ra hầu hết việc từ thiện triền miên, kéo dài chỉ diễn ra ở những nước độc tài, những quốc gia mà chỉ số tham nhũng cao ngất và chính phủ tự cho phép họ làm từ thiện.
Bạn cũng có thể lập luận rằng bởi vì quốc gia đó nghèo khổ, có chính phủ tồi tệ nên người dân đói khổ, bạn cần phải đồng hành với người nghèo, và việc chính phủ đồng hành với người nghèo là tốt đẹp. Không! Bạn đã mắc sai lầm vì suy nghĩ này, bởi giữa kiểu làm việc bòn rút tài sản quốc gia, vắt cùng vơ tận đề rồi ném ra vài đồng cho người nghèo trên danh nghĩa hỗ trợ, cho không hay nói cách khác là từ thiện với kiểu làm việc hết lòng vì người dân, vì sự công bằng và thanh sạch trong xã hội, vì một quốc gia cường thịnh, nhà nhà đều đầy đủ cơm áo và sống văn minh, hiểu biết… Thì các nhà cầm quyền độc tài đã chọn hướng thứ nhất.
Họ vắt đến tận cùng tài nguyên quốc gia vào túi riêng, thậm chí vắt cả mồ hôi, xương máu của người dân thông qua những đợt tăng thuế. Để rồi sau đó, những người dân suốt đời quần quật trong lam lũ, đầu tắt mặt tối, chẳng có cơ hội để hiểu biết tình cờ nhận được những đồng tài trợ, từ thiện, hỗ trợ… của chính phủ, họ lại thấy mang ơn chính phủ và tin rằng mình đã sống trong một chính phủ tuyệt vời, biết lo cho dân.
Sau cái đói và khó khăn triền miên, nhận được một ít tiền (nhưng đối với người nghèo là quá lớn), có thể mua một thứ gì đó để ăn cho đã thèm, họ cảm thấy chính phủ, nhà nước quá tốt đẹp, quá vĩ đại, nhờ chính phủ, nhà nước mà họ có được bữa no, bữa ngon… Chính cái nếp nghĩ đầy bi thảm của những người trải quá quá nhiều thảm khổ này cộng hưởng mà tạo nên một sinh quyến nặng nề, u ám và bất lực. Một chính phủ tốt phải bằng mọi giá tạo điều kiện để người dân có cơ hội mà lao động, sáng tạo và hưởng thụ. Ngược lại, một chính phủ xấu xa sẽ thâu tóm mọi thứ để rồi thi thoảng ném cho một chút để trét miệng, người ta sẽ lún dần vào thân phận nhược tiểu…
Và có một thực tế khác là hiện tại, ở Việt Nam có rất nhiều các nhà hoạt động từ thiện, họ làm việc say sưa, hết mình, không vụ lợi (trừ một số kẻ lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi, quảng cáo thương hiệu hoặc kiếm ăn). Nhưng có vẻ như thật sự khó khăn cho cả người làm từ thiện và người nhận từ thiện. Cái khó khăn nằm ở chỗ người làm từ thiện cũng phải thỏa hiệp và chạy đua với chính phủ trong việc làm từ thiện.
Cho dù họ không nói ra hoặc không nhìn thấy nhưng rõ ràng, họ phải làm từ thiện hợp pháp. Nhưng bản thân hai chữ Từ Thiện không thể là phi pháp thì làm sao lại phải đặt nó vào tình huống hợp pháp hay không? Và việc làm từ thiện song hành với những gói tài trợi rót từ chính phủ, nhà nước đến một bộ phận dân cư nào đó nhanh chóng đẩy bộ phận dân cư đó đến chỗ thụ động nhận sự ban cho của người khác và có khi lại phát triển theo hướng thụ động chờ từ thiện, giữ cái nghèo để chờ từ thiện.
Vì sao? Vì khi mà mọi cơ hội để kiếm sống bị đóng chặt, người nông dân liên tục bị nhân họa khi mùa màng của họ bị các thủy điện xả đập gây hư hại, heo gà trâu bò bị chết, tài sản bị trôi… Sự mất mất mát quá lớn. Khi mà ngư dân không còn biển để đánh bắt, ra khơi thì bị Trung Quốc bắn giết, cướp bóc, vào bờ thì biển không còn cá để đánh bắt, mà có bắt được thì hải sản cũng đã nhiễm độc, cơ hội sống, tồn tại bị bít lối. Khi mà các dân tộc thiểu số sống từ đời này sang đời khác giữa đại ngàn nhưng đến cây củi họ cũng không được phép lấy, đất không có để canh tác, gỗ rừng quí hiếm lọt vào túi giới chức. Khi mà người lao động Việt Nam bị rẻ rúng như con vật lấy thịt ở ngay trong nước và nước khác… Thì liệu người thấp cổ bé miệng sẽ sống ra sao?
Lúc này, gói quà từ thiện, đồng tiền từ thiện sẽ giống như sự cứu rỗi ngắn ngủi. Và người dân lại tiếp tục chờ đời những sự cứu rỗi tiếp theo, họ phải so đo giữa việc cố gắng, lao động cật lực để mua cái bàn, cái giường, cái tủ, chịu đói để mua sắm của bản thân có khi lại không bằng ai đó đói kém, không biết làm gì mà lại được người khác cho cả cái nhà! Bởi thân phận đã bị đẩy xuống bước đường cùng, người ta không đủ tỉnh táo để suy nghĩ về danh dự của đồng tiền kiếm được mà không cần so sánh với đồng tiền được cho!
Hơn nữa, trong xã hội mà những kẻ được người lao động cho rằng có danh dự, mẫu mực là giới quan chức lại là kẻ dùng những đồng tiền dơ bẩn nhất và chẳng có chút danh dự nào. Điều này sẽ kéo theo hệ lụy người ta không còn nhớ danh dự là gì, miễn sao có tiền, bởi tiền mang lại quyền, kể cả cái quyền áp chết và lấy mất danh dự của người khác. Nếu tiền được cho mà nhiều hơn tiền phải làm ra thì tại sao phải làm? Điều này lý giải tại sao có nhiều người, nhiều gia đình nhận từ thiện từ năm này sang năm khác mà vẫn nghèo khổ và có nhiều người làm từ thiện từ năm này sang năm khác bỗng dưng trở thành kẻ hợm hĩnh, lố lăng.
Dù sao, lòng tốt, tình yêu thương giữa người với người là cần thiết, là không thể mất. Và nếu thực tâm từ thiện, thì bạn nên nghĩ đến việc đừng lấy hay mua của ai đó một miếng đất, một cái chén cổ, một cái cây gỗ quí với giá rẻ mạt, bán ra với giá cao ngất để rồi mang đến cho người ta vài đồng trong khối tiền kiếm được, người ta lại phải mang ơn bạn. Từ thiện kiểu này là một thứ từ thiện đánh tráo khái niệm và tàn nhẫn, chẳng đúng bản chất của từ thiện. Nhưng chính phủ đã làm vậy và nhiều người trong chúng ta cũng đã làm như vậy!
Cũng như chính phủ không cần phải tài trợ cho người đồng bào thiểu số, mà hãy trả rừng cho họ, trả gỗ quí trong rừng lại cho họ, bắt tất cả những quan chức lạm dụng gỗ quí và dạy cho người thiểu số hiểu được giá trị của rừng cũng như cách ứng xử với rừng hợp pháp, hợp tự nhiên thì họ cần gì vài đồng lẻ của chính phủ rót tới? Với ngư dân hay mọi thành phần trong xã hội cũng vậy thôi, họ cần cây cần câu, kĩ thuật câu hơn là những con cá vụn của ai đó ban cho sau khi đã lấy mất cần câu của họ. Một đất nước mà hoạt động từ thiện càng nhiều thì tâm tính con người càng trở nên ủy mị, cải lương và thân phận người dân trở nên nhược tiểu, nhỏ nhoi bởi suy nghĩ của họ bị quanh quẩn trong miếng ăn thụ động thì lấy đâu ra sáng tạo hay phẩm hạnh, danh dự?!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment