Wednesday, October 4, 2017

Việt Nam: ‘Bóc ngắn cắn dài,’ nợ công đầy rủi ro

Nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội đếm các đồng đô la Mỹ. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nếu cứ tiếp tục chi tiêu kiểu bóc ngắn cắn dài như hiện nay, nợ công của Việt Nam sẽ “có thể mất bền vững ngay cả với những cú sốc nhẹ,” theo một phúc trình của Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Bộ Tài Chính.
Thông Tấn Xã Việt Nam thuật lại nội dung của “Báo cáo đánh giá chi tiêu công” của Việt Nam vừa được Bộ Tài Chính và WB công bố sáng 3 Tháng Mười.
Mặc dù “vẫn trong ngưỡng Quốc Hội đặt ra (dưới 65% GDP)” nhưng báo cáo của WB và Bộ Tài Chính chỉ ra, nếu bội chi ngân sách vẫn được duy trì như hiện nay, thì tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần. Trước đó, trong hai năm liên tiếp 2015 và năm 2016, tỉ lệ bội chi đều vượt ngưỡng 5% GDP.
“Khi chúng tôi làm việc với Sở Tài Chính các địa phương, thông tin cơ bản về vay nợ họ không nắm được, kể cả các nguồn như ODA, khoản cho vay lại… Đây là công tác cần đổi mới,” bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp WB, một trong những thành viên soạn thảo phúc trình được dẫn lời nhận định.
Nợ công của Việt Nam liên tục tăng cao hơn năm sau nhiều hơn năm trước, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong năm năm qua). Phúc trình của WB và Bộ Tài Chính nói rằng nếu bội chi ngân sách vẫn cứ tiếp diễn như hiện nay, tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần mà nhà cầm quyền đề ra là 65%.
Vì tình trạng “bóc ngắn cắn dài, thu không đủ chi” nên nhà cầm quyền trung ương phải vay nợ, trong hai năm liên tiếp 2015 và năm 2016, tỉ lệ bội chi của ngân sách Việt Nam đều vượt quá 5% GDP.
Hai tuần trước, Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng từng kêu ca, ngân sách nhà nước phần lớn được dùng để nuôi một guồng máy cồng kềnh và cả những người nghỉ hưu tổng cộng đến 11 triệu người. Con số này mỗi ngày một nhiều thêm lên, bởi vậy “ngân sách thậm chí sẽ khó đáp ứng được trong khoảng 5-7 năm nữa.”
Ông Dũng phát biểu như vừa kể tại khai mạc “Diễn đàn tài chính Việt Nam 2017” do Bộ Tài Chính và Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 21 Tháng Chín tại Hà Nội.
Theo ông Dũng “nhu cầu chi ngân sách đang không ngừng tăng, vượt qua khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối ngân sách nhà nước khó khăn.” Nói khác “cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, trong khi tỉ trọng chi thường xuyên tăng cao, chỉ đầu tư phát triển giảm.”
Phát biểu trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX), đưa ra con số thống kê, chi ngân sách năm 2016 đã tăng tới 10 lần so với năm 2001 về giá trị tuyệt đối. Theo ông, tỉ lệ chi đầu tư phát triển giảm từ hơn 31% năm 2001 xuống 25.1% năm 2016 thì chi thường xuyên lại leo ngược lại (từ 55.16% tổng chi năm 2001 lên 65.75% tổng chi năm 2016).
Nhà cầm quyền Hà Nội đang tính toán chuyện tăng thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác nhằm bù đắp cho lỗ hổng ngân sách ngày càng lớn hiện bị rất nhiều chuyên gia kinh tế tài chính phản bác. Họ cho rằng đẩy gánh nặng chi tiêu ngân sách sang cho dân quá mức chịu đựng có thể dẫn đến những hệ quả không lường trước được. (TN)

No comments:

Post a Comment