Thursday, June 22, 2017

‘Giao lưu cấp cao biên giới Việt-Trung lần thứ 4’ bất ngờ bị hủy bỏ

Thượng Tướng Phạm Trường Long (trái), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, và Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, ủy viên Bộ Chính Trị, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, gặp nhau chiều 18 Tháng Sáu tại trụ sở Bộ Quốc Phòng Việt Nam. (Hình: Báo điện tử VietNamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Sự kiện giao lưu cấp cao biên giới Việt-Trung lần thứ 4” dự trù từ ngày 20 đến 22 Tháng Sáu với sự chủ trì của giới chức quân sự cấp cao hai nước không diễn ra như đã được loan báo.
Ngày 18 Tháng Sáu, Thượng Tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, dẫn đầu một đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Trung Quốc “thăm và làm việc” tại Việt Nam đến ngày 20 Tháng Sáu.
Ngay sau đó, ông Long và phái đoàn đi tới vùng biên giới, đồng chủ tọa với Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, các “Sự kiện giao lưu cấp cao biên giới Việt-Trung lần thứ 4.”
Năm nay, sự kiện được tổ chức ở vùng biên giới thuộc hai tỉnh Lai Châu của Việt Nam và Vân Nam của Trung Quốc mà Thông Tấn Xã Việt Nam ca ngợi rằng “nhằm xây dựng tình cảm hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền địa phương, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, qua đó tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hai nước, hai quân đội phát triển ổn định, bền vững; góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của hai nước về biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển lâu dài.”
Tuy nhiên, sau những cuộc họp và tiếp xúc giữa phái đoàn ông Long với các lãnh đạo chính trị quân sự cao cấp nhất của Việt Nam vào ngày 18 Tháng Sáu, không hề thấy có tin tức gì được hệ thống báo đài hai nước viết gì về sự kiện giao lưu cấp cao này.
Trong khi truyền thông của phía Việt Nam không nói gì về sự kiện này, thì Bộ Quốc Phòng Trung Quốc phổ biến một bản thông báo cho biết “sự kiện giao lưu biên giới Việt-Trung” bị hủy bỏ với “lý do liên quan về phối hợp hoạt động.”
Ba ngày trước đó, tức ngày 18 Tháng Sáu, Thông Tấn Xã Việt Nam có bốn bản tin khác nhau tường thuật bốn cuộc tiếp xúc và “làm việc” của phái đoàn ông Phạm Trường Long với các ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư đảng CSVN, Trần Đại Quang – chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng và Ngô Xuân Lịch – bộ trưởng Quốc Phòng.
Nhiều phần, lý do dẫn đến sự hủy bỏ “sự kiện giao lưu biên giới” cấp cao giữa quân đội Việt Nam-Trung Quốc là hậu quả từ lời tuyên bố của ông Phạm Trường Long cả quyết chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là “từ thời cổ xưa” được thuật lại trên bản tin Anh Ngữ của báo Quân Đội Trung Quốc (ChinaMil) điện tử.
“Tướng Phạm Trường Long tái khẳng định lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề biển Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông) và nhấn mạnh rằng các đảo tại Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ xưa.” Nguyên văn đoạn tin trên báo ChinaMil: “General Fan Changlong reaffirmed China’s stance on the South China Sea issue, and stressed that the South China Sea islands are Chinese territory since ancient times.”
Không thấy báo chí của Việt Nam tường thuật gì về những lời nói của phía Việt Nam đối đáp gì với ông Phạm Trường Long về lời tuyên bố đó, mà chỉ thấy Thông Tấn Xã Việt Nam thuật lời ông Long nói với Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang là “Về vấn đề trên biển, Thượng Tướng Phạm Trường Long cho rằng, vấn đề này cần phải được xử lý thận trọng, giải quyết một cách hòa bình, không để ảnh hưởng tới tình hữu nghị giữa hai nước Trung Quốc-Việt Nam.”
Không những vậy, trong cuộc gặp mặt với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông được thuật lời nhắc nhở: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp, Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác, cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ quan hệ hai đảng, hai nước.”
Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật cuộc gặp giữa ông Phúc với ông Long như sau: “Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thượng Tướng Phạm Trường Long và Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Quân Ủy Trung Ương hai nước thiết lập cơ chế hợp tác, triển khai toàn diện Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung về Hợp Tác Quốc Phòng đến năm 2025.”
Ngoài chuyện hủy bỏ “sự kiện giao lưu quân sự cấp cao” tại biên giới biểu lộ sự mâu thuẫn trong lập trường về chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước, tương lai mối quan hệ quân sự và chính trị giữa hai nước có bị ảnh hưởng gì, bị thay đổi gì không, vẫn còn là dấu hỏi và phải chờ các diễn biến kế tiếp. (TN)

No comments:

Post a Comment