Thursday, June 22, 2017

Thấy gì từ việc nhà nước CSVN buộc các chủ thuê bao điện thoại di động phải chụp ảnh chân dung?

Hương Khê (Danlambao) - Thời gian gần đây, sau khi nhà nước CSVN chủ trương buộc các chủ thê bao điện thoại di động phải chụp hình chân dung cung cấp cho các nhà mạng.

Theo Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, với thuê bao di động thì một trong những điểm bổ sung được chú ý nhất của Nghị định 49 là ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Nhà mạng sẽ phải thực hiện lấy những thông tin này đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới (1).

Hành động này đã gây lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận và báo chí, kể cả các Đại biểu Quốc hội.

Bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN xung quanh quy định được cho là làm khó người dân hiện nay.

Theo đó, đơn vị cung cấp, những nhà mạng phải dựa vào công nghệ thông tin để liên hệ với các chủ thuê bao để làm việc chứ không nên bắt mỗi người chụp thêm ảnh.

Ông Nhưỡng cho rằng, sẽ có cả nghìn tỷ lãng phí nếu triển khai làm việc này. “Tôi làm một phép tính như thế này, bây giờ mỗi một người đi chụp ảnh để làm sim điện thoại hết 20.000 đồng, với bao nhiêu thuê bao di động thì sẽ tốn bao nhiêu cho việc chụp ảnh này. Một sự lãng phí tiền của của xã hội, mà vấn đề đó để làm gì, giải quyết vấn đề gì và ai biết anh quản lý hình ảnh cá nhân đó ra sao?”, ông Nhưỡng làm một phép tính và đặt câu hỏi ngược lại.

“Tôi không biết ý định của Bộ Thông tin và Truyền thông ra sao nhưng mỗi chiếc SIM điện thoại khi đăng ký đều khai báo tên tuổi, số chứng minh nhân dân. Trong khi đó Luật Viễn thông không quy định nhưng nghị định lại bắt người dân chụp ảnh, không thể có quy định trên luật được”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận (2).

Một số báo lề đảng không còn rón rén dè dặt khi đưa tin như vụ Formosa, vụ Đồng Tâm trước đây, mà họ đã mạnh mẽ lên tiếng về vấn đề này.

Tờ Pháp luật Thứ Tư, ngày 21/6/2017 viết: “Buộc chụp ảnh chủ thuê bao là vô lý! Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, cho rằng: Quy định tại Nghị định 49/2017 sẽ gây khó khăn và có thể đẩy doanh nghiệp viễn thông vào tình trạng vi phạm hợp đồng với khách hàng mà mình đã giao kết trước đó. “Mục đích của việc yêu cầu chụp ảnh so với quy định ban đầu chỉ cần CMND là để đảm bảo tính chính xác trong nhận diện người đăng ký, tránh tình trạng người này lấy hình ảnh của người khác mua SIM. Tuy nhiên, việc này là không phù hợp. Bởi lẽ yêu cầu này chỉ quản lý người dùng, hạn chế người dùng mua quá nhiều SIM chứ không quản lý được tình trạng nhà mạng dùng thông tin của người dùng để đăng ký SIM khác và bán ra thị trường (như SIM rác). Trong khi đó, nguyên nhân khiến SIM rác tràn lan là do từ nhà mạng quản lý chưa chặt chẽ chứ không phải do một người đăng ký quá nhiều SIM” - luật sư Chánh phân tích (3).

Tờ Tuổi trẻ ngày 20/6/2017 đặt câu hỏi: “Buộc chụp ảnh khi đăng ký thuê bao di động, liệu có đúng luật? Hình ảnh là thông tin mang tính riêng tư, bí mật cá nhân được hiến pháp và pháp luật bảo vệ trong khi việc đăng ký thuê bao chỉ là hợp đồng dịch vụ. Việc ký kết hợp đồng là tự nguyện, bình đẳng (4).

VOV.VN Thứ 2, 19/06/2017 giật tít: Chủ thuê bao di động phải chụp ảnh chân dung Vi hiến và lãng phí (5).

BBC (Luân Đôn) trích dẫn lời của luật gia Nguyễn Đình Hà và đặt câu hỏi: Đã có chứng minh thư lại còn cần ảnh chân dung?

“Về biện pháp "chụp ảnh chân dung" khi mua SIM điện thoại, luật gia Nguyễn Đình Hà nói với BBC từ Hà Nội: "Tôi thấy đây là một việc làm thừa thãi, không cần thiết, thể hiện tư duy không thực tế của cơ quan quản lý nhà nước. Vì khi người chủ thuê bao đăng ký với nhà mạng thì họ đã phải cung cấp chứng minh nhân dân để xác định rồi, mà trong chứng minh nhân dân đã có ảnh, có vân tay, có đặc điểm nhận dạng của từng người. Thế thì cần ảnh chân dung làm gì cho thừa thãi”(6).

Câu hỏi đặt ra là, có phải các nhà mạng tự ý vẽ ra quy định này hay do kẻ giấu mặt nào đó chỉ đạo?

Xin thưa: Các nhà mạng chẳng dại gì tự chuốc lấy nỗi khổ ê chề này để nghe dân chửi. Mà tác giả của những ‘phát minh vĩ đại” này không ai khác là Bộ Thông tin & Truyền thông, mà thiên hạ hay gọi là Bộ 4T. Đứng đầu bộ này là ông Trương Minh Tuấn.

Phải nói rằng, từ ngày ông Trương Minh Tuấn làm bộ trưởng 4T đến nay, ông đã “đẻ” ra nhiều quái thai!

Nổi bật nhất trong những quái thai ấy, là việc ông Tuấn giải thích rằng chính Hồ Chí Minh là người phác họa cái gọi là “Kinh tế thị trường định hướng XHCN.” Ông Tuấn đã có bài viết đăng trên báo Nhân Dân, một tờ báo có số in rất nhiều nhưng số người đọc rất ít (ý của nhà báo Ngô Nhân Dụng) với tựa đề: “Sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Theo đó: “Nhưng các thành tựu phát triển đất nước trong các năm qua đã chứng minh thể chế kinh tế của chúng ta là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam, phù hợp với con đường đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn”.

Có người đã gọi Trương Minh Tuấn là tên nịnh tặc, quả không sai khi đưa ra nhận định trên.

Trước làn sóng phản ứng dữ dội của báo chí và dư luận trong và ngoài nước như đã nói trên, như để tìm đồng minh cho quyết định ngu muội này, một số báo lề đảng ra sức tô son trát phấn cho cái nghị định phi pháp nói trên. Trong chương trình thời sự Đài truyền hình Việt nam (VTV1) lúc 6g sáng nay (21/6/2017), VTV1 đưa tin, không chỉ ở Việt Nam áp dụng biện pháp yêu cầu chủ thuê bao điện thoại di động phải cung cấp ảnh chân dung chính chủ, mà một số quốc gia khác cũng áp dụng biện pháp này. Và VTV1 dẫn chứng một số nước sau đây: Ethiopia (châu Phi); Burkina Faso (Tây Phi); Nigeria (Tây Phi) và Papua New Guinea (là một quốc gia ở Tây Nam Thái Bình dương) v.v...

Vậy là nhà nước CSVN đã có “bạn đồng hành” trong việc buộc chủ thuê bao điện thoại di động phải cung cấp hình chân dung.

Nhưng trời ạ. Nhìn tên các nước được Việt Nam vơ vào cho có bạn ấy, thì chỉ là những nước chậm phát triển ở châu Phi và Tây Thái Bình dương xa xôi, do chiến tranh sắc tộc và tôn giáo liên tục mấy chục năm nay, làm cho những nước này gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và xã hội. Vì chiến tranh triền miện, nên họ buộc phải áp dụng biện pháp này.

Tại sao nhà nước VN không học theo các nước dân chủ văn minh như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp v.v... Và kề cận nhất là Trung Quốc, ông anh “Bốn tốt” và hai “đàn em” là Lào và Campuchia trong việc này?

Tại sao một nhà nước tự cho mình là “ thiên đường XHCN”, là “thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc”, là “đỉnh cao trí tuệ”, mà lại áp dụng cái luật lệ mà những nước dân chủ văn minh không làm?

Để trả lời cho những cây hỏi trên, xin dẫn theo ý kiến của nhà báo kỳ cựu Nguyễn Thông. Có lẽ vì không thể chịu đựng được những hành động “có một không hai” của các quan chức nhà nước Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thông đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình như sau:

“Nghị định khôn mà ngu”

Nhà báo Nguyễn Thông viết: “Cái nghị định áp đặt bắt chụp ảnh mới được gọi điện thoại, càng bộc lộ rõ cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Ai chưa hiểu nó thế nào thì chính nó đấy, bà con ạ.

Thôi thì chính phủ ngu ban hành nghị định ngu là chuyện của chính phủ, nhưng người tiêu dùng chúng ta phải khôn.

Bà cụ già cạnh nhà tôi đã 89 tuổi, hằng ngày con cháu đi làm, mua cho cụ cái điện thoại di động để cụ xài, tiện với tuổi già. Họ ra nghị định bắt chủ thuê bao phải trực tiếp đến chụp ảnh. Vậy họ quyết bắt bà cụ khuôn mặt nhăn nheo già nua kia trình diện thì mới chịu hay sao. Thậm vô lý. Đây chỉ là một ví dụ trong vô vàn sự vô lý.

Cần biết rằng, trong bất cứ sự kinh doanh nào, không có khách hàng là tự sát. Doanh nghiệp đã chán sống, đã muốn tự sát thì cứ để nó chết, chúng ta đừng kéo dài sự thoi thóp hấp hối của nó bằng việc chiều ý nó. Kiên quyết không chụp ảnh.

Bây giờ, thời đại thông tin, kỹ thuật số, thế giới phẳng, 4.0 hay 5.0 cái con mẹ gì đó, không có bọn di động ấy, chúng ta vẫn còn ối cách để liên lạc với nhau. Hãy tận dụng mọi phương tiện để trừng phạt lại chúng nó.

Ngày xưa, mỗi lần lợi dụng sức quần chúng để chống bọn thực dân Pháp hoặc chính quyền Sài Gòn, người CS đều kêu gọi bãi công, bãi thị, bãi khóa, bãi... bãi... Giờ thì chúng ta bắt chước chính họ, bãi mạng, để cách cái mạng nó đi.

Tôi báo trước cho bạn bè, tôi không thực hiện chụp ảnh. Nó có cắt của tôi ngay từ bây giờ tôi cũng chấp nhận. Sau này nếu ai đó gọi tôi mà không được, xin hiểu rằng số điện thoại của tôi đã hy sinh oanh liệt vì chủ nó. Và nói thêm, tôi càng đỡ mất tiền.

Đã đến lúc chúng ta phải dứt khoát bày tỏ thái độ phản đối với những sự áp đặt vô lý.

21.06.2017



____________________________________


Chú thích






(6): http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40269867

(7): https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374

No comments:

Post a Comment