Sự việc
Sau khi đại diện gần 3.000 người gửi Đơn tố giác tội phạm và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Phan Sơn Hùng và đồng bọn vào ngày 5/5/2017, tôi nhận được các công văn trả lời của Tòa án nhân dân TPHCM (Phiếu chuyển số 667/TATP-VP ngày 18/5/2017), Viện kiểm sát nhân dân quận 2 (Giấy báo tin số 112/GBT-VKS ngày 22/5/2017), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM (Công văn số 3135/TB-CQCSĐT-PC44 ngày 29/5/2017) và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 2 (Thông báo số 194/TB-CQCSĐT-TTXH ngày 24/5/2017). Chỉ Viện kiểm sát nhân dân TPHCM và Tòa án nhân dân quận 2 không hồi đáp chúng tôi.
Do sơ suất không kiểm tra hộp thư thường xuyên, nên mãi đến hôm nay tôi mới nhìn thấy các công văn nêu trên. Xin thành thật xin lỗi các bạn đã cùng tôi lập và ký tên ủng hộ Đơn tố giác Phan Sơn Hùng và đồng bọn về sự bất cẩn và chậm trễ này. Tôi cũng xin cám ơn quý cơ quan nhà nước hữu quan đã hồi đáp nhanh chóng Đơn tố giác của chúng tôi một cách nghiêm túc và hợp lệ.
Do không thuộc phạm vi trách nhiệm trực tiếp của mình, nên ba cơ quan đầu tiên đều thông báo đã chuyển yêu cầu của chúng tôi cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 2 để cơ quan này giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong Thông báo số 194/TB-CQCSĐT-TTXH ngày 24/5/2017 (sau đây gọi tắt là “Thông báo 194”), Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Công an quận 2 (sau đây gọi tắt là “CQCSĐT quận 2”) cho biết không “thụ lý” đơn của chúng tôi như sau:
“Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Công an quận 2 nhận thấy đơn không đủ điều kiện và không được thụ lý giải quyết vì:
- Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 2 đã thụ lý tố giác về tội phạm của chị Lê Mỹ Hạnh với cùng nội dung.
- Do ông (tức Lê Công Định) không phải là người trực tiếp chứng kiến sự việc và tài liệu gửi kèm không rõ nguồn gốc hợp pháp.”
Phân tích
Tạm thời chưa bàn đến hai căn cứ từ chối thụ lý giải quyết của CQCSĐT quận 2, tôi muốn trước tiên phân tích khía cạnh pháp lý và thực tế của Thông báo 194 để giúp mọi người vén bức màn bí ẩn của câu chuyện vì sao cho đến nay CQCSĐT quận 2 vẫn chưa khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Phan Sơn Hùng và đồng bọn mặc dù đã gần 2 tháng sau khi bọn côn đồ này hành hung nghiêm trọng chị Lê Mỹ Hạnh và các bạn, bất kể Hùng đã tung lên mạng xã hội clip video công nhận hành vi của mình.
1) Công an Quận 2 dựa vào cơ sở pháp lý nào giải quyết đơn tố giác tội phạm?
Thông báo 194 mang tựa đề như sau: “Thông báo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo”. Ngoài ra, CQCSĐT quận 2 cũng viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật dưới đây làm cơ sở pháp lý để trả lời Đơn tố giác của chúng tôi:
a) Luật tố cáo số 03/2011/QH13 do Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011 (sau đây gọi là “Luật tố cáo”);
b) Nghị định số 91/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 12/8/2013 (sau đây gọi là “Nghị định 91”); và
c) Thông tư số 10/2014/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 4/3/2014 (sau đây gọi là “Thông tư 10”).
Cả ba văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều quy định thủ tục “tố cáo” tội phạm, chứ không phải và không liên quan đến thủ tục “tố giác” tội phạm, vốn được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác. Cần lưu ý, hai chữ “tố cáo” này rất quan trọng về phương diện pháp lý mà tôi sẽ phân tích dưới đây.
2) Quy định pháp luật về tố giác tội phạm và nghĩa vụ của Công an Quận 2
Tố giác tội phạm là quyền và nghĩa vụ của công dân, được thực hiện theo một trình tự khác với tố cáo tội phạm và tuân theo pháp luật về tố tụng hình sự.
Thật vậy, chính Khoản 2 Điều 3 của Luật tố cáo cũng phân biệt “tố cáo” với “tố giác” như sau: “Việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Điều 103 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như sau:
“1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. […]
2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. […]”
Như vậy, khi tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, cơ quan điều tra trước tiên có trách nhiệm điều tra và xác minh sự việc, sau đó đưa ra một trong hai quyết định, hoặc khởi tố vụ án hình sự, hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Điều 103 hoàn toàn không đề cập đến quyết định nào gọi là “thụ lý” hay “không thụ lý”, như Thông báo 194 nêu ra.
Ngoài ra, việc giải quyết đơn tố giác còn được quy định cụ thể hơn tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN-PTNT-VKSNDTC ngày 2/8/2013, trong đó Khoản 1 Điều 4 nêu rõ nguyên tắc tiếp nhận giải quyết tố giác tội phạm như sau: “[…] Không được vì bất cứ lý do gì mà từ chối việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.”
Với nghĩa vụ luật định đó, CQCSĐT quận 2 lẽ ra không được quyền từ chối tiếp nhận và giải quyết Đơn tố giác của chúng tôi về hành vi phạm tội của Phan Sơn Hùng và đồng bọn, nhưng vì sao CQCSĐT quận 2 lại cố tình tuyên bố “không thụ lý” Đơn tố giác của chúng tôi?
3) Lý do nào Công an Quận 2 áp dụng quy định về tố cáo, mà không phải tố giác?
Phạm vi điều chỉnh của Luật tố cáo, mà Thông báo 194 viện dẫn, được quy định tại Điều 1 của luật này như sau: “Luật này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ […].”
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 91, mà Thông báo 194 viện dẫn, được quy định tại Điều 1 của nghị định này như sau: “Nghị định này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sỹ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ […].”
Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 10, mà Thông báo 194 viện dẫn, được quy định tại Điều 1 của thông tư này như sau: “Thông tư này quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý thông tin tố cáo; giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. […]”
Không phải ngẫu nhiên trong Thông báo 194, CQCSĐT quận 2 viện dẫn cả Luật tố cáo, Nghị định 91 và Thông tư 10, vốn chỉ dành áp dụng cho thủ tục giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, mà cụ thể là cán bộ, chiến sỹ Công an, trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Phải chăng CQCSĐT quận 2 viện dẫn sai luật khi giải quyết Đơn tố giác của chúng tôi?
Chắc chắn là KHÔNG, bởi vì hơn ai hết CQCSĐT quận 2 biết rõ xuất thân và lai lịch của Phan Sơn Hùng. Nếu Phan Sơn Hùng chỉ là một tay côn đồ xã hội đen đơn thuần như bao công dân bình thường, thì luật áp dụng phải liên quan đến TỐ GIÁC tội phạm như đã nêu trên, nhưng vì Phan Sơn Hùng là chiến sỹ Công an và hành động đánh chị Lê Mỹ Hạnh cùng các bạn tại nhà riêng được thực hiện trong khi hắn thực thi nhiệm vụ/công vụ, nên luật áp dụng phải liên quan đến TỐ CÁO tội phạm.
Thêm vào đó, chính vì áp dụng quy định về tố cáo tội phạm, nên CQCSĐT quận 2 mới có cơ sở viện dẫn Điều 20 của Luật tố cáo nhằm mục đích không thụ lý Đơn tố giác của chúng tôi với hai lý do nêu trong Thông báo 194, mà tôi đã ghi lại ở phần trên. Bởi nếu viện dẫn quy định về tố giác tội phạm, CQCSĐT quận 2 hoàn toàn không có quyền từ chối tiếp nhận và giải quyết tố giác của chúng tôi về hành vi phạm tội của Phan Sơn Hùng và đồng bọn.
Kết luận
Nói tóm lại, từ những phân tích nêu trên, chúng ta có thể thấy rõ rằng Thông báo 194 mặc nhiên thừa nhận Phan Sơn Hùng là chiến sỹ Công an và vụ hành hung chị Lê Mỹ Hạnh cùng các bạn tại nhà riêng chính là hành động được thực hiện trong khi thực thi nhiệm vụ/công vụ.
Đó là lý do vì sao đã gần 2 tháng sau khi vụ án xảy ra, Công an quận 2 vẫn dứt khoát không khởi tố vụ án và dung túng Phan Sơn Hùng tiếp tục thách thức dư luận xã hội, bất kể hành vi vi phạm pháp luật hiển nhiên của hắn và đồng bọn.
Dù sao, tôi cũng xin cám ơn Công an quận 2 vì lần đầu tiên một cơ quan công quyền bằng giấy trắng mực đen công khai thừa nhận côn đồ xã hội đen cũng chính là chiến sỹ Công an và ngược lại, một cách ý nhị như thế.
No comments:
Post a Comment