Wednesday, May 3, 2017

Vụ Lê Mỹ Hạnh: Chính quyền có tôn trọng luật?

 Kính Hòa, phóng viên RFA 2017-05-03  
Cảnh sát mặc thường phục đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 02 tháng 6 năm 2013.
Cảnh sát mặc thường phục đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 02 tháng 6 năm 2013.  AFP photo
Ngày 2 tháng 5 một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với nhiều lời bình luận và tức giận. Một nạn nhân trong video được xác định là nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh và hai người bạn bị một nhóm người không quen biết hành hung.
Phạm tội công khai vẫn chưa bị khởi tố
Âm thanh và hình ảnh của video được công khai trên trang facebook của chủ tài khoản có tên Phan Hùng.
Sau gần một ngày im lặng, hai tờ báo của nhà nước Việt Nam lần lượt đưa tin về video hành hung hai người phụ nữ được chia sẻ trên mạng xã hội. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trích lời trung tá Trần Văn Hiếu, trưởng công an quận 2, rằng đang điều tra vụ việc.
Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh thì trích lời đại tá Nguyễn Sỹ Quang, người phát ngôn của cơ quan công an thành phố Hồ Chí Minh cũng nói rằng đang điều tra và đây là trường hợp có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Tôi nghĩ là họ được bảo kê của một thế lực nào đó, hoặc chính những người an ninh mà tôi trải qua sau một năm tôi tham gia hoạt động.
- Bà Lê Mỹ Hạnh 
Tuy nhiên theo ý kiến của luật sư Lê Công Định thì vụ việc cần phải được khởi tố ngay vì tính chất nghiêm trọng của nó. Ông cho biết:
“Về phương diện pháp lý thì vụ tấn công vừa rồi rất nghiêm trọng bởi vì có nhiều dấu hiệu tội phạm ở đây. Thứ nhất là xâm phạm chỗ ở của người khác, thứ hai là cố ý gây thương tích, và cái yếu tố tăng nặng của nó là thách thức dư luận và xem thường pháp luật. Ở đây cũng là dùng số đông để tấn công tức là tội phạm có tổ chức. Tôi cho là sự việc lần này phải được khởi tố và làm một cách nghiêm túc và đầy đủ theo đúng thủ tục pháp lý.”
Chúng tôi tìm cách liên lạc với chủ trang facebook Phan Hùng để tìm hiểu lý do tại sao anh ta lại công khai những hành động mang tính chất phạm tội rõ ràng như vậy, nhưng không liên lạc được, mặc dù trang facebook của anh ta vẫn còn hoạt động với những video hành hung người khác mà anh ta là người thực hiện.
Nạn nhân Lê Mỹ Hạnh nói với chúng tôi về cảm giác của bà sau khi bị hành hung:
“Đến lúc này cái cảm giác mình bị ám ảnh khi bước chân ra ngoài đường, mình cảm thấy sự nguy hiểm luôn luôn ở bên cạnh mình, với một sự tấn công mà họ dám ngang nhiên đến tận phòng của một công dân bình thường, mà tôi lại không hề có mâu thuẫn gì với các đối tượng đó.”
Bà Hạnh được biết cũng tham gia những hoạt động xã hội vì mục đích dân chủ hóa Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên bà Hạnh bị hành hung. Vào đầu tháng tư vừa qua bà cũng bị một số người hành hung tại Hà Nội.
Quan niệm về sử dụng bạo lực và pháp luật
Chuyện những người hoạt động xã hội bị các nhóm mặc thường phục bị hành hung là chuyện được nhiều người nói đến trên các trang mạng xã hội trong mấy năm qua. Người ta cũng nói đến những nhóm này trong các cuộc biểu tình của ngư dân và giáo dân miền Trung chống Formosa. Tuy nhiên những việc này ít khi xuất hiện trên báo chí nhà nước. Những người hoạt động có nghi ngờ rằng những người mặc thường phục đôi khi có tính chất côn đồ chính là lực lượng an ninh giả dạng để đàn áp. Bà Lê Mỹ Hạnh nói với chúng tôi:
“Tôi nghĩ là họ được bảo kê của một thế lực nào đó, hoặc chính những người an ninh mà tôi trải qua sau một năm tôi tham gia hoạt động. Tôi cũng thấy là những người an ninh cũng mặc thường phục giả danh, đánh những người đấu tranh như tôi. Nhưng nhóm này tôi không nhận diện được họ là ai, tôi gọi đó là côn đồ, phải được bảo kê thì mới dám ngang nhiên giữa ban ngày sau khi quay clip đánh tôi lại dám tung lên thách thức dư luận, thách thức cộng đồng.”
000_Hkg5241415-400.jpg
Người dân biểu tình chống Trung Quốc bị công an mặc thường phục dồn lên xe bus hôm 21/8/2011. AFP photo
Sự tham gia của các nhóm mặc thường phục trong việc kiểm soát đám đông, hay cá nhân bất đồng chính kiến không phải là mới lạ trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Đôi khi họ cũng được báo chí chính thống đề cập đến với danh từ quần chúng tự phát.
Từ ngữ này đã từng được dùng sau các sự kiện tôn giáo như Thái Hà mới cách đây vài năm, và xa hơn nữa là vào thời cải cách ruộng đấtnhân văn giai phẩm khi những người cộng sản mới cầm quyền cách đây hơn nửa thế kỷ. Và trên mặt chính thức, lực lượng an ninh, chính quyền không đứng ra nhận lãnh trách nhiệm vì những kẻ thủ ác không mang đồng phục của họ.
Cách đây hơn hai năm trong một dịp kỷ niệm các liệt sĩ Hoàng Sa và Trường Sa ở Hà Nội, một nhóm những người trẻ tuổi mang theo cờ của đảng cộng sản đến phá buổi tưởng niệm và xung đột bạo lực suýt nữa đã xảy ra.
Lần này trong vụ Lê Mỹ Hạnh, người ta nghe trong đoạn video người hành hung mắng nạn nhân là phản động, từ hay được cơ quan tuyên truyền Việt Nam gán cho những người bất đồng chính kiến.
Luật sư Lê Công Định tiếp lời:
“Tôi không kết luận rằng nhà cầm quyền đứng sau lưng một việc như vậy, nhưng việc dung túng nó, khiến cho trong nhiều năm qua tình trạng bạo lực leo thang. Và nghiêm trọng hơn là lần tấn công chị Lê Mỹ Hạnh lần này, thủ phạm không những không giấu diếm hành vi tội phạm của mình mà lại còn công khai nó, đưa lên mạng xã hội để thách thức dư luận.”
Tôi không kết luận rằng nhà cầm quyền đứng sau lưng một việc như vậy, nhưng việc dung túng nó, khiến cho trong nhiều năm qua tình trạng bạo lực leo thang.
- Luật sư Lê Công Định
Sự dung túng bạo lực và sử dụng bạo lực cũng là điều nhà văn Phạm Đình Trọng nói với chúng tôi sau khi có sự việc dân chúng một làng ở tỉnh Hòa Bình bắt giam 5 nhân viên công an cách đây vài năm, ông nói rằng chính sự dung túng và sử dụng bạo lực đã tạo nên một xã hội bạo lực, vì người dân sẽ sử dụng bạo lực để đối phó với nhà cầm quyền và với nhau thay vì dùng luật pháp.
Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, luật sư Lê Công Định nói:
“Tôi rất là ngạc nhiên tại sao giữa một xã hội được gọi là dựa trên pháp luật như thế này, mà thủ phạm có thể nhởn nhơ và ngang nhiên có những hành động coi thường pháp luật như vậy mà nhà cầm quyền vẫn bình chân như vại. Lẽ ra trong những sự việc như vậy thì nhà cầm quyền phải ngay lập tức khởi tố vụ án, còn việc khởi tố bị can hay không thì cần phải tiến hành điều tra thêm. Nhưng khởi tố vụ án là phải dứt khoát làm ngay lập tức. Tôi ngạc nhiên là cho đến giờ sau hơn 24 tiếng đồng hồ rồi mà vẫn không có một động thái nào từ nhà cầm quyền, ngoài cái việc họ kêu nạn nhân lên để làm việc. Thật sự mà nói tôi thấy thất vọng về một xã hội được nói là có pháp luật như thế này.”
Xây dựng một xã hội dựa trên luật pháp là điều được các quan chức cao cấp của Việt Nam thường xuyên tuyên bố trong thời gian gần đây. Những tuyên bố này ngược với những ý tưởng sơ khai của những người cộng sản khi mới cầm quyền là nghĩ rằng pháp luật sẽ trói tay họ, không để họ thực hiện được điều mà họ cho là lý tưởng xã hội, theo như tiết lộ của luật sư Nguyễn Mạnh Tường sau năm 1954.
Từ đó đến nay cái nhìn của những người cộng sản Việt Nam về luật pháp có thể đã đổi khác nhưng có lẽ họ chưa cho rằng luật pháp là trên hết khi cách đây không lâu, chính người đứng đầu đảng là ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng Hiến pháp quốc gia, bộ luật gốc của đất nước đứng sau cương lĩnh đảng cộng sản.

No comments:

Post a Comment