Wednesday, May 3, 2017

Facebook đang đặt lợi nhuận lên trên tự do dân chủ?

Lan Hương, phóng viên RFA 2017-05-03 
Một nhóm người dân Ba Lan biểu tình trước trụ sở của facebook phản đối việc facebook chặn tài khoản theo yêu cầu của chính phủ hôm 5/11/2016.
Một nhóm người dân Ba Lan biểu tình trước trụ sở của facebook phản đối việc facebook chặn tài khoản theo yêu cầu của chính phủ hôm 5/11/2016.  AFP photo
Trang Thời báo Châu Á ngày 2/5 đã đăng tải một bài viết có tựa “ Is Facebook putting profit before freedom in Southeast Asia?” tạm dịch là “Facebook có đang đặt lợi nhuận lên trên tự do dân chủ ở Đông Nam Á?”
Trong mấy năm trở lại đây Facebook đã thu được khoản lợi nhuận lớn từ khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có thị trường quảng cáo trên mạng xã hội phát triển nhanh nhất trên thế giới. Hiện tại gần một nửa dân số Đông Nam Á sử dụng trang mạng xã hội này. Chỉ tính riêng quý III năm 2016, lợi tức Facebook thu được tại khu vực này tăng 59%, tương đương số tiền lên đến hơn 2 tỷ Mỹ kim.
Lợi nhuận cao đi liền với thách thức lớn mà Facebook phải đối mặt tại khu vực suốt nhiều năm vấn đề nhân quyền chưa bao giờ nguội lạnh.
Ngày 25/4, một công dân Thái tên Wuttisan Wongtalay đã phát trực tiếp trên Facebook cảnh ông này tự tay giết người con gái 11 tuổi rồi sau đó tự kết liễu đời mình. Đoạn video này được phát trên Facebook suốt 24 giờ và nhận được hàng triệu lượt xem trước khi  bị Facebook gỡ xuống.
Một ngày sau đó, giám đốc chính sách toàn cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã gặp mặt bộ Thông tin truyền thông của Việt Nam để bàn thảo về việc gỡ bỏ những tài khoản mà Chính phủ Hà Nội cho là mạo danh, kích động bạo lực trên Facebook, tấn công thù địch, xâm hại trẻ em, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm đời tư của phụ nữ và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Truyền thông Việt Nam lúc đó loan tin phía Facebook cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam gỡ bỏ những tài khoản này, nhấn mạnh sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam để tạo một môi trường Facebook lành mạnh.
Đài Á Châu Tự Do đã tìm cách liên lạc với bà Monika Bickert để hỏi cụ thể hơn về thông tin trên nhưng phía đại diện truyền thông của Facebook cho biết không thể được.
Trước đó, hồi tháng 2, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngừng quảng cáo trên Facebook để gây áp lực buộc trang mạng xã hội này phải gỡ bỏ những bài đăng mà Việt Nam cho là “độc hại”.
Theo pháp luật Việt Nam, tội danh tuyên truyền chống nhà nước, bao gồm cả việc tuyên truyền trên mạng xã hội, có thể bị phạt 20 năm tù giam. Nhà cầm quyền Việt Nam đã áp dụng điều luật 258 bộ Luật hình sự để bắt giữ và tuyên mức án nặng với những nhà đấu tranh dân chủ và các blogger vì tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia. Hầu hết những nhà hoạt động và blogger này đều sử dụng Facebook là phương tiện chính để bày tỏ quan điểm cá nhân của mình.
Hiện tại Facebook đang tuân thủ đề nghị của chính quyền Thái Lan gỡ bỏ những nội dung được cho là mang tính xúc phạm gia đình Hoàng gia Thái. Đây cũng là một tội danh được xứ Chùa Vàng quy định rõ trong pháp luật và người vi phạm có thể bị xử đến 15 năm tù.
Năm ngoái, Facebook đã phát động chiến dịch Sáng kiến công dân dũng cảm trực tuyến nhằm nỗ lực chống lại những phát ngôn, tuyên truyền sự hận thù, Chủ nghĩa cực đoan trên truyền thông xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, số đông dư luận đã lên tiếng phản đối việc Facebook gỡ bỏ những bài đăng liên quan đến vấn đề chính trị, đặc biệt là những bài tranh luận về vấn đề nhập cư.
Tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam và Trung Quốc, hệ thống báo chí, truyền thông đều do Nhà nước quản lý và chỉ được phép đăng tải những nội dung mà Nhà nước cho phép. Chính vì vậy, nhiều người dân ở các quôc gia này cho rằng Facebook đã tạo điều kiện cho họ được quyền phát biểu những ý kiến bất đồng với quan điểm của nhà cầm quyền, và phần nào xóa mờ rào cản về tự do ngôn luận của người dân.
Tháng 5 năm ngoái, Việt Nam đã tạm thời chặn Facebook khi hàng loạt các cuộc biểu tình trên khắp cả nước nổi dậy yêu cầu đóng cửa nhà nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh xả thải làm cá chết nổi trắng xóa trên biển, hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế. Tuy nhiên bất chấp nỗ lực ngăn chặn của nhà cầm quyền, nhiều người dân vẫn tìm cách tiếp cận trang mạng xã hội này qua các phần mềm, chương trình khác nhau. Một số quốc gia khác như Thái Lan, Myanmar cũng từng chặn Facebook tạm thời khi xảy ra biểu tình hay bạo động.
Năm ngoái nhiều nguồn tin cho biết Facebook đang bí mật thiết kế một phần mềm cho phép bên thứ 3 kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải trên các nguồn cấp dữ liệu tin tức (news feeds). Phần mềm này được nói là “món quà” Facebook sẽ trao tặng cho Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc sẽ cho phép Facebook hoạt động trở lại. Xin được nhắc lại, chính phủ Bắc Kinh đã chính thức chặn Facebook kể từ năm 2009.
Nhiều nhà đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận lo ngại rằng nếu phần mềm này được thiết kế thành công và trao tặng cho Trung Quốc, các quốc gia châu Á khác cũng đòi hỏi được tiếp cận công cụ kiểm duyệt này. Như vậy Facebook vô hình trung đang tự tách mình khỏi quá trình kiểm duyệt nội dung, thay vào đó tạo điều kiện cho chính phủ các quốc gia này dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến với họ.
Một phản ứng mới nhất từ Việt Nam đối với việc yêu cầu Facebook gỡ bỏ những nội dung bị cho là không phù hợp là ý kiến của một số cư dân mạng, như nhà hoạt động Nguyễn Quang A,  về chia sẻ bài viết của Báo Nghệ An với nội dung về Linh mục Đặng Hữu Nam, người hướng dẫn dân xứ Phú Yên nơi ông phụ trách khiếu kiện Formosa. Theo đó thì Facebook cũng cần phải loại bỏ những status bôi nhọ cá nhân công dân khi được báo với cơ sở xác thực.
Giới đấu tranh dân chủ và tự do ngôn luận quan ngại rằng Facebook hiện đang đặt nguồn lợi nhuận từ Đông Nam Á lên trên quyền cơ bản của người dân bằng cách đáp ứng những yêu cầu của nhà cầm quyền để duy trì thị trường kinh doanh béo bở trong khu vực.

No comments:

Post a Comment