(Trình bày tại Montreal ngày 30-4-2017)
Trần Gia Phụng (Danlambao) - Từ năm 1945 cho đến nay, cộng sản (CS) luôn luôn giành chính nghĩa về phần mình, gọi Quốc Gia Việt Nam (QGVN) rồi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là “ngụy quân”, “ngụy quyền”… Bài nói chuyện nầy xin dựa vào lịch sử để xác định rõ ràng ai là chính thống và ai là ngụy quyền?
1. Định nghĩa
Trong chữ “chính thống”, thì “chính” là “ngay thẳng”, “đích xác”; còn “thống” là “mối tơ”, giềng mối nối tiếp nhau. Nói chung, “chính thống” là dòng chính từ trước ra sau, từ trên xuống dưới. Ví dụ dòng chính của một dòng họ, một môn phái, một học thuyết. Trong chính trị, chính thống là sự tiếp nối chính thức từ đời trước qua đời sau, đúng theo luật định, tập quán, phong tục…
Trái với “chính” trong chữ “chính thống”, là “ngụy”. “Ngụy” có nghĩa là giả, không thật, không chính thống. Các nhà cầm quyền thường tự cho mình là chính và dùng chữ “ngụy” để chỉ những đối thủ chính trị, như ngụy triều, ngụy quyền, ngụy quân. Ví dụ gần nhứt trong lịch sử là nhà Nguyễn (vua Gia Long) gọi nhà Nguyễn (vua Quang Trung) là “ngụy triều”, “ngụy Tây”, “ngụy Tây Sơn” …
Nhân viết về nhà Tây Sơn, sử gia Trần Trọng Kim bàn rằng: "Những người làm quốc sử nước Tàu và nước ta thường cứ chia những nhà làm vua ra chính thống và ngụy triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên, thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa, ba là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì cho là ngụy triều." (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Sài Gòn, Nxb. Tân Việt, in lần thứ bảy, 1964, tr. 367, chương “Nhà Nguyễn Tây Sơn”.)
Tuy vậy, có triều đại cầm quyền do đảo chánh, cướp ngôi, lúc đầu bị xem là ngụy triều, nhưng nhờ có công chống ngoại xâm hay xây dựng đất nước hợp lòng dân, nên được gọi là chính thống. Trái lại, có triều đại chính thống, nhưng về sau trở nên tàn bạo hoặc cầu viện ngoại bang, thì lại bị xem là ngụy triều.
Ngoài những tiêu chuẩn trên đây, ngày nay trên toàn thế giới, một chế độ được xem là chính thống khi được dân chúng chọn lựa qua một cuộc phổ thông đấu phiếu minh bạch, tự do dân chủ, xây dựng đất nước, tôn trọng dân quyền và nhân quyền, bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm. Nói ngắn gọn, một chế độ chính thống là một chế độ “của dân, do dân và vì dân”.
2. Quan điểm của cộng sản
Trong cuộc chiến 1946-1954, lúc đầu CSVN gọi các đối thủ chính trị là “Việt gian”, “phản động”, “bù nhìn”, “tay sai thực dân Pháp”. Sau hiệp định E1ysée (8-3-1949), cựu hoàng Bảo Đại thành lập chính thể QGVN và thành lập Quân đội QGVN, thì CSVN gọi quân đội QGVN là “ngụy binh” và sau đó gọi quân đội VNCH là “ngụy quân”, chính thể VNCH là “ngụy quyền”.
Hồ Chí Minh (HCM) bắt đầu dùng chữ “ngụy binh” trong các bài báo từ năm 1951, đăng lại trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 (in lần thứ hai, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000). 1) “Vận động ngụy binh”, ký tên Đ.X, báo Cứu Quốcsố 1851, 30-6-1951. (Tập 6, tr. 234.) 2) “Thư gửi các ngụy binh”, ký tên Hồ Chí Minh, báo Cứu Quốc, số 1915, 28-9-1951. (Tập 6 tr. 305.) 3) “Lời kêu gọi ngụy binh quay về với tổ quốc”, ký tên Hồ Chí Minh, báo Nhân Dân, số 32, 15-11-1951. (Tập 6 tt. 332-333.) …
Trong suốt cuộc chiến 1960-1975, và nhứt là sau 30-4-1975, ngày nào đài phát thanh và đài truyền hình CS cũng ra rả rêu rao và lên án “ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn”. Tuy nhiên, không phải CS tự tiện gọi đối thủ là “ngụy”, thì CS tự nhiên trở thành chính thống. Vấn đề là sự đánh giá của quần chúng, sự phán xét của lịch sử, dựa trên thành quả của nhà nước CS trong lúc nắm quyền lực.
Muốn đánh giá thật đúng thì phải qua thời gian thử thách. Nay đã hơn 40 năm sau ngày 30-4-1975, có lẽ là thời gian đã quá đủ để người Việt hiểu CS thấu tận “ngọn nguồn lạch sông”, để đánh giá chế độ CS.
3. Trước năm 1975
Xin bắt đầu khi chế độ CS mới thành lập. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 14-8-1945, chính phủ Trần Trong Kim sụp đổ. Hồ Chí Minh (HCM) cùng mặt trận Việt Minh (VM) nổi lên cướp chính quyền ở Hà Nội, gởi điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. (Nhóm chữ “cướp chính quyền” do VM đưa ra.)
Lúc đó, đại sứ Nhật ở Huế đề nghị giúp vua Bảo Đại dẹp VM, vì lực lượng Nhật ở Việt Nam còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, vì lòng yêu nước thương dân, vì muốn tránh nội chiến, vua Bảo Đại từ chối đề nghị của đại sứ Nhật, và tuyên chiếu thoái vị ngày 25-8, rồi làm lễ thoái vị ngày 30-8-1945, trao quyền cho VM, tạo thời cơ lịch sử rất thuận lợi, giúp HCM và VM thế kế tục chính thống hợp pháp trước quốc dân Việt Nam và cả chính trường quốc tế.
Lúc đó, ít ai biết HCM và VM là cộng sản (CS), kể cả vua Bảo Đại. Trong “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2-9-1945, HCM nói: “Khi Nhật đầu hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa…” Như thế là HCM tự hào rằng VM cướp chính quyền, chứ không phải do vua Bảo Đại trao lại, phủ nhận thiện chí của vua Bảo Đại, và phủ nhận luôn sự truyền thừa chính thức từ triều đình Huế mà vua Bảo Đại tượng trưng.
Dù mới cầm quyền, HCM và VM để lộ ngay bản chất độc tài đảng trị. Vì vậy, khi thoát qua được Hồng Kông, và gặp lại Trần Trọng Kim vào tháng 8-1947, cựu hoàng Bảo Đại nói với Trần Trọng Kim: “Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn.” (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Sài Gòn: Nxb. Vĩnh Sơn, 1969, tr. 146.) Ý kiến của Bảo Đại có thể xem là lời tuyên bố phủ nhận tất cả những gì mà trước đây vua Bảo Đại đã lầm khi tin tưởng giao quyền cho HCM. Đây là trường hợp mà trong dân gian thường nói là “trao duyên lầm tướng cướp”.
Qua việc HCM tự hào đã cướp chính quyền và việc cựu hoàng Bảo Đại nhận ra sai lầm vì đã trao quyền cho bọn du côn, thì VNDCCH chắc chắn không phải là chính thể kế truyền chính thống của nhà Nguyễn, hay của chính phủ Trần Trọng Kim.
Khi Pháp trở lui Việt Nam, HCM nhượng bộ Pháp để duy trì quyền lực, ký liên tiếp hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946), công nhận sự hiện diện của Pháp ở Việt Nam. Dần dần, bị Pháp áp lực mạnh mẽ, HCM họp Trung ương đảng CS tại Vạn Phúc (gần Hà Nội) ngày 18 và 19-12-1946, quyết định tấn công Pháp, nhằm trốn chạy khỏi Hà Nội, và đổ gánh nặng chiến tranh lên vai dân tộc Việt.
Việt Minh thua chạy cho đến năm 1949. Khi Trung Cộng thành công ở Trung Hoa năm 1949, thì đầu năm 1950, HCM qua Tàu rồi qua Liên Xô cầu viện. Hồ Chí Minh qua Tàu cầu viện năm 1950 thì có khác gì bà thái hậu nhà Lê qua Tàu cầu viện năm 1788?
Trong Đại hội 2 đảng CSĐD vào tháng 2-1951 tại Tuyên Quang, để đưa đảng Cộng Sản (CS) hoạt động công khai trở lại với danh xưng mới là đảng Lao Động (LĐ) do Stalin đặt, HCM phát biểu: "Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin...lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam.". (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ & Quốc hội, Nxb. Văn Nghệ [tái bản], California, 1995, tt. 150-152.)
Chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông hoàn toàn xa lạ đối với người Việt Nam, không nằm trong dòng văn hóa dân tộc cổ truyền chính thống. Ai cũng biết đây là loại chủ nghĩa không tưởng, không thể thực hiện được. Ngay cả những người hầu như đồng thời với NAQ, như hai nhà cách mạng Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và nhà văn Phan Khôi đều chỉ trích chủ nghĩa Mác-Lê.
Khi khởi chiến năm 1946, VM rất cần giới trí thức tiểu tư sản để lôi cuốn quần chúng. Thời nào cũng vậy, trí thức tiểu tư sản là lớp người trung gian giữa nhà cầm quyền với quần chúng và là thành phần nòng cốt thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, khi được Trung Cộng viện trợ, VM khá vững, HCM theo chủ trương của Mao Trạch Đông, tiêu diệt giới trí thức tiểu tư sản bằng những phong trào rèn cán chỉnh quân, vì HCM và CS sợ giới nầy sẽ hướng dẫn quần chúng chống lại độc tài đảng trị CS, nên ra tay trước.
Hồ Chí Minh còn học theo Mao Trạch Đông tổ chức những cuộc Cải cách ruộng đất kinh thiên động địa, gây chia rẽ dân chúng, gây căm thù giai cấp và làm cho bàn tay nông dân nhuốm máu đồng bào, không còn con đường rút lui, mà chỉ còn con đường duy nhất là phải nhắm mắt vâng phục CS.
Khi Trung Cộng gởi viện trợ qua giúp và nhất là gởi cố vấn qua điều khiển chiến tranh, thì VM tuân phục tuyệt đối sự lãnh đạo của cố vấn Trung Cộng. Cố vấn Trung Cộng chỉ đông thì đánh đông, chỉ tây bắc thì lên tây bắc, chỉ ngừng đánh để họp Genève thì lo họp, chỉ chia hai đất nước ở vĩ tuyến 17, thì tuân lệnh ngay lập tức. Tất cả những trận đánh lớn nhỏ của bộ đội VM, từ Đông Khê đến Điện Biên Phủ, đều nhờ khí tài và cố vấn Trung Cộng, do quân ủy Bắc Kinh chỉ huy. Võ Nguyên Giáp chẳng qua là đốc công chiến trường, còn Hồ Chí Minh là thư ký chiến trường cho đoàn cố vấn và quân ủy Bắc Kinh mà thôi.
Sau khi đất nước bị chia hai, Bắc Việt Nam cử người qua Bắc Kinh năm 1956 xin viện trợ nhằm đánh Nam Việt Nam. Lúc đó, Trung Cộng ra tuyên bố tự ý xác định hải phận của Trung Cộng là 12 hải lý, và khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (vốn của Việt Nam) thuộc chủ quyền của Trung Cộng. Để trả ơn Trung Cộng, Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14-9-1958, với sự chuẩn thuận của HCM và đảng Lao Động, theo đó CSVN “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc”. Như thế có nghĩa là CSVN nhượng hai quần đảo nầy cho Trung Cộng.
Chưa hết, trong cuộc chiến 1960-1975, Lê Duẩn còn khẳng định: “Ta đánh Mỹ là đánh cho cả Trung Quốc, cho Liên Xô.” (Nguyễn Mạnh Cầm (ngoại trưởng CSVN từ 1991 đến 2000) trả lời phỏng vấn BBC ngày 24-1-2013.)
4. Thực tế đời sống
Một kinh nghiệm thực tế rất dễ nhận thấy trong chiến tranh, là khi CS tiến đánh đến đâu, thì dân chúng bỏ phiếu bằng chân ngay tức khắc, chạy khỏi đó, và trốn về phía Quốc Gia hay Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1954, sau hiệp định Genève (20-7-1954), khoảng một triệu người bỏ nhà cửa, ruộng vườn di cư vào Nam. Ngày 30-4-1975, CS chiếm Nam Việt Nam, thì dân chúng tìm tất cả các cách trốn chạy ra khỏi nước.
Tuy chiến thắng ngày 30-4-1975, thống nhất lãnh thổ, nhưng CS không thống nhất được lòng dân và chủ nghĩa CS không chiến thắng được văn hóa miền Nam. Nói cách khác, do hoàn cảnh quốc tế, CS đã chiến thắng Việt Nam Cộng Hòa, nhưng CS không thể tiêu diệt được tinh thần Việt Nam Cộng Hòa. Bằng chứng là sau năm 1975, người Bắc vào Nam học theo văn hóa miền Nam, đọc sách miền Nam, nghe nhạc miền Nam, ăn bận theo kiểu người Nam, chở hàng từ Nam ra Bắc, nghĩa là miền Bắc được Nam hóa. Cách đây 10 ngày, một trung niên người Sài Gòn sinh trong thập niên 90 (dưới 30 tuổi), lớn lên dưới chế độ CS, đã trả lời đài RFA rằng: "Gọi là giải phóng miền Nam thì không hợp lý vì không thể nào một thằng nghèo đi giải phóng một thằng giàu.” (RFA, ngày 20-7-2017)
Sau năm 1975, CS đổi quốc hiệu là “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Đây là một cuộc áp đặt trắng trợn vì đại đa số dân chúng Việt Nam không theo CS. Số đảng viên CS từ trước đến nay luôn luôn dưới 10% tổng dân số Việt Nam.
Cho đến nay, tức hơn bốn mươi năm sau ngày 30-4-1975, đảng CS vẫn không thay đổi bản chất độc tài, đảng trị, toàn trị. Ngày nay, nguyên tắc nầy được đảng CS thể hiện công khai bằng điều 4 hiến pháp rất nổi tiếng mà hầu như ai cũng biết.
Để có thể đứng vững, sau năm 1975, CSVN dựa vào Liên Xô cho đến năm 1990. Khi Liên Xô sụp đổ, CSVN thần phục Trung Cộng. Cho đến nay, chưa ai biết nội dung hội nghị Thành Đô (Trung Hoa), trong hai ngày 3 và 4-9-1990 giữa CSVN với Trung Cộng. Chỉ biết sau hội nghị nầy, CSVN nhục nhã ký hai hiệp ước liên tiếp: 1) Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 30-12-1999, nhượng cho Trung Cộng ải Nam Quan, một nửa thác Bản Giốc, một số diện tích đất biên giới. 2) Hiệp ước phân định lãnh hải ngày 25-12-2000, mất vào tay Trung Cộng 10,000 km2 mặt biển Vịnh Bắc Việt.
Về kinh tế, cũng sau ngày 30-4-1975, do chính sách kinh tế chỉ huy, Việt Nam càng ngày càng suy sụp. Sợ nội loạn xảy ra, tuy vẫn cương quyết giữ vững nguyên tắc độc quyền chính trị, nhưng từ năm 1985, CS bắt đầu thay đổi về kinh tế, hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Do CS mới ứng dụng kinh tế thị trường, cơ chế lỏng lẻo, các doanh nghiệp nhà nước (công ty quốc doanh) được ưu đãi, vay vốn ngân hàng nhà nước dễ dàng, tài sản chung không ai quý. Nạn tham nhũng bùng nổ mạnh mẽ. Cán bộ CS cấu kết với nhau thành những nhóm lợi ích trong chính quyền, liên hệ đến các thế lực chính trị. Những nhóm lợi ích nầy va chạm nhau, tranh ăn hối lộ, tranh chấp quyền lợi, đưa đến chia rẽ trong nội bộ CSVN.
Tham nhũng tràn lan từ lớn đến nhỏ, từ trên xuống dưới, trong tất cả các ngành của nhà nước, nặng nhứt là ngành công an, nhà đất, hải quan. Tham nhũng chẳng những cướp nhà, cướp đất, mà còn bán đất cho ngoại bang, tạo ra những tệ nạn khủng khiếp như vụ bauxite ở Cao nguyên Trung phần, và nhất là vụ Formosa gây ô nhiễm độc hại về lâu về dài, làm cho dân chúng điêu đứng.
Cộng sản thường tự hào là đã mở các cuộc cải cách ruộng đất để chia đất cho người nghèo. Ngày nay, CS cướp đất của người nghèo, bán cho công ty nước ngoài hay cho công ty nước ngoài thuê dài hạn, dài hơn cả thời hạn cho nông dân thuê đất. Dân chúng bị cướp nhà, cướp đất, mất hết đất đai mưu sinh, nên liều chết tranh đấu bảo vệ đất, khiếu nại, kiện tụng hằng ngày, tạo thành phong trào dân oan trên toàn quốc.
Tiếp xúc với cử tri quận 4 TpHCM (tức Sài Gòn cũ) ngày 3-12-2014, Trương Tấn Sang (chủ tịch nhà nước CS 2011-2016) phát biểu: “Hiện tham nhũng không còn đứng riêng lẻ, mà trở thành bè cánh bao che cho nhau.”
Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thử đảng CS từ 2011) ví von tham nhũng là giặc nội xâm, và đã phát biểu như sau khi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội ngày 17-10-2016: “Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm càng khó hơn vì là ta đánh vào ta.” (BBC tiếng Việt ngày 17-10-2016.) Ta đánh vào ta thì lấy ai phục vụ chế độ? Đảng CS bèn thả lỏng tham nhũng để cùng nhau bảo vệ chế độ CS.
Đặc biệt, khi nhìn lại chế độ CS hiện nay, Nguyễn Phú Trọng đã thốt lên ngày 23-10-2013 tại quốc hội Hà Nội, nhân thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp năm 1992:“Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam chưa?” (Các báo Internet ngày 24-10-2013.) Sao ngụy vậy? Không hoàn thiện được, sao buộc dân Việt phải theo?
Trong khi đó, nhờ internet, nhờ thông tin, sách vở từ nước ngoài tràn vào, dân chúng càng ngày càng thấy rõ bản chất gian tham của CS. Từ đó dân chúng khinh thường cán bộ CS, không còn sợ sệt CS như trước nữa. Cách đây hơn 40 năm, không ai có thể tưởng tượng nổi là có những cuộc biểu tình hàng chục ngàn người chống đối CS. Cũng không ai có thể tưởng tượng hàng ngày, người dân công khai nguyền rủa chế độ, cán bộ, công an khắp nước, được đưa lên Internet hoặc face book, You tube…
5. Quan điểm của dân chúng
Sau những kinh nghiệm lịch sử và sau những kinh nhiệm bản thân, dân chúng Việt Nam ngày nay đã nhận định rõ ràng ai là chính thống, ai là ngụy quyền. Nhận định nầy gồm hai phần:
a) Thứ nhứt, dân chúng bất mãn đối với chế độ CS: Hiện nay, ngày nào cũng có những cuộc biểu tình, kiện tụng, phản đối từ thành phố đến nông thôn trên toàn quốc. Các biểu ngữ trong các cuộc biểu tình thật đầy đủ ý nghĩa: “Đảng CSVN 1 tập đoàn tội đồ có tổ chức. Mục đích chỉ là để áp bức bóc lột hút máu dân Việt.”Hoặc “Đảng Cộng sản, còn chế độ công an trị dân ta còn mất hết quyền làm người.”
Sinh viên Lê Trung Thành đã viết: "Các anh ơi! Các chị ơi! Các mẹ ơi! Còn cờ đỏ sao vàng thì không bao giờ có độc lập, tự do, hạnh phúc.” (đăng trên các web site13-03-2009.) Càng ngày, các cuộc biểu tình càng mạnh mẽ, như vụ Fomosa ở Ha Tĩnh, vụ xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ở Hà Nội.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ đơn sơ về việc đánh giá của quần chúng đối với chế độ CS. Còn một kho tài liệu lớn lao chưa được đề cập đến trong bài nầy. Đó là sách báo, hồi ký của những nhà văn, những cán bộ hưu trí, từng một thời theo CS, mà “Đến già mới chợt tỉnh”. (Tên tác phẩm của Tống Văn Công). Ví dụ Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên …
b) Thứ hai, phản ứng tâm lý tự nhiên của người dân là càng chống đối CS thì càng nhớ lại chế độ trước CS, tức Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Những người lớn tuổi đã từng sống dưới thời VNCH thì tiếc nuối một thời tự do dân chủ đã qua. Dân chúng Bắc Việt Nam và giới trẻ trên toàn quốc sinh sau năm 1975, chưa biết về VNCH, nhưng nhờ Internet, nên có cơ hội tìm hiểu VNCH, so sánh với chế độ CS, thì họ mới nhận chân được giá trị của VNCH. Thế là VNCH bắt đầu sống lại trong lòng dân chúng.
Từ đó, khắp nước Việt Nam, kể cả Hà Nội và các tỉnh Bắc Việt Nam, xuất hiện lá Cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa, tung bay trong các buổi lễ tưởng niệm, trong các cuộc biểu tình. Cả những bản hùng ca, những bản nhạc vàng VNCH, được hát vang trong các cuộc tập họp đông người, ngay cả trên đường phố Hà Nội. Đây chính là biểu hiện ước mơ thầm kín của dân chúng trong nước, mong đất nước được sống như thời VNCH thuở trước. Tự do, dân chủ, tự hào dân tộc, cương quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Ước mơ nầy chính là ý dân, lòng dân.
Một người dân Hà Nội đã viết: “Người ta gọi các anh là “quân ngụy”,/ Bởi các anh là lính Việt Nam Cộng Hòa./ Nhưng tôi gọi các anh là liệt sĩ,/ Bởi các anh ngả xuống vì Hoàng Sa.” (http://phanduykha.wordpress.com, Phan Duy Kha, “Sẽ có một ngày lấy lại Hoàng Sa”, 14-1-2014.)
Sinh viên Nguyễn Viết Dũng, người Nghệ An, học đại học Hà Nội, bị bắt trong cuộc biểu tình ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vì anh bận áo quần quân nhân VNCH. Sau 15 tháng tù giam, ngay khi bước ra khỏi nhà tù, Dũng bận áo trắng, trên ngực mang cờ Việt Nam Cộng Hòa, trên tay xăm hai chữ SÁT CỘNG.
Kết luận
Nếu muốn viết đầy đủ vấn đề chính thống hay ngụy quyền ở Việt Nam trong cuộc chiến vừa qua, thì có thể cả một quyển sách cũng chưa đủ, nhưng ở đây thời gian không cho phép, nên bài nầy chỉ phác thảo sơ lược những nét chính của vấn đề.
Vấn đề chính thống hay ngụy quyền không phải tự biên tự diễn như CS mà được. Cộng sản chỉ giỏi to miệng tự đề cao và to miệng vu khống người khác. Việc thẩm định chính thống và ngụy quyền sẽ do lịch sử phán xét, dựa trên nền tảng dân ý.“Trăm năm bia đá thì mòn,/Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.” Bia miệng chính là dân ý lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử.
Dân ý ở trong nước hiện nay như thế nào thì mọi người đều đã biết, khi các cuộc biểu tình đòi quyền sống, đòi tự do dân chủ, đòi dân quyền và nhân quyền, chống Trung Cộng, phản đối chế độ CS, hằng ngày được phổ biến lan tràn trên Internet.
Những biểu ngữ, những khẩu hiệu của dân chúng cho thấy cộng sản chỉ là một chế độ hành dân, hại dân và phản dân. Điều nầy không có gì là lạ, vì chế độ CS dựa trên chủ thuyết Mác-Lê, mà ngày nay, ai cũng biết chủ thuyết Mác-Lê chỉ là một ngụy thuyết. Ngụy thuyết Mác-Lê sinh ra ngụy đảng CS và ngụy quyền CS.
Ngược lại, cũng trong các cuộc biểu tình, các lễ tưởng niệm, các cuộc tụ họp của dân chúng, ý dân, lòng dân được thể hiện qua sự xuất hiện của lá Cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa, hiện đang bị CS cấm đoán. Cấm đoán thì cấm đoán, nhưng làm sao cấm được ý dân, ngăn được lòng dân.
Vì nhiều lý do phức tạp, Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại trong cuộc chiến vừa qua, nhưng sau cơn gió bụi trong thời chiến làm mờ mịt thức mây, ngày nay mọi người đều sáng mắt ra, mới hiểu ra vấn đề, và ước mơ Việt Nam Cộng Hòa trở lại. Việt Nam Cộng Hòa tuy chưa hoàn hảo, nhưng nhân bản, dân chủ, tam quyền phân lập rõ ràng, cương quyết bảo vệ lãnh thổ, chống ngoại xâm. (Ở Việt Nam có chuyện tiếu lâm là mấy ông thầy bói mù cũng sáng mắt ra sau năm 1975.)
Ý dân, lòng dân là nền tảng để lịch sử phán xét. Với nền tảng ý dân và lòng dân hiện nay như thế, rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa mới đúng là chế độ chính thống trong cuộc chiến vừa qua. Lòng dân ước mơ, lòng dân mong đợi, thì trước sau gì Việt Nam Cộng Hòa cũng sẽ có ngày trở lại. Hiện tình rối loạn trong nước cho thấy ngày đó sẽ không xa.
(Montreal, 30-4-2017)
No comments:
Post a Comment