VIỆT NAM (NV) – 316.300 tỉ trong số 342.060 tỉ mà Việt Nam vay trong năm nay sẽ được dùng để “cân đối ngân sách”. Tuy thiếu trước, hụt sau nhưng những “công trình” như “cổng chào, “tháp biểu tượng” vẫn được thực hiện.
Văn phòng Chính phủ Việt Nam vừa công bố “kế hoạch vay – trả nợ của chính phủ năm 2017”. Theo đó, năm nay chính phủ Việt Nam sẽ vay từ các nguồn trong nước là 243.300 tỉ đồng và vay ngoại quốc 98.760 tỉ đồng. Tổng số tiền vay theo kế hoạch vừa kể là 342.060 tỉ đồng.
Đáng chú ý là có tới 316.300 tỉ đồng trong 342.060 tỉ đồng đi vay được dùng vào việc “cân đối ngân sách”. Văn phòng Chính phủ Việt Nam giải thích, “cân đối ngân sách” là bù đắp bội chi (172.300 tỉ đồng) và trả nợ gốc (144.000 tỷ đồng). Khoản còn lại từ tổng số tiền dự trù sẽ vay trong năm nay (25.760 tỷ đồng) dùng để cho vay lại.
Những con số vừa kể cho thấy, ngân sách Việt Nam tiếp tục thiếu trước, hụt sau. Đáng ngạc nhiên là trong bối cảnh như thế, nhiều công trình vô bổ vẫn được thực hiện.
Song song với chuyện Văn phòng Chính phủ Việt Nam công bố “kế hoạch vay – trả nợ của chính phủ năm 2017”, chính quyền tỉnh Thái Bình loan báo đang gấp rút hoàn tất thủ tục để xây dựng “tháp biểu tượng”, trị giá 300 tỉ.
Báo điện tử VnExpress cho biết, “tháp biểu tượng” mà chính quyền tỉnh Thái Bình đang hối hả chuẩn bị khởi công có 25 tầng, cao 126 mét, diện tích khoảng 16.500 nét vuông, tọa lạc trong khu công viên sinh thái ở phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình.
Ông Lại Văn Hoàn, Chánh Văn phòng tỉnh Thái Bình, bảo với VnExpress rằng, “tháp biểu tượng” sẽ khởi công vào quý ba và chi phí sẽ từ “nguồn xã hội hóa”.
“Nguồn xã hội hóa” là cách gọi những khoản mà hệ thống công quyền tại Việt Nam buộc dân chúng và doanh giới đóng góp. Đôi khi có một vài doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn. Tiếng là “ủng hộ” nhưng những doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn sẽ được trả lại thông qua việc được chọn làm nhà thầu, được hưởng vô số ưu đãi khác mà phía sau những ưu đãi này là sự thiệt thòi của cả dân chúng lẫn ngân sách.
Tháng trước, chính phủ Việt Nam vừa ra lệnh cấm chính quyền các tỉnh sử dụng công xa từ “nguồn xã hội hóa”, sau khi chính quyền tỉnh Cà Mau và chính quyền thành phố Đà Nẵng nhận hàng chục xe hơi, mỗi xe trị giá vài ba tỉ từ một số doanh nghiệp. Sau đó, những doanh nghiệp này được giao rừng, giao đất với hàng loạt ưu đãi đi kèm.
Ngoài Thái Bình, trước khi chính phủ Việt Nam công bố “kế hoạch vay – trả nợ năm 2017” chừng một tuần, chính quyền tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức khánh thành “cổng chào” được cho là lớn nhất Việt Nam. Tuy chỉ là “cổng chào” nhưng công trình này nuốt của ngân sách tới 200 tỉ đồng. Dẫu chính quyền tỉnh Quảng Ninh ra sức quảng bá, cổng chào vừa tượng trưng cho “những dãy núi đá trùng điệp ở Quảng Ninh”, vừa có dáng như một con rồng, vừa tích hợp vịnh Hạ Long – nơi được xem là di sản thiên nhiên của thế với Trung tâm Phật giáo Yên Tử theo tiêu chí “uy nghi, vững chãi, ấn tượng” nhưng đa số người dùng Internet tại Việt Nam bảo rằng, dù rất cố gắng, họ vẫn thấy cổng chào chỉ là một đống sắt thép ngốn quá nhiều tiền. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment