Danlambao gửi đến bạn đọc trong thôn một bài viết phò Nguyễn Tấn Dũng, bênh Đinh La Thăng, chống Nguyễn Tấn Sang, chửi Huy Đức và... thương Nguyễn Phú Trọng. Đây là một trong những "trăm hoa đua nở" của các đồng chí bám đảng "phê" nhau để dọn bữa tiệc người trong hội nghị TƯ 5 của đảng cộng sản.
*
Khuôn xanh có biết vuông tròn hay chăng
Sông Hồng - Tôi không tin ông Nguyễn Phú Trọng là bậc cao thủ trong những cuộc đấu đá chính trị. Tôi cũng không tin ông là người tham quyền cố vị. Nhưng tôi tin vào cái tên “Lú” mà dân Hà Nội đặt cho ông. Tuy vậy, từ “Lú” ở đây bao hàm ý hiền lành đến mức bị lợi dụng.
Anh em thù hận
Nổi bật trên sân khấu chính trị Việt Nam trong những năm gần đây, người ta thấy có hai người anh em gốc miền Tây Nam bộ: Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với những màn đấu đá rùng rợn.
Người coi trận quyền của hai võ sĩ cùng lò luyện, cùng môn phái nhận ra: ông Sang ra đòn trước, dồn đối phương vào thế thủ. Hay nói trắng ra rằng: Ông Sang gây sự với ông Dũng, mà không thấy ông Dũng trả đũa.
Một mình không thể hạ gục được ông Dũng, ông Sang tìm kiếm đồng minh. Ông Trọng chỉ đơn thuần là người phất cao ngọn cờ chống tham nhũng, nhưng ông Sang mượn tay và núp dưới bóng cờ để diệt đối phương.
Tờ báo mạng Quan Làm Báo ra đời, nhằm thẳng quân thù mà bắn: Vạch tội, bôi đen, lăng mạ, tung tin, xách mé, gọi thẳng ông Dũng là “tên y tá”.
Ông Dũng vượt qua bão tố, giành một thắng lợi đến mức ngoạn mục. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, tại Hội nghị Trung ương 10, Khóa 11, ông Dũng đạt số phiếu “tín nhiệm cao” 153 /197 phiếu. Ông về đầu bảng. Ông là quán quân. Ông trở thành ứng cử viên nặng ký nhất cho ghế tổng bí thư nhiệm kỳ tới. Trong khi ông Trọng chỉ được 135/197 phiếu, đứng thứ tám trong bảng xếp hạng từ cao xuống thấp.
Quan Làm Báo vừa lá cải vừa không kinh nghiệm trận mạc nên bị loại. Huy Đức, người thạo nghề viết lách xuất hiện. Lần lượt từng bài, từng bài như những phát tên lửa Tomahawk nã vào ông Dũng, đồng thời lăng xê ông Trọng đến tận thiên đàng.
Huy Đức tố cáo ông Dũng là: “Vơ vét cho đến khi thừa mứa”, “ông hoàng bà chúa”, “độc tài”... Những thành công ngoại giao của ông Dũng cũng bị Huy Đức đổi trắng thay đen.
Cơn thịnh nộ của dư luận về tham nhũng đang lang thang không địa chỉ, nay bỗng hướng vào ông Dũng. Sự nghiệp chính trị của ông tan nát. Ông Dũng cáo từ bằng lá thư dài chín trang gởi cho Bộ Chính trị kèm lời đoạn tuyệt: Quyết không xin, cho cũng không nhận tái cử.
Tôi không nghĩ ông Trọng quá tham quyền cố vị muốn ở lại thêm khóa nữa. Người ta phải đội ông lên, kéo ông lại, lách Điều lệ Đảng, không để “tên y tá- X” ngồi vào chỗ đó.
Ông Sang thắng. Ông Dũng thua, rời sân khấu chính trị vào thời điểm mà uy tín của ông trong đảng, trong dân và cả trường quốc tế khá cao.
Xảo thuật tinh vi
Nếu ông Đinh La Thăng không làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn, thì có bị thanh tra không?
Cách nay hơn một năm, ông Trọng cùng Ban Tổ chức Trung ương điều ông Thăng vào Sài Gòn. Nhiều người tin rằng: Đó là một quyết định đúng. Nó là lời tuyên chiến với nạn cát cứ, vua một cõi, trên bảo dưới không nghe.
Dư luận lờ mờ nhận ra: Với ông Sang, mất ghế Chủ tịch nước là mất ít, nhưng mất Sài Gòn là mất trắng. Nhiều người tin một tay Bắc kỳ rặt như ông Thăng không thể sống sót ở thánh địa nơi mà nhiều bậc cao thủ phải âm thầm khăn gói quả mướp ra đi. Nhưng ông Thăng không những trụ được mà còn thiết lập lên uy tín. Không có dấu hiệu gì ông Thăng rời Sài Gòn sớm như dự đoán.
Huy Đức lại có mặt tại hiện trường. Lần này, anh không rón rén, chẳng nể nang, tay đập facebook rầm rầm, miệng quát: “Thanh hay Thăng”.
Tiếp theo là một xảo thuật cực kỳ tinh vi. Họ chụp lên đầu ông Thăng một cái mũ gắn phù hiệu “X”. Cả thiên hạ tin rằng ông Thăng là tay chân, là cánh hẩu, là đồng bọn, cùng nhóm lợi ích với đồng chí X.
Hình ảnh một thủ tướng X bạo tàn, vơ vét cho đến khi thừa mứa, độc tài, bất tài, cha truyền con nối, giờ đây chuyển cả cho Thăng. Ngọn lửa hận thù tham nhũng của “toàn đảng, toàn dân, và toàn quân”, nhất là các đồng chí đã nghỉ hưu cháy ngùn ngụt, hừng hực, phút chốc trùm lên đầu Thăng vì ông Dũng đã bị loại.
Cơn Đại Hồng thủy ập đến, ông Thăng vẫy vùng, ngụm lặn trong tuyệt vọng. Thử hỏi, còn tay Bắc kỳ to gan nào dám mơ mộng để kiến tạo Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông.
Hiện tượng Huy Đức
Theo dõi thời tiết chính trị Việt Nam những năm gần đây, người ta có cảm giác như Huy Đức là Tổng Bí thư, hay ít nhất cũng cỡ hàng thứ hai, thứ ba trong Bộ Chính trị.
Huy Đức vẫy bút vu vơ trên không gian ảo. Thủ tướng Dũng phải bỏ Ba Đình về lại Cà Mau - Rạch Giá. Huy Đức quát “Thanh hay Thăng”: Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh, Đại biểu Quốc hội, bỏ của chạy lấy người, chấp nhận kiếp lưu đày nơi phương trời vô định. Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, chờ ngày hành quyết.
Ở Việt Nam, ai thò tay ra nhổ một cọng lông chân lãnh đạo, người đó được an ninh mời đi uống cà phê. Vậy mà, một mình Huy Đức được chơi xả láng. Một mình Huy Đức được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, quyền được biết. Một mình Huy Đức nắm vững những hoạt động của đảng và chính phủ, thậm chí đến từng chi tiết, từng con số.
Ngót một ngàn cơ quan truyền thông với hai chục ngàn phóng viên không được bàn tán, chém gió, bình loạn chuyện cơ mật, chuyện nhân sự, nhưng Huy Đức được. Ngót hai năm, Huy Đức chém gục hai Ủy viên Bộ Chính trị, hai chính khách sáng giá, đang ở thời phong độ.
Vậy, Huy Đức là một hiện tượng. Bình thường hay bất thường? Chúng ta tự hỏi.
Làm người tử tế
Trước khi nghỉ hưu, ông Dũng tự nhủ mình cùng các chiến hữu và cả với đối thủ: “Làm người tử tế”.
Đấy là bài diễn văn ngắn nhưng hay nhất trong cuộc đời chính trị của ông. Ông thoáng hiện lên như hình ảnh của Bồ Tát hay của Chúa Giê Su.
Ấy chết! Xin bạn đừng nổi nóng bảo tôi là kẻ ngoại đạo, tà giáo báng bổ các bậc thánh linh. Xin bạn đừng bảo tôi là tên nịnh bợ. Xin bạn đừng mắng tôi là kẻ lộng ngôn, ấu trĩ hay thiển cận. Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ của Chúa Giê Su trên đất, một trong những điều quan trọng nhất mà Ngài rao giảng: Tha thứ, yêu thương kẻ thù nghịch, giải quyết mọi xung khắc bằng lòng bác ái.
Cả khi ông Dũng còn nắm quyền lực và lúc về hưu, người ta không thấy dấu vết của sự trả đũa, mặc dù ông đã bị đánh đến tả tơi. Đấy chẳng phải là một hình ảnh của nhân văn, của lòng cao thượng, của bậc chí thánh sao? Bởi vì, ai cũng sợ âm vang của tiếng súng K59 trên núi rừng Yên Bái.
Ông Trọng lẩy Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng cách chuồn. Khuôn xanh có biết vuông tròn hay chăng?” Phận ông không mỏng, mà ngược lại rất dầy và sự thực thì đất không vuông mà trời cũng chẳng tròn.
Thứ Năm, ngày 4 tháng 5 năm 2017
Sông Hồng
No comments:
Post a Comment