Việt Hà, phóng viên RFA 2017-05-03
Ảnh ghép Bí thư thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (trái) và cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải). AFP photo
Ngay trước thềm hội nghị trung ương 5 Đảng Cộng Sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 5 tháng 5 tới tại Hà Nội, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin và bài về đề nghị xem xét kỷ luật Bí thư thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Đây không phải là lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính Trị bị đề nghị kỷ luật. Lần gần đây nhất là tại hội nghị trung ương 6 hồi năm 2012. Tuy nhiên có gì khác biệt giữa hai lần này?
Minh bạch hay đấu đá nội bộ
Một ngày sau khi kết thúc kỳ họp thứ 14 từ ngày 24 đến 26 tháng 4, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra thông báo và được đồng loạt các báo loan tin về đề nghị kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng. Các ngày sau đó nhiều báo tiếp tục đưa các bài viết nhận định đề nghị kỷ luật này là hợp lý vì những sai phạm mà ông Đinh La Thăng mắc phải khi đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội và ngoài đường, công chúng cho rằng sự công khai này của Đảng không phải là chỉ dấu của sự tiến bộ và minh bạch. Blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng nói với đài Á châu Tự do:
Nhiều người cho rằng đó là một sự tiến bộ trong đảng nhưng tôi cho rằng đó là một cái chỉ báo không phải là tiến bộ mà là tiêu cực. Trước khi tiến hành một cái kỷ luật thì người ta đã chủ động đưa thông tin để tạo áp lực lên dư luận để nhằm mục tiêu kỷ luật, thanh trừng những nhân vật này nọ.
Vì lý do gì đến bây giờ lại lôi cái kỷ luật cũ, trách nhiệm cũ để yêu cầu kỷ luật và thuộc phạm vi của Bộ Chính trị xử lý?
- Giáo sư Tương Lai
Thông báo của ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản kết luận ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hồi đồng thành viên Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 đến 2011 dẫn đến thua lỗ hàng trăm triệu đô la cho tập đoàn.
Bất chấp những sai phạm trong nhiều năm, ông Đinh La Thăng vẫn được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải năm 2011. Tại Đại hội đảng 12 diễn ra hồi đầu năm 2016, ông Đinh La Thăng đã được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng và được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, trong khi cấp dưới của ông là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam lại bị truy nã quốc tế vì các cáo buộc sai phạm ở PVC. Điều này đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi tại sao đến giờ này ông Đinh La Thăng mới bị đề nghị kỷ luật. Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện xã hội học Việt Nam đặt câu hỏi:
Điều kỳ lạ là ông ta chịu trách nhiệm về các vi phạm, với tư cách là nguyên Bí thư Đảng Ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tập đoàn dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 – 2011 thì lý do gì đến Đại hội thứ 12, người ta lại bầu ông vào trong Bộ Chính trị, là cơ quan cao nhất của Đảng? đó là logic gì? Tại sao khuyết điểm kéo dài như thế, tổn hại đến nền kinh tế quốc gia lớn thế mà lại không kỷ luật hồi ấy? mà vẫn đưa làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải? Vì lý do gì đến bây giờ lại lôi cái kỷ luật cũ, trách nhiệm cũ để yêu cầu kỷ luật và thuộc phạm vi của Bộ Chính trị xử lý?
Trả lời cho câu hỏi này, giáo sư Tương Lai nhận định.
Tôi cho rằng cuộc đấu này là cuộc đấu giữa các thế lực chính trị giành giựt cái ghế quyền lực, chả có liên quan gì đến các vấn đề khác, tùy theo tương quan lực lượng của cuộc đấu tranh của các thế lực giằng co, lúc nào người ta đưa ra, lúc nào người ta thụt vào.
Nhưng đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng ngay trước một hội nghị trung ương cũng làm nhiều người liên tưởng đến đề nghị kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị khác vào năm 2012 mà các lãnh đạo đảng vẫn gọi một cách giấu giếm là đồng chí X. Sau đó nhiều báo mạng và các chuyên gia tình hình chính trị Việt Nam từ nước ngoài đã nhận định đồng chí X chính là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhìn lại đề nghị kỷ luật đồng chí X
Ngay trước hội nghị trung ương 6 năm 2012, trên các trang mạng đã có nhiều thông tin đồn đoán về những vụ đấu đá nội bộ giữa các lãnh đạo đảng liên quan đến việc ai là người phải chịu trách nhiệm trước nạn tham nhũng tràn lan, sự yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và tình hình kinh tế trì trệ. Tuy nhiên báo chí chính thống không hề có thông tin về những đề nghị kỷ luật cụ thể một cá nhân nào.
Trong bài phân tích ngay khi hội nghị diễn ra, nhà quan sát chính trị Việt Nam, giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc viết:
Tấm vải trải bẩn thỉu của Việt Nam đã được bày ra trên những trang blog, cung cấp các thông tin chi tiết về tham nhũng và sự thiên vị bởi một mạng lưới những người thân cận và thành viên gia đình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong khi chưa thể xác định được các thông tin về những tài khoản mạng này nhưng nhiều người tin là chỉ có những người bên trong đảng mới có tiếp cận với những thông tin loại này…. Cho đến lúc này phần đông những nhân vật quan trọng bị cáo buộc tội tham nhũng thì đều hoặc do Thủ tướng chỉ định, hoặc nằm trong tầm ảnh hưởng của Thủ tướng, hoặc đã được xác định là nằm trong số những người ủng hộ Thủ tướng.
Câu hỏi lúc đó được đặt ra là liệu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mất chức của mình hay không hay chỉ tự kiểm điểm và chấp nhận để một số người thân cận của mình trong đảng bị mất chức?
Cho đến lúc này phần đông những nhân vật quan trọng bị cáo buộc tội tham nhũng thì đều hoặc do Thủ tướng chỉ định, hoặc nằm trong tầm ảnh hưởng của Thủ tướng...
- Giáo sư Carl Thayer
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không phải chịu hình thức kỷ luật nào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu kết thúc hội nghị 6 được báo chí đồng loạt đăng tải đã không hề nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng Hội nghị Trung ương 6 không áp dụng biện pháp kỷ luật đối với toàn thể Bộ Chính trị và một thành viên của Bộ Chính trị. Hội nghị kêu gọi sửa chữa sai lầm để các thế lực thù địch không thể bóp méo tình hình.
Trong cuộc họp tiếp xúc cử tri Sài Gòn vào ngày 17 tháng 10 cùng năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói là một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính Trị bị đề nghị kỷ luật tại hội nghị trung ương là đồng chí X.
Nhận định về sự khác biệt về tính công khai minh bạch trong hai trường hợp đồng chí X và ông Đinh La Thăng, blogger Trương Duy Nhất cho biết:
Lúc đó ông ấy quá mạnh nên những cánh đối nghịch không tạo được những sức mạnh để khống chế truyền thông như những vụ việc đang xử lý bây giờ. Cơ bản là khi đó lực ông Dũng còn quá mạnh…. Tất nhiên cái thế của ông Thăng giờ còn quá yếu. Thế của ông Thăng còn phải đi đường dài mà ông người ta đã chặn ngay từ những bước đầu tiên.
Theo quy định, Ban chấp hành Trung ương là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng của đảng giữa hai kỳ đại hội. Hội nghị ban chấp hành Trung ương có quyền loại bỏ bất cứ thành viên nào bao gồm cả thành viên của Bộ Chính trị. Câu hỏi đặt ra là tại hội nghị lần này các ủy viên Ban chấp hành trung ương sẽ bỏ phiếu thế nào đối với đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng, nhất là vào khi báo chí chính thống đã đồng loạt đưa tin, chỉ trích những sai phạm của ông một cách công khai?
Theo thông tin mới nhất trên mạng mà đài Á châu Tự do chưa thể kiểm chứng, tại hội nghị trù bị cho hội nghị trung ương 5 diễn ra ở Hà nội hôm 3 tháng 5, ông Đinh La Thăng đã chính thức xin rút khỏi Bộ Chính trị và thôi chức Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
No comments:
Post a Comment