Friday, March 3, 2017

Vỉa hè Quận Nhứt và Giải Nobel Y khoa

Lê Trọng Hiệp (BVN) - ...Trụ sở của các cơ quan trung ương có thể ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè vì xem mình đứng trên luật pháp. Thân nhân các quan chức ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè vì nghĩ rằng họ miễn dịch với luật pháp. Còn lại là dân buôn gánh bán bưng, những người sửa xe, xá xe, v.v... Bất cứ vỉa hè thành phố nào của Việt Nam cũng có bóng dáng của họ. Họ có thể nào yên ổn làm ăn với hệ thống công an, dân phòng, đội trật tự đô thị nếu không “chung chi”? Và chính đội quân “nách thước, tay dao” này lại phải chung chi cho các quan chức cấp phường và quận để có một việc làm như thế...

*

Tuần qua tại Sài Gòn xảy ra hai việc có bản chất giống nhau, tuy nhiên chỉ một gây sự chú ý. Thứ nhất là chiến dịch “Biến Quận Một thành Singapore thu nhỏ”, thứ hai là dự án kiếm cái giải Nobel Y khoa để... “vẻ vang thành phố Hồ Chí Minh”, qua mặt cả thủ đô Hà Nội.

Và trước đó một tuần, tại cả hai nơi, lại xảy ra một sự kiện đáng hổ thẹn trước hai bức tượng, tượng Lý Thái Tổ và tượng Trần Hưng Đạo.

Tại Hà Nội sáng ngày 17.2.2017 có khoảng 100 người dân tụ tập trước Tượng đài Lý Thái Tổ để thắp hương tưởng niệm 6 vạn đồng bào và chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến 1979. Thay vì sát cánh cùng người dân trong buổi lễ này, chính quyền cử một số lượng rất lớn công an chìm và nổi đến kiểm soát. Chính quyền không dám phá buổi lễ nhưng sau đó lại bắt giữ nhiều nhân vật chủ chốt.

Còn tại Sài Gòn thì buổi tưởng niệm đã không thể diễn ra khi công an chia ra nhiều tốp. Tốp thì vây chặt Tượng đài Trần Hưng Đạo không cho ai đến gần. Tốp thì chặn bắt những người đã đến đưa lên xe bus để chở ra ngoài. Tốp thì chặn các nhân vật hoạt động nổi bật không cho ra khỏi nhà.

Bốn câu chuyện này tuy khác nhau nhưng lại nhất quán với nhau.

Cái vỉa hè và Giải Nobel

Quận 1 Sài Gòn đang rục rịch... hóa rồng, chuyển mình làm Singapore bằng chiến dịch giải phóng vỉa hè. Suốt cả tuần qua ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Quận 1, đã đích thân dẫn đoàn kiểm tra liên ngành đi dàn ngang trên các đường phố chính của quận để dọn dẹp vỉa hè, quyết tâm biến khu trung tâm Sài Gòn “thành Singapore thu nhỏ”.

Đoàn quân này đã dùng máy móc đập phá, tháo dỡ những “công trình lấn chiếm vỉa hè”, phạt người bán hàng rong, đái bậy, chạy xe máy trên vỉa hè. Họ cũng thẳng tay xử phạt hay cẩu những xe hơi nhà nước (biển xanh) đậu trái nơi quy định về trụ sở phường sở tại, thậm chí đập phá rào chắn hay trạm gác công an của chi nhánh Ngân hàng nhà nước tại Sài Gòn. Ông Hải, tuyên bố “Không thể để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, buôn bán hàng rong, tiểu bậy... gây mất mỹ quan tiếp tục diễn ra. Từ nay đến cuối năm, đích thân tôi sẽ trực tiếp cùng với các lực lượng chức năng của quận kiên quyết xử lý triệt để, không ngại đụng chạm, tất cả đều phải thượng tôn pháp luật”.

Trong khi đó thì ý tưởng về giải Nobel lại được Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề ra trong buổi gặp gỡ giữa các thầy thuốc và Thường trực Thành ủy vào chiều 24.2, nhân kỷ niệm 62 năm “Ngày thầy thuốc Việt Nam”.

Trong cuộc họp Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng - được diễn tả là “chuyên gia đầu ngành về sản khoa Việt Nam” - trăn trở là “bác sĩ ở Việt Nam trình độ, tay nghề rất giỏi, nhưng cơ sở vật chất và sự chuyên nghiệp lại không theo kịp”. Bà phát biểu: “Hiện nay các anh chị bác sĩ ở đây ngang hàng với nước ngoài, nhưng chỉ là ở khía cạnh cá nhân. Nhưng làm sao phải để cho cả mặt bằng y tế nước ta ngang hàng với nước ngoài”.

Một người có trí tuệ trung bình thì khi nghe cụm từ “mặt bằng y tế” ắt phải nghĩ đến các “mặt bằng” khác trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học, v.v... Tuy nhiên ông Đinh La Thăng lại là ngoại lệ. Đón nhận thông tin “bác sĩ ta giỏi lắm”, ông phởn lên nghĩ tới ngày bác sĩ nào đó trong thành phố mình lãnh đạo giật giải Nobel Y khoa. Ký giả Việt Đông tường thuật trong bản tin “TP. HCM nghiên cứu đề án giành Nobel y học” đăng trên Vietnamnet ngày 24.2.2017:

“[...] ông (Đinh La Thăng) cho đây là gợi ý và ý tưởng rất đáng suy nghĩ. Thành phố có đội ngũ y bác sĩ rất giỏi, có tiềm lực về y tế, có khả năng về kinh tế, có khả năng về nghiên cứu và nếu có quyết tâm có khả năng đạt được những thành tựu cao về y học. ‘Tiếp thu ý kiến của bác sĩ Phượng, lãnh đạo TP sẽ trao đổi và thành lập một tổ chuyên gia đầu ngành để chúng ta nghiên cứu thành lập đề án phấn đấu để có một đơn vị có thể giành được giải thưởng Nobel về y học trong tương lai” [... ] Ông khẳng định: ‘Chúng ta sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước làm được điều đó. Vì tất cả chúng ta ngồi ở đây sẽ là người quyết định có hay không có giải thưởng Nobel y học’”.

Ít ai để ý đến dự án điên rồ của ông Thăng nhưng việc làm của ông Hải thì thu hút công luận, ủng hộ khá đông nhưng cũng không ít người tỏ ý hoài nghi tính cách “ra quân kiểu phong trào”.

“Tư duy phong trào”

Vấn đề đặt ra là: ông Hải là Phó chủ tịch và còn có bao nhiêu việc để làm, thế nhưng như đã tuyên bố thì nay đến cuối năm ông chỉ làm mỗi một việc là dọn vỉa hè. Chẳng lẽ Quận 1 biên chế hẳn một ông “Phó chủ tịch đặc trách vỉa hè”?

Nhưng hành vi đập phá không nương tay của ông ta lại được rất nhiều người hoan hô, bất kể là ông đập phá không kể luật. Theo luật thì đầu tiên phải nhắc nhở và ấn định thời hạn tháo dỡ, đến khi quá hạn mà không thay đổi thì mới phá và lúc này gia chủ phải chi trả toàn bộ chi phí đập phá, dọn dẹp.

Sở dĩ như vậy là do họ “mát lá gan”: những ấm ức bấy lâu nay của họ đã được giải tỏa phần nào. Đó là cảnh xe công chở quan chức cỡ bự, lâu nay vốn cậy thế mà phóng bậy và đậu càn, nay bị ông phạt thẳng tay. Đó là cảnh ông ra lệnh tháo gỡ các vọng gác hay rào chắn và bồn cây chắn lối của các cơ quan trung ương, khiến dân phải đi vòng xuống lòng đường nguy hiểm, v.v..

Thấy báo chí và dư luận tán tụng, nhiều quận khác của Sài Gòn cũng “ra quân chiếm lại vỉa hè”. Câu chuyện bay ra tới Hà Nội nhưng việc này khiến cho các quan chức Hà Nội khó chịu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội là Hoàng Trung Hải liên tiếng: “Hà Nội đã làm thế mấy năm rồi và làm gì thì làm, đừng để người dân nghĩ mình làm phong trào, rồi sau đó người ta lại lấn chiếm vỉa hè”. Phát biểu sáng 28.2.2017 trong cuộc họp tại quân Tây Hồ, ông cho rằng việc lập lại trật tự hè “không chỉ làm một, hai hôm là xong mà phải thường xuyên, gắn với văn hóa người dân, nếu không tạo được thói quen, nề nếp cho người dân thì không đạt được sự bền vững trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị”.

Các quan chức nhỏ hơn cũng có cùng giọng điệu. Trao đổi với báo Tiền phong, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm – quận trung tâm Hà Nội - cho hay việc làm của ông Hải “chả có gì mới”. Ông phát biểu: “Công việc này được Hoàn Kiếm ra quân làm thường xuyên. Chúng tôi ra quân làm công việc này từ năm 2016, năm nay quận sẽ tiếp tục triển khai. Năm 2017, chúng tôi ra quân làm từ mồng 5 Tết...”.

So sánh với cách làm cứng rắn, không bỏ qua trường hợp vi phạm nào của Sài Gòn, ông Long khẳng định: “Hà Nội có cách làm của mình”.

Tương tự, Chủ tịch quận Hai Bà Trưng là Vũ Đại Phong giải thích: “Việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường chúng tôi làm thường xuyên. Nhưng mỗi nơi, mỗi địa phương đều có đặc thù của nó nên cách làm khác nhau. Có rất nhiều vấn đề ở vỉa hè, công tác quản lý đô thị đối với vỉa hè không chỉ là việc cho người đi bộ”.

Hà Nội “có cách làm riêng” và “đặc thù của nó”, vậy nó là cái gì?

“Đặc thù Hà Nội”

Có thể thấy tính “đặc thù” qua việc bẻ cong con đường Trường Chinh: tùy theo cách nhìn thì nó có thể “cong mềm mại” hay “cong như cái ghi đông”, nhưng vấn đề chính là đường đang thẳng mà lại bị bẻ cong.

Lý do rất dễ hiểu: vì đường chạy qua lô đất công do Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân quản lý, sau đó mang ra chia cho nhiều tướng tá không quân làm nhà, nay đã có người lên chức Thứ trưởng. Hà Nội muốn mở rộng con đường này nhưng các tướng không chịu, vận dụng đủ lý lẽ và quan hệ quyền lực để bảo vệ nhà mình, thành thử nhà ở phía đường bên kia phải dời sâu, hậu quả là nó bị “cong” ra.

Đó là nét “đặc thù” của Hà Nội nơi mỗi căn nhà, mỗi hàng quán hay khách sạn, cửa tiệm tại các khu vực đắc địa của trung tâm thủ đô đều có những quan hệ quyền lực sâu dày. Đó có thể là sân sau hay tài sản người nhà, con cháu của quan chức rất bự, đang có chân hay từng có chân trong Bộ Chính trị cỡ Đỗ Mười, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Văn An, v.v.. Chưa kể hàng trăm quan chức là kim hay cựu ủy viên trung ương đảng, v.v...

Đến Hà Nội, cứ hỏi giới thạo tin vỉa hè sẽ thấy rằng những tuyến đường đắt nhất là tuyến của các thành phần tư bản đỏ: khách sạn này là của cháu ông Mười, nhà hàng kia là của cháu ông Duyệt, v.v... Cứ thế, đám con cháu của các công thần đảng tỏa ra khắp 36 phố phường. Mà đám này thì hoàn toàn nằm trên pháp luật. Tuyến đường mới mở cần phải đi thẳng mới hợp với khoa học về giao thông, về thẩm mỹ đô thị, thế nhưng nếu vướng căn nhà hay cửa tiệm của đám công tử và tiểu thư đỏ nhiều như rươi ở Hà Nội thì phải chạy vòng quanh.

Đó chính là lý do sâu xa nằm sau “cách làm riêng” của Hà Nội. Tại Sài Gòn thì một vị Phó chủ tịch quận có thể ra lệnh phá hủy các bậc tam cấp dân xây trước ngạnh cửa nhà mình. Tuy nhiên tại Hà Nội thì hãy liệu hồn, mất chức như bỡn.

Nhưng Sài Gòn cũng có cái “đặc thù” của nó.

Đặc thù Sài Gòn

Một trong những cảnh dọn dẹp vỉa hè gây chú ý nhất là cảnh dẹp vọng gác trước chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Sài Gòn trên đường Võ Văn Kiệt vào chiều 27.2.2017.

Dưới sự lãnh đạo của ông Hải các nhân viên quản lý trật tự đô thị và cảnh sát đến gỡ những vọng gác lấn chiếm vỉa hè. Một quan chức ngân hàng ra càm ràm là làm sao không báo trước nhưng không chịu xưng tên, do đó đã bị ông Hải đuổi ra và ra lệnh tháo sạch.

Tuy nhiên sau đó đại diện Ngân hàng lên tiếng, khẳng định tuyên bố 4 chốt bảo vệ này là của Bộ Công an, thiết lập để bảo vệ kho tiền của nhà nước. Đồng thời họ dẫn chứng: trụ sở ngân hàng nằm trong danh mục được canh gác theo điều 6 của Nghị định 37/2009/NĐ-CP. Còn hàng rào xích bị ông Hải phá thì đã có từ trước năm 1975.

Thế là ông Hải phải co vòi lại, ra lệnh Đội quản lý đô thị quận 1 lắp lại các vọng gác ngay sau đó, đến 6 giờ tối là hoàn tất. Giải thích với báo chí ông Hải vớt vát: “Do đặc thù đây là địa điểm quan trọng, quận tạm thời cho lắp lại 4 vọng gác để anh em công an canh gác, tuần tra. Tuy nhiên phía ngân hàng có thời gian 1 tháng để hoàn thành các thủ tục, giấy phép đúng pháp luật khi lắp các chốt bảo vệ này”.

Hà Nội có nét “đặc thù” riêng của nó. Sài Gòn cũng có “đặc thù” của nó. Bao trùm lên trên nét đặc thù của cả hệ thống chính trị.

“Đặc thù” của chế độ

Nó thể hiện trong hành vi của ông Hải và ý đồ của ông Thăng.

Ông Hải thích thì làm, lấn được thì lấn, bất kể lề luật. Còn ông Thăng thì say sưa với những chuyện trên trời bất chấp thực tế của thành phố mình. Ông phởn lên với con số bác sĩ giỏi đếm trên đầu ngón tay mà quên đi cái “mặt bằng y tế” và bao nhiêu “mặt bằng” khác.

Chẳng nói đâu xa, khi ông ta say sưa với giải Nobel thì các bác sĩ lại lôi ông ta về với “mặt bằng y tế” ảm đạm, ngay tại buổi họp nói trên. Tại đây Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Phan Văn Trí than thở: năm 2012 khi thấy bệnh viện quá tải tới 145%, chính quyền thành phố đã cho cơ chế thành lập mô hình bệnh viện vệ tinh, tuy nhiên đến năm 2016 bệnh viện vẫn bị quá tải 145%!

Đạt giải Nobel là việc cực kỳ khó. Mà nếu đạt được thì giải thưởng trên cũng khó mà thay đổi hiện trạng nói trên.

Xem ra giải này (nếu đạt được) cũng giống như cái “giải” đã đạt vào năm 1980 với việc Phạm Tuân trở thành “phi công vũ trụ Á châu đầu tiên bay vào vũ trụ”. Thì Việt Nam đã bay vào vũ trụ thật đó, nhưng bay để được cái gì, ngoài mấy câu ca dao mà dân gian chế diễu kiểu Bút Tre:

Dân ta ăn độn, ăn mì
Mày lên vũ trụ làm gì hở Tuân.

Hay:

Hoan hô đồng chí Gơ rồ
Bốt-kô đã được đảng tà thưởng huân
Chương vì đưa được thằng Tuân
Bay lên vũ trụ cả tuần chẳng sao.

Trong chuyến bị dân gian giễu cợt là “đi ké” với phi hành gia Nga Viktor Vassilyevich Gorbatko, Phạm Tuân đã bay tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo Trái Đất và tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất hay trồng bèo hoa dâu trong tình trạng phi trọng lực. Tới nay vẫn chưa thấy nói về ứng dụng của những thí nghiệm trên, về những lợi ích của chuyến bay cho đất nước, chỉ biết ông ta là một trong những vị tướng góp phần “bẻ” cong đường Trường Chinh thẳng tắp nói trên “cong như cái ghi đông”: chả là ông ta cũng được chia cho lô đất làm nhà tại đây.

Giải Nobel Y khoa có thể mang lại gì cho đất nước? Bao nhiêu chuyện để làm, chuyện nào cũng thiếu vốn đầu tư cả, có cần phải dồn hết tài nguyên để tìm ra niềm tự hào tương tự chuyến bay vũ trụ này?

Nhưng cũng có thể ông Đinh La Thăng có lý. Nếu một bác sĩ nào đó tại Sài Gòn giành được giải Nobel Y khoa, con bệnh từ khắp thế giới sẽ ùn ùn kéo đến, giới đầu tư nước ngoài cũng hồ hởi rót tiền vào, do đó tình trạng trên sẽ được cải thiện.

Trong khi chờ đợi ngày “tổ chuyên gia đầu ngành” ra đời để Sài Gòn giật giải Nobel thì thành phố này đã rục rịch làm Singapore bằng chiến dịch đòi lại vỉa hè. Nhưng với kiểu làm phong trào này thì cuối cùng thì đâu cũng vào đó. Ngày 28.2.2017 báo Thanh niên đăng bản tin “Đường phố Quận 1, những nơi ông Đoàn Ngọc Hải từng đến 'giành lại vỉa hè'”, cho biết: “Sau nhiều đợt ra quân 'giành lại vỉa hè' dưới sự chỉ đạo của ông Đoàn Ngọc Hải, trong khi nhiều tuyến đường đã trở nên thông thoáng và khang trang hơn, ý thức người dân cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, một số ít nơi vẫn còn tái diễn vi phạm”.

Chỉ mới một ngày hôm sau thôi mà đã vậy thì nói gì là tuần sau, tháng sau, năm sau? Giới lãnh đạo tại Sài Gòn muốn bắt chước cách quản lý đô thị của Singapore, tuy nhiên họ không ý thức rằng quản lý đô thị chỉ là một phần nhỏ trong các quản trị quốc gia!

Quản trị một quốc gia

Trụ sở của các cơ quan trung ương có thể ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè vì xem mình đứng trên luật pháp. Thân nhân các quan chức ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè vì nghĩ rằng họ miễn dịch với luật pháp. Còn lại là dân buôn gánh bán bưng, những người sửa xe, xá xe, v.v... Bất cứ vỉa hè thành phố nào của Việt Nam cũng có bóng dáng của họ. Họ có thể nào yên ổn làm ăn với hệ thống công an, dân phòng, đội trật tự đô thị nếu không “chung chi”? Và chính đội quân “nách thước, tay dao” này lại phải chung chi cho các quan chức cấp phường và quận để có một việc làm như thế.

Đập phá tanh bành nguồn làm ăn của dân nhưng có phá vỡ ra cái kỹ nghệ tham nhũng và vạch mặt được bọn sâu dân mọt nước kia hay không? Tháo gỡ vọng gác của Ngân hàng Nhà Nước rồi sau đó lại hì hục mang đến trả thì cuối cùng chỉ có dân gánh chịu: tiền đây cũng là tiền của dân, tiền từ thuế dân đóng, từ các tài nguyên đã bán cho nước ngoài hay tiền vay mượn mà con cháu đời sau của dân sẽ è cổ ra trả!

Đây chính là vấn nạn mà chế độ tạo ra với tình trạng vô pháp luật bao trùm mọi cấp, nạn tham những bao trùm đủ mọi cấp.

Singapore có một đô thị xinh đẹp, trước hết là nhờ cơ chế pháp trị của nó. Dù Singapore vẫn là một thể chế “chuyên chế mềm”, nó vẫn là một xã hội mà không ai có thể ngang nhiên dẫm lên pháp luật.

Các quan chức Sài Gòn muốn học theo Singapore thì ở đây ta cũng thử xem Singapore đã học từ ai.

Tư thế đĩnh đạc cả khi thua trận

Người có công đầu trong việc tạo dựng nên một Singapore hiện đại của hôm nay là Lý Quang Diệu. Nhưng ông Diệu đã học cách trị nước này từ người Anh, ngay vào lúc người Anh bại trận, một thất bại đau đớn và điếm nhục nhất trong lịch sử của mình: trận thất thủ Singapore năm 1942.

Trong hồi ký của mình, ông Lý cho biết từ trẻ, khi chứng kiến cảnh quân đội Anh tại Singapore xếp hàng rút về Malaysia trước sức tấn công của quân Nhật, ông đã thán phục tinh thần của người Anh và nguyện là sau này sẽ xây dựng đất nước của mình theo tinh thần và ý chí sắt thép của người Anh.

Theo diễn tả của ông thì dù thất trận phải triệt thoái, những người lính Anh vẫn đi đứng đĩnh đạc, thẳng người, mắt nhìn thẳng, hàng ngũ chỉnh tề và dĩ nhiên là luôn trật tự. Khi thất thế mà vẫn vững vàng như thế thì tập thể đó rất đáng để học hỏi và noi theo.

Ở đây các quan chức lãnh đạo cộng sản VN cũng cần học hỏi như vậy.

Hãy bớt huênh hoang, bớt phí tiền bạc của dân vào các lễ tưởng niệm rầm rộ, việc xây các tượng đài chiến thắng hoành tráng. Nhưng họ cần phải ngửng đầu đĩnh đạc khi nói về những trận thua như trận Gạc Ma năm 1988 hay những trận đau như cuộc chiến 1979.

Như đã nói ở trên, chỉ mới ngày 17.2.2017 vừa rồi chính họ họ đã ra lệnh công an chìm và dư nổi kiểm soát hay phá hoại lễ tưởng niệm cuộc chiến 1979. Nghệ sĩ Kim Chi, một người bị đưa lên xe bus cùng hàng chục người khác khi vừa đến gần tượng Trần Hưng Đạo tại Sài Gòn phẫn nộ: “Thật là một hành động bán nước và vô ơn. Chúng tôi đi tưởng niệm đồng bào mình nhưng lại bị chính người Việt Nam của mình bắt giữ”.

Muốn học Singapore thì trước hết hãy học cách ứng xử mà đảo quốc này đã học từ người Anh trong cuộc chiến ngoại giao với Trung Quốc. Lính Anh thua trận nhưng vẫn ngửng cao đầu.

Một chính quyền đang huyên thuyên về “vai trò lịch sử” của mình mà lại cúi gằm mặt như là bọn ăn trộm vặt trước những sự kiện lịch sử nhức nhối nhất của dân tộc mình, thật là quá mỉa mai!


No comments:

Post a Comment