Friday, March 3, 2017

Formosa Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đầu độc biển miền Trung... thêm 2 năm nữa (!?)

Trần Thành – Tuấn Nguyễn-04-03-2017
(VNTB) - Kể từ hạ tuần tháng 2-2017, báo chí bị đề nghị dừng đăng các tin về vụ 'bùn lạ' này.
“Để thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh sẽ thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hệ thống CDQ). Việc chuyển đổi này sẽ được khởi công từ ngày 31-3-2017 và cam kết hoàn thành hệ thống CDQ trước ngày 30-6-2019”.
Một nguồn tin xác tin cho biết. Như vậy tiếp tục khả năng lại xảy ra “sự cố môi trường”.

Biển miền Trung đang bị nhiễm độc
Các bản tin báo chí hôm 1-3-2017 có cùng nội dung: Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay vệt nước đỏ xuất hiện ở cảng Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Cảng Sơn Dương của Công ty Formosa là do hiện tượng tảo nở hoa, hay còn gọi là thủy triều đỏ.
Kết quả phân tích 4 mẫu nước biển tại cảng Vũng Áng, so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ, nhận thấy: thông số Amonia vượt từ 4,52 đến 91,5 lần (trong đó mẫu có nước màu đỏ vượt 91,5 lần, mẫu nước không có màu đỏ cách bờ 650 m vượt 4,52 lần); 1 mẫu nước biển màu đỏ lấy gần bờ có Mn vượt 1,66 lần, Fe vượt 2,8 lần và Phenol vượt 10,3 lần; các thông số khác và mẫu còn lại đều đạt quy chuẩn cho phép.
Tại cảng Sơn Dương có Amonia vượt 31,2 lần.
Kết quả phân tích thực vật phù du trong 3 mẫu nước tại cảng Vũng Áng (điểm sát bờ, cách bờ 500 m và 1.000 m) và 1 mẫu tại Cảng Sơn Dương nhận thấy có sự xuất hiện mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (còn được gọi với tên khác là Noctiluca miliaris), càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao.
Vệt nước màu đỏ hồng tại Cảng Vũng Áng mật độ đạt khoảng 46 tế bào/lml (tương ứng khoảng 46.000 tế bào/1 lít nước biển) và vệt nước màu đỏ tại Cảng Sơn Dương mật độ đạt khoảng 135 tế bào/lml (tương ứng 135.000 tế bào/1 lít nước biển).
Lý thuyết cho biết, Noctiluca miliaris không sinh độc tố, nên không có nguy cơ gây ngộ độc cho người hay thuỷ sản. Nhưng chúng có khả năng tích tụ ammoniac với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước. Mật độ cao của chúng còn gây tình trạng cạn kiệt ô xy trong vực nước, từ đó có thể gây chết thuỷ sản.
Các thông tin đáng quan tâm khác: Phenol [C6H5OH] và các dẫn chất như cresyl (acid cresylic) là những chất rất thông dụng trong công nghiệp Phenol là HCHC có tính rất độc, gây bỏng nặng khi rơi vào da. Phenol và các dẫn xuất của Phenol là các chất độc hại gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người và mọi sinh vật sống. Trên góc độ môi trường Phenol và các dẫn xuất của Phenol được xếp vào loại chất gây ô nhiễm. Đây là nhóm tương đối bền, có khả năng tích luỹ trong cơ thể sinh vật và có khả năng gây nhiễm độc cấp tính, mãn tính cho con người.
Amoniac là một hợp chất vô cơ có công thức phân tử NH3. Trong tự nhiên, amoniac sinh ra trong quá trình bài tiết và thối rữa xác sinh vật.

Hệ lụy tất yếu của công nghệ dập cốc ướt
Như vậy, với các chỉ số nói trên cho thấy khả năng vùng biển ở khu vực Formosa Hà Tĩnh và Cảng Sơn Dương đang bị nhiễm độc. Tác nhân nghi vấn gây ra đầu tiên phải nghĩ đến là Formosa Hà Tĩnh. Lý do:Viện Công nghệ Môi trường cho biết đến nay Công ty Formosa vẫn chưa lập xong kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho toàn nhà máy và chuyển đổi công nghệ dập cốc ướt sang khô.
Cũng theo Viện Công nghệ Môi trường, phía chính phủ Việt Nam đã đồng ý dành thời gian khá dài đểFormosa Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hệ thống CDQ). Dự kiến, việc chuyển đổi này sẽ được khởi công từ ngày 31-3-2017 và cam kết hoàn thành hệ thống CDQ trước ngày 30-6-2019.
Theo Th.S Đỗ Thanh Bái, Ủy viên BCH Hội Hóa học Việt Nam, thành viên Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chấp hành pháp luật môi trường tại Công ty Formosa Hà Tĩnh, thì “Từ than nung đỏ trong lò chúng ta cần phải làm nguội nó để hình thành từng cục cốc (coke). Quá trình này gọi là quá trình dập hoặc tôi cốc. Có 2 cách tôi dập cốc: Tôi cốc bằng nước (tôi cốc ướt): là công nghệ cổ điển, trong đó cốc nóng từ 1.200-1.300 độ được dập xuống nhiệt độ 200-300 độ bằng nước lạnh. Phương pháp này sinh ra rất nhiều hóa chất độc hại, trong đó có phenol, cyanua, amoniac… Một lượng lớn hóa chất theo hơi nước bay lên trời gây ô nhiễm không khí.
Công nghệ dập hiện đại (tôi cốc khô):  Cốc nóng đỏ được dập khô bằng khí trơ trong hệ kín. Khi dập khô có hai lợi ích lớn. Thứ nhất là lấy được nhiệt để vận hành máy phát điện và thứ hai không hình thành ra phenol, cyanua và các hợp chất công nghiệp khác, nên khá thân thiện với môi trường. Tuy nhiên Formosa không chọn phương pháp “tôi cốc khô” này vì chi phí đầu tư đắt hơn.

Sai giấy phép, gây thiệt hại thì phải xử phạt và đóng cửa
Sáng 11-7-2016, Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong số 53 vi phạm bị phát hiện, nguy hiểm nhất là việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ mà không báo cáo cơ quan chức năng. Cụ thể, Formosa đã tự ý thay đổi từ công nghệ xử lý cốc khô sang công nghệ xử lý cốc ướt, phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, xác nhận khi kiểm tra liên ngành, phát hiện Formosa làm sai thiết kế cơ sở. Thay vì công nghệ luyện cốc là dập khô thì chủ đầu tư đã chuyển sang dùng công nghệ dập ướt.
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nói rằng Nghị định 12/2009/NĐ-CP (hết hiệu lực từ 5-8-2015, thay thế bằng Nghị định 59/2015/NĐ-CP) trao quyền cho chủ đầu tư quyết định công nghệ, nhưng một khi thay đổi thì doanh nghiệp phải báo cáo và giải trình việc thay đổi đó có ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả dự án, tác động đến môi trường… và những thay đổi phải theo hướng tác động tích cực chứ không thể ngược lại.
“Đặc biệt, cần xem xét tại sao thiết kế là vậy nhưng khi nhập máy móc thay đổi mà vẫn qua được cửa hải quan?. Vậy thì cần làm rõ xem tại thời điểm đó quy định về khai báo nhập khẩu thế nào… cần kiểm tra đối chiếu xem thực tế có đúng với mẫu mã, chủng loại phù hợp với thiết kế công trình mà anh được cấp phép”, ông Thắng nói. Về vấn đề này, lãnh đạo Chi cục Hải quan Vũng Áng thừa nhận, phần lớn máy móc, thiết bị của Formosa nhập khẩu đều được mở tờ khai tại Vũng Áng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập khẩu thì hải quan chủ yếu đối chiếu giữa hàng với các chứng thư thẩm định xem có trùng khớp hay không chứ không thể phân biệt các yếu tố công nghệ, kỹ thuật.
“Việc này hoàn toàn là do Formosa tự ý điều chỉnh so với công nghệ được duyệt và đây là bằng chứng hết sức quan trọng, không phải để chứng minh việc gây ra sự cố môi trường, nhưng là bằng chứng về việc vi phạm pháp luật của đơn vị”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Formosa, nơi gây nguồn thải nguy hiểm nhất chính là lò luyện cốc.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra: vì sao với sai phạm rất rõ ràng, chính phủ Việt Nam lại chấp nhận dành thời gian đến 2 năm để Formosa Hà Tĩnh chuyển đổi công nghệ? Trong hai năm chờ đợi đó, vì sao vẫn cho Formosa Hà Tĩnh hoạt động, với biện minh rằng họ đã hoàn thành các hạng mục xử lý chất thải?
Bởi vấn đề cốt lõi ở đây là công nghệ này dù “các hạng mục xử lý chất thải” có thế nào đi nữa, thì vẫn sinh ra phenol, cyanua, amoniac…, và một lượng lớn hóa chất theo hơi nước bay lên trời gây ô nhiễm không khí.
Đó là chưa kể về bùn thải – theo thông báo của Formosa Hà Tĩnh là khoảng 97 tấn/tháng ở lò luyện số 1 - , liệu có liên quan đến sự việc từ đầu năm đến nay các ngư dân ở Quảng Trị và Quảng Bình đang bị một chất nhầy có tính kết dính, trọng lượng khá nặng bám vào lưới tàu đánh cá, khiến nhiều tấm lưới chìm xuống biển. Những tấm lưới không bị chìm thì quá trình thu lưới kéo dài từ 6 tiếng tăng lên đến 20 tiếng, vệ sinh lưới mất thời gian, khó khăn và làm giảm chất lượng lưới.
Liệu đây có phải một vụ rò rỉ bùn thải ở lò luyện cao của Formosa Hà Tĩnh đang chạy thử nghiệm? Vụ việc “bùn lạ” này hiện vẫn chờ đợi câu trả lời từ các cơ quan chức năng. 
Nói thêm, kể từ hạ tuần tháng 2-2017, báo chí bị đề nghị dừng đăng các tin về vụ 'bùn lạ' này.

No comments:

Post a Comment