Friday, March 3, 2017

Bị đẩy vào tuyệt lộ vì đụng đến ‘quan’

Vợ chồng ông Thương đứng bên dãy nhà mà ông Việt xây lấn để cho thuê. (Hình: Báo Tiền Phong)
Suốt mười năm qua vợ chồng ông Mã Văn Thương bị tước đoạt quyền sở hữu cả trên giấy tờ lẫn thực tế sử dụng thửa đất của mình chỉ vì dám phàn nàn chuyện bị “quan” lấn lướt.
Gia đình ông Thương là chủ thửa đất có diện tích 1.392 mét vuông, tọa lạc tại phường 8, thành phố Bạc Liêu. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu từng minh định điều đó thông qua việc cấp cho ông Thương Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2005, hàng xóm của ông Thương bán cho ông Phan Hùng Việt – lúc đó là giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, mảnh đất liền kề với thửa đất của ông Thương. Giấy tờ ghi rõ diện tích của mảnh đất này là 490.1 mét vuông.
Năm 2008, ông Việt cho xây dựng trên mảnh đất liền kề với thửa đất của ông Thương một căn nhà để cho Đội Quản Lý Thị Trường, đơn vị thuộc quyền quản lý của ông, thuê và một dãy nhà nữa để cho thiên hạ trọ. Các công trình xây dựng trên mảnh đất của ông Việt lấn sang thửa đất của ông Thương một mét chiều ngang và ranh đất mới do ông Việt tạo ra chạy suốt từ trước ra sau.
Không cản được ông Việt, ông Thương nhờ chính quyền phường can thiệp. Chính quyền phường bó tay và chuyển vụ tranh chấp này đến tòa án thị xã Bạc Liêu. Tòa này tổ chức phân xử ba lần nhưng ông Việt không thèm đến. Trong thời gian đó, ông Việt có “đơn,” đề nghị chính quyền thị xã Bạc Liêu thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho chính ông để cấp lại giấy chứng nhận mới “cho đúng với diện tích thực tế.”
Tuy Luật Đất Đai của Việt Nam quy định, nếu xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất mà một hoặc các bên có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan xem xét, giải quyết tranh chấp là tòa án, song chính quyền thị xã Bạc Liêu vẫn đề nghị tòa án thị xã Bạc Liêu ngưng giải quyết vụ tranh chấp giữa ông Thương và ông Việt để họ “xử lý.” Đáng ngạc nhiên là tòa án thị xã Bạc Liêu vẫn đáp ứng đề nghị này.
Sau khi tòa án thị xã Bạc Liêu chuyển hồ sơ vụ tranh chấp đất giữa ông Thương và ông Việt cho chính quyền thị xã Bạc Liêu, nơi này làm đúng như ông Việt yêu cầu, cấp cho ông Việt một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, so với giấy cũ, diện tích mảnh đất của ông Việt tự nhiên tăng thêm 51.2 mét vuông.
Ông Thương kêu Trời nhưng tai vạ đối với gia đình ông và gia đình chưa ngừng ở đó. Vợ chồng ông Thương có bốn người con trai, khi cả bốn đã có gia đình, căn nhà của họ trở thành quá chật chội, năm 2011, ông Thương đi xin giấy phép xây dựng để sửa lại căn nhà cũ và xây mới thêm vài căn nhà nữa cho các con thì chính quyền thị xã Bạc Liêu trả lời, ông không thể làm như thế vì thửa đất của ông không có giấy tờ hợp lệ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền tỉnh Bạc Liêu từng cấp cho ông đã bị… hủy vì… không đúng thực tế.
Ông Thương khiếu nại song đơn bị bác. Từ đó đến nay chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã trải qua ba đời chủ tịch nhưng không có chủ tịch nào bận tâm chuyện của ông. Bà Võ Thị Hồng Thoại, cựu phó Đoàn Đại Biểu của tỉnh Bạc Liêu tại Quốc Hội Việt Nam, thú thật với tờ Tiền Phong về trường hợp ông Thương rằng bà từng ứa nước mắt khi thấy người nghèo, yếu thế chịu thiệt. Bà đã từng nhiều lần đề nghị chính quyền tỉnh Bạc Liêu xử lý dứt điểm sai sót nhưng không xong.
Dẫu cha mẹ sở hữu thửa đất hàng ngàn mét vuông nhưng không được phép xây, sửa trong khi nhà cũ quá nhỏ, hai trong bốn người con của ông Thương đang phải thuê nhà để ở. Ông Việt đã thôi làm giám đốc Sở Công Thương để về làm bí thư huyện Đông Hải. Từ vị trí đó, ông Việt sẽ còn bước những bước dài hơn và cao hơn. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment