Monday, February 13, 2017

Việt Nam vẫn cho dùng thuốc ‘bảo vệ thực vật’ nguy hại

Một nông dân xịt thuốc trừ cỏ Zico có chứa chất 2.4D. (Hình minh họa: Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hai năm sau khi luật có hiệu lực, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam mới loại 2.4D và Paraquat ra khỏi “Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.”
Thuốc “bảo vệ thực vật” là cách Việt Nam gọi các loại thuốc diệt trừ những yếu tố có hại cho cây cối như cỏ dại, côn trùng. Tất cả những loại thuốc này đều là thuốc độc đối với con người và môi trường.

Năm 1987, các chuyên gia của Cơ Quan Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Tế (IARC) thì 2.4D là một thành tố trong chất độc da cam có thể gây ung thư, khiến phụ nữ sinh quái thai và rất khó phân hủy nên sự nguy hại kéo dài khó lường có thể tác động đến nhiều thế hệ. Đáng chú ý là con người rất dễ nhiễm 2.4D. Ngoài chuyện người sử dụng có thể bị nhiễm, người ta còn có thể nhiễm 2.4D qua thức ăn, nước uống, hít thở.
Paraquat được dùng như một loại hóa chất diệt cỏ từ năm 1950, nhưng sau khi phát giác chất này nguy hại cho hệ hô hấp, tim, gan, thận, có thể là một tác nhân dẫn tới Parkinson, Châu Âu đã cấm dùng paraquat từ năm 2007. Hoa Kỳ thì qui định muốn dùng phải xin phép.
Tại Việt Nam, có bốn loại thuốc bảo vệ thực vật đang được lưu hành rộng rãi chứa 2.4D.
Những loại thuốc bảo vệ thực vật vừa kể được dùng tràn lan để diệt cỏ cho các ruộng lúa, vườn bắp, mía, cà phê, bông, cao su, đậu nành. Thậm chí, chất này được dùng để thúc cho trái cây mau chín. Không chỉ ở nông thôn mà tại các đô thị lớn những loại thuốc bảo vệ thực vật vừa kể còn được dùng ở các công viên, sân golf, vườn cảnh.
Trước tin Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam quyết định loại 2.4D và paraquat ra khỏi “Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam,” nhiều chuyên gia cho rằng, hành động này tuy cần thiết nhưng quá chậm!
Trước nhận định đó, ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam hành động đúng theo công ước quốc tế chứ không chậm!”
Ông Trung không giải thích gì thêm về việc tại sao các quốc gia khác cấm 2.4D và paraquat cách nay từ một đến hai thập niên mà bây giờ Việt Nam mới cấm.
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu và Tư Vấn Nông Nghiệp nhiệt đới, nêu thắc mắc, ai sẽ chịu trách nhiệm về việc cho phép sử dụng rộng rãi 2.4D và paraquat dù chúng cực độc cho cả sức khỏe con người lẫn môi trường? Ông Nghĩa nhận định, việc chần chừ không cấm 2.4D và paraquat sớm hơn là do tác động của các “nhóm lợi ích.”
Ông Trần Ngọc Thể, chi cục trưởng Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật tỉnh Hậu Giang, xác nhận, trước đây, paraquat đã nằm trong danh mục hạn chế sử dụng nhưng sau đó chính Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam chuyển paraquat vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được dùng rộng rãi.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết, Luật Bảo Vệ và Kiểm Dịch Thực Vật có hiệu lực từ 1 Tháng Giêng, 2015 đã xác định những sản phẩm có bằng chứng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường, vật nuôi, hệ sinh thái thì phải loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng nhưng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam để đến hai năm sau mới cấm.
Chưa có bằng chứng nào về việc các “nhóm lợi ích” tác động đến hệ thống công quyền của Việt Nam khiến hệ thống này làm ngơ để mặc cho 2.4D và paraquat phát huy tác động hủy diệt, nhưng có một số điểm rất đáng chú ý và cần nhắc lại.
Ba năm vừa qua, mỗi năm, Việt Nam chi khoảng $400 triệu để nhập thuốc “bảo vệ thực vật” và nguyên liệu sản xuất thuốc “bảo vệ thực vật” từ Trung Quốc, tăng 10 lần.
Giữa năm ngoái, trò chuyện với tờ Người Lao Động, ông Nguyễn Thơ, phó chủ tịch Hội Khoa Học Bảo Vệ Thực Vật Việt Nam, khẳng định, con số 100 tấn nguyên liệu, hóa chất để chế tạo thuốc “bảo vệ thực vật” mà Việt Nam nhập cảng hàng năm từ Trung Quốc chỉ là “phần nổi của tảng băng.” Trong thực tế, lượng thuốc “bảo vệ thực vật” và nguyên liệu sản xuất thuốc “bảo vệ thực vật” đưa từ Trung Quốc vào Việt Nam qua con đường “cửu vạn” (lén lút chuyển vận qua biên giới) lớn hơn gấp nhiều lần.
Bất kể các chuyên gia nông nghiệp, môi trường, y tế liên tục cảnh báo về tác hại của việc cho nhập cảng tràn lan nguyên liệu, hóa chất để chế tạo các loại thuốc “bảo vệ thực vật” cũng như thuốc “bảo vệ thực vật” từ Trung Quốc, những cảnh báo đó giống như các tiếng kêu trong hoang mạc. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment