Những doanh nghiệp bị thiệt hại do dự án cảng Kê Gà ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vừa đề nghị chính quyền tỉnh này cho họ tự thuê giám định thiệt hại.
Trước đó, Bộ Công Thương của chính quyền Việt Nam đã từng tổ chức giám định thiệt hại nhưng những doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả của dự án cảng Kê Gà không đồng ý vì hai lý do: (1) Mức độ thiệt hại được bên gây thiệt hại thừa nhận thấp hơn nhiều so với thiệt hại thực tế. Chính quyền tỉnh Bình Thuận, trung gian giữa hai bên (gây thiệt hại và bị thiệt hại) ước tính thiệt hại là 85,7 tỉ đồng nhưng Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đồng ý bồi thường 37,4 tỉ đồng. (2) Dù tổng số thiệt hại thấp hơn nhiều so với thiệt hại thực tế nhưng những doanh nghiệp bị thiệt hại vẫn chưa nhận được đồng nào.
Cho dù khoản bồi thường là 85,7 tỉ đồng hay 37,4 tỉ đồng thì chắc chắn tiền bồi thường cũng sẽ được lấy từ ngân sách. Không thấy giới lãnh đạo Đảng CSVN nói gì tới vấn đề trách nhiệm khi khăng khăng ép buộc cả chính quyền lẫn dân chúng Việt Nam phải thực hiện “chủ trương lớn” của mình.
Dự án cảng Kê Gà là một phần trong kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Theo đó, khai thác xong, bauxite sẽ được vận chuyển từ Tây Nguyên đến Kê Gà để xuât cảng. Cũng vì vậy, tất cả các dự án xây dựng resort đã được cấy giấy phép đầu tư và đang triển khai ở Kê Gà bị đình chỉ để giao đất cho TKV xây dựng cảng Kê Gà (chiếm 2,3 cây số bờ biển với diện tích 366 héc ta).
Chi phí ban đầu cho dự án cảng Kê Gà được dự trù là 550 triệu Mỹ kim, sau đó được nâng lên thành 1 tỉ Mỹ kim. Năm 2009, TKV tổ chức lễ khởi công xây dựng cảng Kê Gà. Sau đó thì 366 héc ta bị bỏ hoang vì theo thời gian, kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên rõ ràng là rồ dại.
Tuy nhiên mãi đến đầu năm 2013, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng Nhà nước Cộng sản Việt Nam mới chính thức tuyên bố hủy bỏ dự án xây dựng cảng Kê Gà vì “không hiệu quả” và yêu cầu các bộ hữu trách trong chính phủ Việt Nam phối hợp với chính quyền tỉnh Bình Thuận giải quyết thiệt hại cho các doanh nghiệp du lịch từng đầu tư vào khu vực Kê Gà! Nhiều doanh nghiệp trong số này đã mấp mé bên bờ vực phá sản.
Dựa trên kết quả khảo sát của giới địa chất Liên Xô – xác định trữ lượng bauxite ở khu vực Tây Nguyên khoảng 8 tỉ tấn. Năm 2001, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng CSVN khóa 9, xác định phải khai thác bauxite ở Tây Nguyên và nhấn mạnh đó là “chủ trương lớn” của mình. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng CSVN khóa 10 tái tuyên bố, khai thác bauxite ở Tây Nguyên là “chủ trương nhất quán” của giới lãnh đạo Đảng CSVN.
Không chỉ các chuyên gia, trí thức, báo giới, một số tôn giáo, dân chúng mà nhiều cựu viên chức cao cấp của chính quyền CSVN (Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị Bình,…), các đại biểu Quốc hội đương nhiệm cùng lên tiếng ngăn cản việc thực hiện kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Đã có rất nhiều phân tích cặn kẽ cho thấy, nếu thực hiện kế hoạch này, Việt Nam sẽ chìm trong nợ, môi trường – hệ sinh thái ở khu vực Tây Nguyên sẽ bị hủy diệt, Tây Nguyên sẽ thiếu cả nước lẫn điện, hàng tỉ tấn bùn đỏ do khai thác bauxite thải ra sẽ là một quả bom bùn lơ lửng trên đầu miền Nam, chưa kể nó còn mở toang cửa cho công nhân Trung Quốc tràn vào, cư trú tại một trong những khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng,…
Bất chấp các khuyến cáo và phân tích thiệt hơn, cuối năm 2007, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng vẫn phê duyệt kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư trong hai năm từ 2007 đến 2029 là 3,1 tỉ Mỹ kim.
Đáng chú ý là vào thời điểm đó, một số đại biểu trong Quốc hội Việt Nam lúc đó cảnh báo, ông Dũng đã cố tình lách luật, “chẻ” kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên thành nhiều dự án nhỏ có mức đầu tư dưới 10.000 tỉ đồng để không phải trình – lấy ý kiến của Quốc hội. Ông Dũng đáp lại bằng cách nhấn mạnh, kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên là “chủ trương lớn của Đảng”.
Cho đến nay, TKV đã xây dựng xong hai nhà máy khai thác bauxite tại Tây Nguyên – một ở Tân Rai (Lâm Đồng) và một ở Nhân Cơ (Đắk Nông). Tân Rai đã ngốn khoảng 12.000 tỉ đồng và đang lỗ, Nhân Cơ đã ngốn khoảng 7.000 tỉ đồng và cũng lỗ vì nhiều lý do: Giá quặng trên thị trường thế giới giảm, mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, hóa chất và nước cao hơn mức trung bình của thế giới… Tháng 8 năm 2014, TKV thú nhận, cả Tân Rai và Nhân Cơ sẽ tiếp tục lỗ và ít nhất là hơn một thập niên nữa mới có thể thu hồi vốn. Tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị chính phủ Việt Nam hỗ trợ thêm cho kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên khoảng 4.900 tỉ trong 10 năm từ 2016 đến 2025, song theo một số chuyên gia, nếu tính cả hỗ trợ về giá điện thì khoản hỗ trợ phải tới 1,2 tỉ Mỹ kim!
Từ tháng 10 năm 2014 đến nay, bùn đỏ từ hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ đã tràn ra ngoài vài lần. Ông Nguyễn Văn Ban, cựu Trưởng ban Nhôm – Titan của TKV, nhận định đó là “hệ quả của công nghệ Trung Quốc”. Nhà thầu Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc cũng là yếu tố khiến chi phí đầu tư cho Tân Rai và Nhân Cơ tăng thêm khoảng 30% so với dự trù ban đầu.
Bình luận về kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ngày 6 tháng 5 năm 2009, tờ Financial Times ở Anh nhận định, kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên là bằng chứng về sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc, và kế hoạch đó là một “món quà” mà ông Nguyễn Tấn Dũng dành tặng Trung Quốc.
Sau khi nhắn nhủ đồng liêu ở lại ráng làm người tử tế, ông Dũng đã về vui thú điền viên. Giống như nhiều “chủ trương lớn” khác, dân chúng Việt Nam tiếp tục còng lưng gánh hậu họa do “chủ trương lớn” của Đảng CSVN tạo ra từ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên trong nhiều thập niên nữa. Thiệt hại của các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án du lịch ở khu vực Kê Gà dù lên tới hàng trăm tỉ cũng chỉ là số lẻ! (G.Đ)
No comments:
Post a Comment