Monday, February 13, 2017

Báo động 2017: Giá điện Việt Nam có thể tăng ít nhất 20%!

Phạm Chí Dũng  
Theo Người Việt-12-02- 2017
Vào những ngày cận Tết 2017, trong lúc hai tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo Việt Nam còn nặng gánh lo toan về chuyện vừa tiện tặn vừa khốn khó hơn cả những năm trước, “bạch tuộc EVN” (Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam) lại một lần nữa ló vòi với đề xuất của Bộ Công Thương (cơ quan chủ quản của EVN) ba tháng điều chỉnh giá điện một lần. Nếu mức điều chỉnh dưới 5%, EVN sẽ được quyết định, từ 5-10% do Bộ Công Thương quyết định, từ 10% trở lên do thủ tướng quyết định.
Trước đây, giá điện bình quân tăng từ 3% đến 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương. Còn nếu giá điện bình quân tăng trên 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về thủ tướng.
Rất đáng chú ý, đề xuất trên hầu như xuất hiện đồng thời và đồng pha với một dự thảo của Bộ Tài Chính về tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường để “đạt thành tích” bổ thuế 8,000 đồng mỗi lít xăng lên đầu người tiêu dùng, khiến xã hội lên tiếng kêu than và tố cáo thực chất ngân sách cùng bản chất chế độ.
Ngay trong buổi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 vào ngày 20 Tháng Giêng, EVN còn âm mưu tống khoản lỗ tỷ giá đến 10,000 tỷ đồng vào… giá điện.
Tư bản dã man!
Việt Nam vào thời mà ông John Kerry – lúc còn là ngoại trưởng Hoa Kỳ – phải ví là “tư bản cuồng nhiệt,” nhưng kể từ thời các nhóm lợi ích thật sự lên ngôi khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên chức thủ tướng từ năm 2008, chế độ chính trị song trùng quốc nạn tham nhũng vô giới hạn ở Việt Nam đã bị nhiều người gọi thẳng tên: “chủ nghĩa tư bản dã man.” Một trong những minh chứng rất điển hình cho tình cảnh dã man quăng quật dân sinh là nhóm lợi ích chính sách – tiêu biểu là EVN và Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex).
Việt Nam vào thời hoàng kim của các nhóm lợi ích chính sách. Chiến dịch đầu tư ồ ạt vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm vào thời hoàng kim của nền kinh tế những năm 2006 – 2008 rốt cuộc khiến Petrolimex lỗ 10,700 tỷ đồng, nhưng EVN còn mất hơn thế nhiều: 30,000 tỷ đồng.
Từ nhiều năm qua, EVN và Petrolimex được xem là “cặp song sinh” cùng có “mẹ” là Bộ Công Thương, cùng đồng nhịp đồng pha tăng giá bù lỗ lên đầu dân tình, bất chấp nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái liên tục và hiện đã suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp – đề dẫn quá ngọt ngào cho một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra trong không bao lâu nữa.
Hãy nhìn lại quá khứ rất gần. Sau vài lần “vận động chính sách” nhưng không mấy thành công và lại còn bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt, vào Tháng Mười, 2016, Bộ Công Thương tung ra một dự thảo mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện, từ chỗ EVN không được quyết định (theo Quyết Định 69 của chính phủ) đến việc EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; đồng thời, thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm.
Giờ đây năm cùng tháng tận của triều đại, mối câu kết giữa các nhóm cá mập thuộc Bộ Công Thương đang một lần nữa ngóc đầu để tàn hại dân sinh.
Soi lại “tội đồ EVN”
Từ nhiều năm qua, EVN lại là một tác nhân gây “nợ máu” cho tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam bởi vì “thú tính” tăng giá điện bất chấp dân sinh. Chỉ riêng năm 2015, giá điện bình quân đã tăng gần 13%, giúp doanh thu của tập đoàn tăng đến 18.5% so với năm 2014, giúp cho doanh nghiệp này giảm được một phần lỗ của mình.
Nhưng giảm lỗ và bù lỗ chưa đủ. Từ hàng chục năm qua, EVN đã nhập cảng điện từ Trung Quốc với giá gấp ba lần giá điện sản xuất trong nước, bất chấp công suất sản xuất điện trong nước bị thừa thãi.
Được cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương với bộ trưởng trước Trần Tuấn Anh là Vũ Huy Hoàng “bảo kê,” hồ sơ “tội ác” của EVN đã dày quá khổ, không chỉ bởi vì quá nhiều lần tăng giá điện vô tội vạ, vét sạch túi tiền vốn đã cạn kiệt của người dân, mà hành vi cực kỳ nhẫn tâm còn diễn ra vào mùa mưa bão cuối năm 2013: tập đoàn này hoàn toàn vô trách nhiệm khi để 15 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ lên đầu người dân vùng rốn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc… gây ra cái chết cho hơn 50 mạng người. Tuy nhiên, toàn bộ vụ thảm sát này bị đẩy vào bóng tối, còn giới truyền thông bị cơ quan tuyên giáo bóp nghẹt, y hệt việc gần đây Ban Tuyên Giáo Trung Ương áp dụng “tự do báo chí” đến mức thẳng tay cấm đoán các tờ báo nhà nước đề cập đến dự án thép Cà Ná của Tập Đoàn Hoa Sen.
Mùa mưa bão cuối năm 2016, giới lãnh đạo Bộ Công Thương lại nhẫn tâm bỏ qua vụ hồ thủy điện Hố Hô xả lũ đột ngột khiến hơn 20 dân nghèo Hương Khê, Hà Tĩnh biến thành oan hồn.
Vào năm 2014, một cuộc thanh tra của tổng thanh tra chính phủ phát hiện không ít khuất tất trong hạch toán giá thành của EVN, trong đó tập đoàn này đưa cả việc xây dựng khách sạn và hồ bơi vào giá để “thanh toán” với nhân dân. Những tưởng sự việc sẽ được làm rõ trắng đen, nhưng qua một thời gian, giới quan chức của Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương lại vẫn ung dung mở ra lối thoát cho EVN. Cuối cùng, sự việc này hoàn toàn chìm xuồng.
Trong lúc đó, một phép tính đơn giản của “chiến lược ngành điện” cho thấy để thu hồi được toàn bộ thất thoát do đầu tư trái ngành, EVN có thể sẽ phải tăng giá liên tục trong… 10 năm nữa!
Cho đến gần đây, EVN vẫn nằm trong số những con nợ ngân hàng lớn nhất Việt Nam với ít nhất 454,000 tỷ đồng nợ vay. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh. Nếu không tăng giá điện, hẳn tập đoàn này sẽ không biết lấy gì để trả nợ.
Chỉ mới vào năm 2015, một quan chức cao cấp của ngành công thương tán thán rằng nếu không cho tăng giá điện, EVN sẽ có nguy cơ bị… phá sản.
Báng và bổ
EVN lại nằm trong nhóm các doanh nghiệp có nhiều khả năng nhất tác động đến dân sinh có thể làm dân chúng nổi loạn ở Việt Nam. Nhưng cho đến nay, cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn đang ung dung “chữa bệnh” mà chưa thấy có dấu hiệu nào sẽ phải ra trước tòa án pháp luật và tòa án của những oan hồn.
Không có gì bảo đảm là dân chúng Việt Nam sẽ đủ sức chịu đựng sự hành hạ của EVN trong 10 năm tới. Không có gì chắc chắn là xã hội Việt Nam sẽ không “biến chứng” như đất nước Bulgaria vào đầu năm 2013 khi hàng chục ngàn người dân ùa xuống đường, rốt cuộc đã làm cho toàn bộ chính phủ phải từ chức.
Việt Nam 10 năm sau thời hoàng kim kinh tế và cơ hội làm ăn của các thị trường đầu cơ, giờ đây, tài nguyên thiên nhiên đã gần như cạn kiệt, các dòng “ngoại viện” – từ vốn ODA đến kiều hối và cả đầu tư nước ngoài. Tất cả từ giảm đến giảm hẳn, trong lúc nợ công, nợ xấu bùng lên mạnh mẽ và dẫn đến tình trạng ngân sách phục vụ cho bộ máy có “ít nhất 30% công chức không làm gì cả mà vẫn lĩnh lương” cũng rơi vào tình trạng có thể “sụp đổ tài khóa quốc gia” (như một cụm từ cực kỳ nhạy cảm chính trị được chính Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố vào đầu năm), nguồn tiền gần như duy nhất để duy trì ngân sách và chân đứng chế độ chỉ còn là thuế bổ đầu dân.
Hai tập đoàn EVN và Petrolimex chính là công cụ đắc lực để triển khai cú báng bổ “tận khoan sức dân” như thế.

No comments:

Post a Comment