Thursday, January 12, 2017

Cưỡng chế tượng Trần Hưng Đạo tại tư gia là trái luật?

Hòa Ái, RFA 2017-01-12  
Tượng danh tướng Trần Hưng Đạo được đặt trên bục cao 1 m trong sân nhà ông Phương.
 Tượng danh tướng Trần Hưng Đạo được đặt trên bục cao 1 m trong sân nhà ông Phương. Courtesy of plo.vn
Vụ việc chính quyền địa phương không cho phép người dân đặt tượng thờ Đức Thánh Trần-Hưng Đạo Vương trên bục, trong khuôn viên gia đình ở Lâm Đồng làm dấy lên quan ngại rằng dân chúng Việt Nam thể hiện tín ngưỡng thuần Việt của họ như thế nào mới là đúng luật?
Những ngày vừa qua, cư dân mạng đặc biệt chú ý đến lời kêu cứu của gia đình ông Tống Hồ Phương, ngụ tại thôn Kinh Tế Mới, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng về việc đặt tượng Đức Ông-Trần Hưng Đạo trong khuôn viên của gia đình.
Ông Tống Hồ Phương cho biết gia đình tích cóp để mua bức tượng vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương-Trần Quốc Tuấn, phiên bản do Hội Mỹ Thuật Việt Nam thực hiện, được chạm khắc bởi các nghệ nhân đá Non Nước Đà Nẵng. Vào đầu tháng 12 năm 2016, gia đình ông Phương xây một cái bục bằng xi măng, cao 1 mét và rộng 9 tấc trong sân nhà để đặt bức tượng này. Trước khi rước tượng về đặt trên bục trong khuôn viên của gia đình, ông Phương làm đơn gửi các cấp chính quyền xã, huyện và tỉnh để xin phép nhưng không nhận được phản hồi. Sau đó, gia đình ông Phương đi lên tận văn phòng Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Lâm Đồng hỏi về việc xin phép đặt tượng và được trả lời rằng gia đình cứ tiến hành vì bức tượng nghệ thuật vị anh hùng dân tộc đặt trong khuôn viên gia đình không gây trở ngại gì.
Họ kêu phải tháo dỡ tượng Ông xuống. Biên bản lập yêu cầu tháo dỡ xuống…Họ nói miệng rằng trong vòng 60 ngày nếu không có một công văn nào phản hồi cho họ thì họ vào làm việc; không có giấy phép xây dựng thì họ phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và họ cưỡng chế
-Nguyễn Xuân Quang

Lập biên bản vi phạm

Tuy nhiên, gia đình ông Tống Hồ Phương kêu cứu kể từ ngày 4 tháng 1 năm 2017, là thời điểm dựng tượng Đức Ông-Trần Hưng Đạo, cao khoảng 1,6 mét lên bục. Trong vòng ba ngày liên tiếp, cho đến ngày mùng 6 tháng 1, chủ tịch và phó chủ tịch cùng công an và cán bộ địa chính xã Ninh Gia đến tận nhà yêu cầu gia đình hạ tượng. Anh Nguyễn Xuân Quang, cháu của ông Tống Hồ Phương kể lại diễn tiến của vụ việc:
“Bắt đầu xây cái bục tầm khoảng ngày 9, ngày 10 tháng 12. Mình xây xong thì họ chẳng nói gì hết. Khi đưa tượng Ông về thì họ nói là vi phạm không có giấy phép xây dựng. Họ kêu phải tháo dỡ tượng Ông xuống. Biên bản lập yêu cầu tháo dỡ xuống. Gia đình em xin không tháo dỡ mà để Ông đứng đó. Họ mới nói dời cái lư hương, không cho để bát nhang, thắp nhang. Gia đình mới dời cái lư hương. Mình xin thì họ đồng ý như vậy, nhưng họ nói miệng rằng trong vòng 60 ngày nếu không có một công văn nào phản hồi cho họ thì họ vào làm việc; không có giấy phép xây dựng thì họ phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và họ cưỡng chế.”
Lên tiếng với Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh qua điện thoại vào chiều mùng 6 tháng 1, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ninh Gia, ông Nguyễn Ngọc Huyên xác nhận việc lập biên bản vi phạm xây dựng bục đặt tượng của gia đình ông Tống Hồ Phương, cụ thể là không có giấy phép. Ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ninh Gia còn nhấn mạnh gia đình ông Phương cho biết Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Lâm Đồng cho phép, nhưng phải có văn bản trả lời thì mới đúng quy định.
Trong khi đó, cháu của ông Phương, anh Nguyễn Xuân Quang nói với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 11 tháng 1 rằng gia đình một lần nữa đi lên văn phòng Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Lâm Đồng để xin giấy phép về trình cho cơ quan địa phương. Nhưng, cán bộ Sở khẳng định với gia đình:
“Không có giấy phép hoặc thẩm quyền nào để cấp. Cũng không có một công văn nào, không có thẩm quyền thì không ai ký được hết.”

Cưỡng chế dỡ tượng sai cả lý và tình

034_1616717-300.jpg
Tượng Đức thánh Trần Hưng đạo phía trước đền Đức Thánh Trần ở Sài Gòn. Ảnh chụp hôm 9/8/2010. AFP photo
Đáp câu hỏi của chúng tôi liệu rằng quyết định của xã Ninh Gia về việc cưỡng chế dỡ tượng Trần Hưng Đạo khỏi bục tại tự gia của gia đình ông Tống Hồ Phương, do vi phạm không có giấy phép xây dựng là đúng theo quy định pháp luật trong tình thế mà dân gian gọi là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như thế; Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Văn Hậu trình bày:
“Theo tôi, việc đặt các tượng này thì không cần phải xin phép. Chuyện đó, tôi nghĩ rằng địa phương làm như vậy là không đúng trong trường hợp người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm; cụ thể là pháp luật chưa có quy định nào về việc dựng tượng như vậy. Điều này được quy định trong Luật Xây Dựng năm 2014, đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, những đối tượng phải có giấy phép xây dựng thì không có trường hợp này.
Khi Ủy ban Nhân dân xã chưa có quyết định hành chính thì họ không được thi hành cưỡng chế. Trong trường hợp họ tiến hành cưỡng chế thì người dân có quyền khởi kiện ra toàn án hành chính liên quan quyết định hành chính đó hoặc hành vi hành chính đó của cán bộ xã.”
Khi Ủy ban Nhân dân xã chưa có quyết định hành chính thì họ không được thi hành cưỡng chế. Trong trường hợp họ tiến hành cưỡng chế thì người dân có quyền khởi kiện ra toàn án hành chính liên quan quyết định hành chính đó hoặc hành vi hành chính đó của cán bộ xã
-LS.Nguyễn Văn Hậu
Qua lời kêu cứu của gia đình ông Phương đăng trên mạng xã hội Facebook cùng lên tiếng để đồng lòng hướng về lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt, cộng đồng cư dân mạng cho rằng việc làm của chính quyền xã Ninh Gia hoàn toàn sai trái khi dân chúng bày tỏ sự tôn kính đối với Đức Thánh Trần-Hưng Đạo Vương một cách riêng tư, không ảnh hưởng đến trật tự xã hội và trên hết là không vi phạm pháp luật Việt Nam. Cư dân mạng Trịnh Mạnh Hùng chia sẻ suy nghĩ của anh nếu chính quyền xã Ninh Gia tiến hành cưỡng chế dỡ tượng Trần Hưng Đạo tại khuôn viên của gia đình ông Phương trong 60 ngày tới:
“Về lý thì chưa có bất kỳ một văn bản nào cấm người dân không được dựng tượng Đức Trần Hưng Đạo. Nếu dựng ở ngoài đường thì chụp mũ là gây cản trở lưu thông…Còn ở đây người dân dựng trong khuôn viên đất nhà của họ, mà lại dựng tượng của một biểu hiện gọi là tôn sùng bậc tiền nhân. Nếu cấm thì hoàn toàn sai, sai về tình và cả sai về lý.”
Tại Hội thảo Khoa học với chủ đề “Đức Thánh Trần trong hệ thống Đạo Mẫu Việt Nam” được tổ chức hồi hạ tuần tháng 9, năm 2014, nhân 713 năm ngày giỗ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, giới nghiên cứu đánh giá tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần có giá trị về nhận thức và nhân sinh, về củng cố và tăng cường lòng yêu nước, về văn hóa và nghệ thuật thông qua lễ hội và phong tục cũng như kiến trúc và điêu khắc. Bên cạnh đó, các chuyên gia đưa ra ý kiến mong muốn Nhà nước cần sớm chính thức công nhận và có các quy định cụ thể đối với những sinh hoạt gắn liền các tín ngưỡng thuần Việt.
Với thời gian đợi chờ Chính phủ phản hồi kiến nghị của các chuyên gia liên quan đến thờ Đức Thánh Trần, gia đình ông Tống Hồ Phương chỉ còn biết trông cậy vào những đơn khiếu nại đã gửi đến cơ quan công quyền, từ cấp xã đến cấp Trung ương và các cư dân mạng Đài RFA tiếp xúc bày tỏ với luật pháp hiện hành như một “mớ bòng bong” qua vụ việc tại xã Ninh Gia thì việc thể hiện tín ngưỡng thuần Việt của người dân là điều không phải dễ.

No comments:

Post a Comment