Thursday, January 12, 2017

Biển Đông dậy sóng và mối quan hệ tay ba

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2017-01-12  
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) hội đàm tại Bắc Kinh ngày 12 tháng 1 năm 2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) hội đàm tại Bắc Kinh ngày 12 tháng 1 năm 2017.  AFP photo
Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thăm Việt Nam trước khi mãn nhiệm và sự kiện ông Rex Tillerson, người có thể thay thế ông Kerry, nặng lời răn đe Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là những thông tin đang được dư luận chú ý.
Chờ đợi gì từ Trump?
Hầu hết báo mạng dòng chính ở Việt Nam đều có tin bài liên quan đến các sự kiện vừa nêu. Theo Người Lao Động Online, trong cuộc họp báo thường kỳ đầu tiên năm 2017 của Bộ Ngoại giao diễn ra chiều 12/1 ở Hà Nội, Người Phát ngôn Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi về việc ông Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm ngoại trưởng, khi bình luận về Biển Đông ngày 11/1 nói rằng, nước Mỹ phải  sẽ phải gửi tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc, thứ nhất việc xây dựng đảo nhân tạo phải dừng lại; thứ hai, Trung Quốc sẽ không được tới các đảo đó nữa.
Tôi nghĩ tiếng nói mạnh mẽ của Hoa Kỳ có lẽ rất là phù hợp với nguyện vọng chung của quốc tế và vì lợi ích chung của nhân loại. Phát biểu đấy cần phải được chia sẻ.     
- TS Trần Công Trục
Ông Lê Hải Bình đã khá dè dặt khi lập lại quan điểm của Việt Nam, theo đó  duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu chung cũng là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan, các bên trong và ngoài khu vực đều phải có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như đảm bảo lợi ích chung.
Vậy thì quan điểm của ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson có phù hợp với quan điểm và lợi ích của Việt Nam hay không?
Chúng tôi nêu câu hỏi này với TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới của Chính phủ Việt Nam hiện sống ở Hà Nội và được ông trả lời:
“Không những phù hợp với lợi ích Việt Nam mà phù hợp lợi ích chung của cả thế giới nữa. Bởi vì những việc làm của Trung Quốc như vậy vi phạm Công ước Luật Biển 1982, nó làm biến đổi môi trường sống của các loài thủy sản quý hiếm cũng như thay đổi, biến đổi của cả khu vực Biển Đông. Tôi nghĩ tiếng nói mạnh mẽ của Hoa Kỳ có lẽ rất là phù hợp với nguyện vọng chung của quốc tế và vì lợi ích chung của nhân loại. Tôi cho rằng phát biểu đấy cần phải được chia sẻ.”
8b87ca05-7cf4-41ec-bab3-aac976fe998c-400.jpg
Ông Rex Tillerson Wayne, cựu chủ tịch và giám đốc điều hành của ExxonMobil, là người được đề cử chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Ảnh chụp tại Capitol Hill, Washington, DC ngày 11/1/2017. AFP photo

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên vào tối 12/1/2017, Thạc sĩ Hoàng Việt chuyên gia nghiên cứu Biển Đông hiện sống và làm việc ở Saigon nhận định:
“Trước đây khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống thì nhiều người còn phân vân về chính sách đối ngoại của ông. Nhưng từ lúc tranh cử tổng thống, quan điểm của ông ấy là cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Cho đến bây giờ thì những người ông bổ nhiệm như, cố vấn an ninh, cố vấn kinh tế ngoại trưởng, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng, tất cả những nhân vật đó đều có quan điểm mạnh thể hiện chính sách của ông Trump.
Nếu mà Hoa Kỳ cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông thì điều đó chắc chắn có lợi ích cho Việt Nam. Bởi vì nói cho cùng thì trong khu vực Biển Đông này phải có một quốc gia đủ mạnh để có thể kềm chế được Trung Quốc, kềm chế những tham vọng quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông này.”
Nhà Nghiên cứu Hoàng Việt cũng đề cập tới quan điểm không phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson. Chuyên gia Hoàng Việt tiếp lời:
“Chúng ta mong chờ vào tương lai của TPP, nếu mà Hoa Kỳ một mặt mạnh mẽ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc ở trên Biển Đông và mặt thứ hai là tiếp tục duy trì vận mệnh TPP thì có lẽ đấy là những tín hiệu tốt trong khu vực.”
Thế thăng bằng đu dây
Có những ý kiến cho rằng, phản ứng của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình quá dè dặt và thể hiện thực tế quan hệ nước lớn nước nhỏ. TS Trần Công Trục nhận định:
“Tôi không đồng ý với việc dư luận cho rằng phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao không được mạnh mẽ. Trong bối cảnh đây là mới được nghe phát biểu của một ứng cử viên bộ trưởng. Đây mới là phát biểu còn hành động của ông ta thế nào còn là một câu chuyện nữa. Thứ hai, thậm chí khi đã lên chức bộ trưởng có phát biểu thì  cũng còn phải thể hiện trên hành động thực tế là Hoa Kỳ cần phải hành xử như thế nào trong việc lên án những hành động sai trái đó. Bởi vì, nên nhớ rằng trước đây rất nhiều lần Hoa Kỳ có nói, nhưng việc làm của họ chưa tương thích với lời nói cũng là câu chuyện khác.
Tôi cho rằng Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu trong chừng mực là có những lý do khách quan, chứ không phải vì Việt Nam sợ Trung Quốc.  Bởi vì nếu Trung Quốc làm đúng thì Việt Nam sẽ tôn trọng, còn nếu Trung Quốc làm sai thì người Việt Nam sẽ đấu tranh đến cùng…”
Một tuần trước khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, chiều 12/1/2017 ông Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến Bắc Kinh trong chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc kéo dài 4 ngày. Thông tấn xã Việt Nam mô tả hội đàm Nguyễn Phú Trọng - Tập Cận Bình là nhằm định hướng phát triển lành mạnh, lâu dài cho quan hệ Việt – Trung và về điều gọi là củng cố cục diện ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
b536abe3-4b7e-4e23-8db3-2c8c6cd7a869-400.jpg
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) được chào đón bởi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius tại sân bay Nội Bài, Hà Nội vào ngày 12 tháng một năm 2017. AFP photo
Vẫn theo Thông tấn xã Việt Nam, về vấn đề trên biển, hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình cùng cho rằng đây là vấn đề tồn tại chủ yếu của quan hệ Việt Trung và là vấn đề hết sức phức tạp và hệ trọng, tác động chi phối rất lớn đến sự tin cậy chính trị, tình cảm nhân dân và cụ diện quan hệ hai nước, cục diện và tình hình khu vực cũng như thế giới.
Thạc sĩ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông từ Saigon nhận định:
“Thông thường trong những giai đoạn quan trọng thì Việt Nam bao giờ cũng có các nhà lãnh đạo sang thăm Trung Quốc để trao đổi quan điểm hai bên và phía Trung Quốc cũng tương tự như vậy. Chắc chắn trong mối quan hệ này, mối quan hệ giữa Việt Nam Hoa Kỳ và Trung Quốc vô cùng phức tạp nhưng nó cũng đầy lợi ích đan xen.
Một mặt Việt Nam vẫn muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc vì quan niệm rằng duy trì được quan hệ với Trung Quốc thì mới duy trì hòa bình, mới có cơ hội để phát triển. Tuy nhiên Việt Nam lại lo ngại trước những tham vọng của Trung Quốc trên biển đặc biệt trên Biển Đông và vì vậy Việt Nam cũng muốn thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản. Vì vậy mối quan hệ với Hoa Kỳ rất là quan trọng. cũng chính vì vậy mà quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong mấy năm gần đây cũng phát triển nhanh chóng.”
Trong cuộc họp báo ngày 12/1/2017 tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của báo chí nước ngoài, về việc Việt Nam mua tên lửa đất đối không Akash của Ấn Độ. Theo báo Người Lao Động Online, Ông Lê Hải Bình nói là sẽ chuyển câu hỏi đến cơ quan chức năng. Tuy vậy ông nhấn mạnh là Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, việc mua sắm quốc phòng nếu có là bình thường để bảo vệ đất nước.
Chắc chắn trong mối quan hệ này, mối quan hệ giữa Việt Nam Hoa Kỳ và Trung Quốc vô cùng phức tạp nhưng nó cũng đầy lợi ích đan xen.
- Thạc sĩ Hoàng Việt
Nhận định về vấn đề vừa nêu, TS Trần Công Trục nguyên Trưởng ban biên giới của chính phủ Việt Nam cho rằng, Việt Nam không thể không tính đến trách nhiệm lớn lao của mình trong việc đóng góp bảo vệ hòa bình, không để xung đột chiến tranh xảy ra. Nhưng điều đó không có nghĩa vì lý do phải làm mọi cách để đàm phán, hòa hoãn giải quyết hòa bình, thì Việt Nam lơ là việc cảnh giác. TS Trần Công Trục nhấn mạnh:
“Việt Nam luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng tăng cường sức mạnh của mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền thiêng liêng của mình khi có kẻ xâm lược trắng trợn, bất chấp quyền lợi chính đáng của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, thì Việt Nam sẵn sàng đứng lên để đánh trả, để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng của cha ông để lại….bảo vệ các quyền hợp pháp của mình là việc phải làm…”
Đối với chuyến thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 14/1/2017 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, qua truyền thông nhà nước người đọc báo cảm nhận, việc ông Kerry trở lại Việt Nam lần thứ 3 vào tuần lễ cuối cùng của nhiệm kỳ mang tính cách biểu tượng nhiều hơn, cho dù được mô tả là thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ.

No comments:

Post a Comment