Thursday, January 12, 2017

Cái nhìn của người xưa về đảng phái

Nguyễn Văn Nghệ (Danlambao) - Tôi có một người bạn vong niên trước năm 1954 là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Trên chiến khu ông được phân công phụ trách về báo chí, trong một lần nói chuyện với tôi về đảng này, phái nọ, ông đã dẫn lời Mao Trạch Đông: “Đảng ngoại vô đảng, đế vương tư tưởng; Đảng nội vô phái, thiên kỳ bách quái!” (Ngoài đảng không có đảng nào nữa, là ý nghĩ của vua chúa; Trong đảng mà không có phe phái, là chuyện vô cùng kỳ quặc!). Nghe xong tôi liền hỏi ông vì sao “Đảng ngoại vô đảng” lại là “đế vương tư tưởng?”. Ông đã chấp nhận với tôi làm người “bất tri vi bất tri” (không biết, nói là không biết). Thắc mắc ấy vẫn luôn bám lấy tôi.

Vừa qua trong lúc tìm kiếm ý nghĩa 4 chữ “chính trực đảng bình” được viết bằng chữ Hán, gắn ở mặt phía nam của phường môn thứ nhất tính từ Ngọ môn vào điện Thái Hòa ở Huế, tôi bắt gặp trong Kinh Thư, thiên Hồng Phạm có câu: “Vô thiên, vô đảng vương đạo đãng đãng; Vô đảng, vô thiên vương đạo bình bình; Vô phản, vô trắc vương đạo chính trực” (Không thiên lệch, không bè đảng, đạo vua rộng lớn; Không bè đảng, không thiên lệch đạo vua bằng phẳng; Không phản lại, không nghiêng về một bên đạo vua ngay thẳng”. Như vậy câu “Đảng ngoại vô đảng, đế vương tư tưởng” được lấy ý từ câu “Vô thiên, vô đảng vương đạo đãng đãng; Vô đảng vô thiên vương đạo bình bình”.

Đức Khổng tử đã dạy các đệ tử: “Quân tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng” (Người quân tử tự chủ lấy mình, nhưng không tranh chấp với ai, hợp quần với người một cách ôn hòa nhưng không theo phái này đảng kia - Luận Ngữ: Vệ Linh công, VIII, 21). Quân tử là những người tốt, người có ích cho xã hội luôn giữ mình “bất tranh” và “bất đảng”. Do “bất tranh, bất đảng” nên: “Quân tử hòa nhi bất đồng” (Người quân tử giao tiếp với người thì giữ niềm hòa lạc, nhưng không đồng tình trong việc quấy) ngược lại “Tiểu nhân đồng, nhi bất hòa” (Kẻ tiểu nhân khi giao tiếp với người thì đồng tình trong việc quấy, nhưng chẳng giữ niềm hòa lạc - Luận ngữ: Tử Lộ XII, 23).

Thấm nhuần lời dạy của vị “Vạn thế sư biểu” cho nên ông bà ta xưa khi nghe đến từ “đảng” thì không có thiện cảm và nghĩ ngay đến “lũ lâu la” hoặc “bọn lục lâm thảo khấu”. Trong truyện Lục Vân Tiên có đoạn đối thoại giữa Lục Vân Tiên và những người dân chạy nạn: 

“Tiên rằng: “Bớ chú cõng con
Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài?”
Dân rằng: “Tiểu tử là ai
Hay là một đảng sơn đài theo tao?” 
Tiên rằng: “Cớ sự làm sao 
Xin ngừng vài bước sẽ trao một lời”
Dân nghe tiếng nói khoan thai
Kêu nhau dừng lại bày lời phân qua 
“Nhân rày có đảng hung đồ
Tên rằng Đỗ Dự, hiệu là Phong Lai
Nhóm nhau ở chốn sơn đài
Người đều sợ nó, có tài khôn đương
E khi mắc đảng hành hung
Uổng trang thục nữ sánh cùng thất phu...”

Nghe đến “đảng hung đồ” thì “người đều sợ nó” bởi nó là thứ “hồ đồ hại dân”.

Trong tác phẩm “Tìm về cội nguồn chữ Hán”, trang 951 do Nhà xuất bản Thế Giới, xuất bản năm 1997 có giải thích chữ “đảng” viết bằng chữ Hán, gồm: bên trên là chữ “thượng” có nghĩa là chuộng, là tôn sùng và dùng chỉ âm đọc; bên dưới là chữ “hắc” có nghĩa là tối, là tăm tối và dùng để chỉ nghĩa. Vậy “đảng” nghĩa gốc: chuộng sự tăm tối, chỉ nghĩa tập đoàn, người xưa thường dùng với nghĩa xấu khác với ngày nay.

Do “dị ứng” khi nghe đến cái tiếng “đảng”, cho nên người xưa thích sống trong một xứ sở “vô thiên, vô đảng”. Ở xứ sở mà “vô thiên, vô đảng” thì kẻ hiền tài “bất đảng” sẽ có cơ hội giúp nước mà không bị đối xử phân biệt hoặc bị vùi dập. Có như vậy xã hội mới “chính trực đảng bình”.


Gx. Cây Vông - Nha Trang


No comments:

Post a Comment